LIỂU BẠN TÔI

Fb Boristo Nguyen, 02-03-2024

Trong đời, tôi may mắn gặp được nhiều người và có không ít bạn nhưng để gọi là bạn ruột chắc cũng chỉ vài ba người. Liểu nằm trong số đó, nếu không nói là người bạn thân thiết nhất. Gần gũi, tâm giao và chung nhiều kỉ niệm. Một người bạn chân thành, có thể tin cậy tuyệt đối.

Tôi với Liểu quen nhau đúng 50 năm trước, khi hai đứa được gọi vào Thanh Xuân học dự bị ngoại ngữ. Liểu học A1, lớp dành cho học sinh chuyên toán. Tôi học A5, lớp bình thường. Từ quen rồi trở thành thân, rồi cả hai gia đình trở nên quen biết và thân thiết từ khi nào không rõ.

Sang Nga, tôi về Varonezh học toán còn Liểu học địa chất ở Moscow. Mỗi đứa một thành phố nhưng hầu như năm nào cũng gặp nhau. Tôi với Liểu có chung quá nhiều kỉ niệm. Trong status này xin chỉ nhắc lại một vài kỉ niệm để ghi lại một tình bạn tròn nửa thế kỉ.

Thời sinh viên, đông hay hè, cứ mỗi kì nghỉ là tôi lại lượn đi chơi các thành phố. Nơi đến nhiều nhất là chỗ Liểu. Cả kí túc xá (KTX) cũ ở Studentreskaya lẫn mới tại Volgina đều trở thành gần gũi. Nhớ cái mùa đông năm nào, tại phòng Liểu, tôi với Dũng (lớp A1, đã mất) cả ngày bật máy quay đĩa, tua đi tua lại mấy bài hát tiếng Pháp của Mireille Mathieu để chép lời: Pourquoi le monde est sans amour, Donne ton coeur, donne ta vie … Nhớ những lần đá bóng dưới tuyết cạnh KTX hay đến khu trường học đá trong nhà; lần cùng các anh năm trên lấy thuốc diêm làm pháo đốt liên hoan đón Tết. Nhớ quán bia Sài Gòn, nhớ những lần mải ngồi uống rượu quên giờ hai thằng vội chạy ra ga tàu cho kịp chuyến để về lại Varonhez.

Liểu có món ăn truyền thống, cắt miếng thịt bò bỏ nồi, cho ketchup (nước xốt cà chua đóng hộp) và magarine (bơ thực vật) cả cục rồi nửa hầm, nửa xào ăn với bánh mì. Mùa đông năm 1978 GS Phan Sĩ Tấn, chủ nhiệm khoa Mác Lê ĐHSP HN, hàng xóm nhà tôi đi công tác Đông Âu có ghé qua Nga. Chúng tôi mời ông đến chơi. Mấy chú cháu ngồi uống bia, ăn thịt bò hắn làm. Lúc đó quan hệ Việt Trung căng thẳng, ông có kể cho chúng tôi tình hình đất nước, nói nhiều về bàn tay phá hoại Bắc Kinh. Cái gì xấu của Việt Nam cũng do Bắc Kinh. Tôi có nói: đúng là TQ phá nhưng có không ít là lỗi là ở chính chúng ta. Hai nhà hàng xóm lâu đời, cùng chung một môi trường, hoàn cảnh sống thì ắt có nhiều giống nhau. Nhiều cái tưởng là do TQ nhưng lại chính là của mình mà không nhận ra. Khi về nước gặp bố tôi, ông khen tôi có cách nhìn khác.

Nhớ lần cùng nhau đi mấy nước cộng hòa Baltic. Mùa đông năm đó trường địa chất Moscow tổ chức cho sinh viên đi thăm quan 3 thành phố Vilnius, Riga và Talin. Tôi bám theo đoàn đi cùng. Đến Vilnius đúng 30 Tết, cả lũ tổ chức đón Tết, ăn chơi đập phá hơi quá tay. Đến Riga gần cạn tiền, ăn bữa đực bữa cái. Ưu tiên sinh viên ngoại quốc, bạn cố mua được vé cho chúng tôi vào vào Nhà thờ lớn Riga (Rīgas Doms) nghe nhạc. Trong nhà thờ có chiếc đàn organ cổ nhất nhì châu Âu. Bụng thì đói, nhạc organ cổ điển thì não nề, cả lũ cố mà nghe, mà thưởng thức nhưng rồi cũng đầu hàng, bỏ về giữa chừng. Đến Talin, thành phố vô cùng xinh đẹp nhưng chẳng còn tâm trí đâu để đi thăm quan, chỉ lo kiếm cái để đút vào bụng. Một chuyến đi đáng nhớ.

Thời đó Đông Tây hai ngả chia cắt. Quần áo, hàng hóa tư bản là vô cùng hiếm. Có được cái quần bò xịn Levi’s hay Montana mang từ “bển” về mặc ra đường là oách lắm. Sinh viên Việt Nam đi sang Đông Âu còn khó, chưa nói đến sang các nước phương Tây. Quần áo tư bản đa phần do mấy cậu sinh viên châu Phi hay Ả Rập sang các nước buôn về. Muốn có cái quần bò mặc chúng tôi phải đi làm thêm hay tiêu pha dè sẻn để tiết kiệm để có tiền mua. Liểu được bạn bè quý (chắc hay giúp họ làm bài?) nên hay được cho quần áo mác ngoại, nhưng rồi bạn bè các thành phố đến chơi lại sang tên cho họ.

Liểu học thẳng, tốt nghiệp về trước một năm. Tôi về nước hôm trước, hôm sau Liểu đã có mặt ở nhà tôi. Những ngày tháng tiếp theo chúng tôi thường xuyên qua lại, gặp gỡ nhau. Ngày đó, như nhiều cán bộ khác, phòng làm việc cũng là nơi ở. Trưa, hay tối mọi người lại kê bàn làm việc lấy làm chỗ nghỉ. Giờ cũng chẳng nhớ đã bao nhiêu lần tôi đến chơi và nằm bàn ngủ lại tại nhà Pilot của viện Trái đất, nơi Liểu làm việc.

Bây giờ, trứng vịt lộn không phải là món gì đặc biệt nhưng thú thật cho đến tận khi tốt nghiệp từ Nga về tôi chưa từng được biết mùi vị nó thế nào. Lần đó, Liểu qua nhà rủ tôi vào phố chơi và đãi trứng vịt lộn. Chúng tôi đạp xe lang thang dạo phố và ghé ăn ở phố Gầm Cầu cách không xa chợ Đồng Xuân. Đây là quán vỉa hè, có mấy cái bàn gỗ nhỏ để đặt đồ ăn và ghế ngồi cho khách. Bà chủ quán vớt trứng từ nồi luộc cho vào bát mỗi đứa. Liểu bày tôi cách gõ cạnh thìa vào trứng để bóc vỏ. Ngắt mấy cọng rau răm, bốc thêm ít gừng thái chỉ và rắc muối tiêu ăn với trứng. Trứng không già quá, không non quá. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là trứng vịt lộn. Giờ không còn nhiều cảm xúc chứ hồi đó cảm giác ăn ngon phết.

Khoảng năm 1984-1985 khi tôi còn đang ở lính thì Dũng (A1) từ Quảng Ninh lên chơi, Đúng hôm đó Hà Nội trời mưa lụt rất lớn. Dũng Liểu đèo nhau lội nước đến thăm tôi. Chúng tôi kéo nhau ra quán thịt chó tại đê La Thành không xa đơn vị ở làng Láng. Chỉ vài lạng thịt hấp, đĩa dồi chó nướng, chai rượu nút lá chuối và ít lạc rang húng líu. Trời mưa gió, quán tranh vách lá, cả quán chỉ có ba đứa chúng tôi. Không nhớ là cụ Tản Đà hay ai đó có viết, để cần có một bữa ăn ngon phải hội đủ các yếu tố: tâm thế ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, bạn ngồi ăn ngon, bát đũa ăn ngon và món ăn ngon. Hôm đó, quán thì đơn sơ, trời thì mưa gió, món ăn thì đạm bạc nhưng không hiểu sao với tôi, đó là một bữa ăn ngon đáng nhớ trong đời. Có lẽ ở chúng tôi hôm đó hội tụ đủ tất cả những điều mà cụ Tản Đà nói.

Một kỷ niệm chung không thể không nhắc lại. Đó là lần tôi và Thuận (bạn đi Rumani cùng khóa, cùng làm viện Trái đất với Liểu), hai đứa chúng tôi được tháp tùng bố Liểu và gia đình đi hỏi vợ cho bạn. Cô Nga, vợ Liểu đã xinh lại gái làng Ngọc Hà. Liểu dân Thái Bình lên, dám cưa và cưa đổ Nga, kể cũng không phải dạng vừa (hic). Sau lần đó tôi không chỉ qua lại chơi với vợ chồng Liểu mà còn quen biết mấy anh chị của Nga. Cũng đã hơn 30 năm kể từ hồi quay lại Nga tôi chưa gặp lại các anh chị.

Tháng 7 năm 1992 tôi quay lại Nga, Liểu ra đón tôi ở sân bay. Thời đó, Liên Xô mới tan rã, nước Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng, an ninh rất kém. Sân bay Sheremetevo là một điểm vô cùng phức tạp. Ra khỏi cửa hải quan là một đám đông tranh nhau chào mời taxi. Cảm giác giá cả đắt và không mấy an toàn, chúng tôi ra ngoài định tự bắt xe. Đang vẫy xe thì mấy tay dáng vẻ bặm trợn đến và nói không được phép bắt xe, nếu bắt phải nộp lệ phí cho chúng. Tôi và Liểu phải xách va li đi bộ cả trăm mét, cách xa cửa sân bay để bắt xe cho an toàn.

Những ngày tháng đầu khi quay lại Nga, mọi thứ còn bỡ ngỡ thì chính Liểu là người đã giúp tìm thuê chỗ ở cho chúng tôi. Lúc thì ốp Trắc Địa, lúc thì ốp trường Địa chất, khu KTX Studencheskaya. Đó là những năm tháng thực sự khó khăn, vừa phải lo học vừa phải kiếm sống để tồn tại. Chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại với nhau. Ngày Liểu bảo vệ luận án, PTS rồi TS tôi đều có mặt, mừng cho bạn. Liểu sang trước, bảo vệ trước và về nước sớm. Số phận đưa đẩy thành ra tôi vẫn ở lại Nga cho đến tận bây giờ. Ngày tôi bảo vệ luận án TS, người đầu tiên tôi gọi về báo tin vui là cha mẹ. Sau đó vài chục phút, người đầu tiên và duy nhất gọi điện sang chúc mừng tôi chính là Liểu. Chắc bạn ở nhà ngóng chờ tin vui của tôi từ nước Nga xa xôi. Chỉ có những người bạn ruột, thật chân tình mới quan tâm đến nhau như vậy. Và đến tận bây giờ, sau nửa thế kỉ, lúc gặp nhiều, lúc gặp ít nhưng chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm như ngày nào.

Xin dừng lại đây. Giữa hai đứa chúng tôi có chung quá nhiều kỉ niệm mà không thể kể hết trong một status.

Ở đời, có được một người bạn ruột, chân tình như Liểu với tôi đó chính là hạnh phúc.

Liểu bạn tôi, PGS TSKH Trần Mạnh Liểu.

Hà Nội, 02-03-2024, đầu Xuân Giáp Thìn

BẠN BÈ THỜI ĐẠI HỌC

Fb Boristo Nguyen, 21-09-2021

Thời tôi học Varonezh có 8 trường đại học. Người Việt học tại các trường: Sư phạm, Rừng, Tổng hợp và Công nghệ. Sau vài năm có thêm trường nghề bên kia sông. Trường Sư phạm người Việt chỉ có 2 khóa, khóa tôi và khóa trên một năm, học các khoa Toán-lý, Anh văn và Địa. Nói chung mọi người đều hiền lành, sống với nhau tử tế, duy chỉ có một điều, nam nữ ít giao lưu, qua lại. Trường hơn 40 người mà chỉ có một đôi sau này thành vợ thành chồng. Giờ nghĩ lại cũng chẳng rõ vì sao? Vì chị em thì lo học hành phấn đấu còn anh em ở tuổi mải chơi mải nghịch, chưa có ý thức … cưa các bạn gái? Tôi không biết.

Note này viết riêng về cánh nam giới, những người bạn thời sinh viên của tôi. Viết về cánh đàn ông thì ba lăng nhăng thế nào cũng được. Viết về chị em thì phải dày công, cẩn thận không dễ bị mắng, kể cả khen mà khen không đúng … ý các nàng, hehe.

Nam giới chúng tôi ở cùng một kí túc dành cho sinh viên nam. Cả thảy có 15 người.

Nhiều tuổi nhất là anh Vụ, đơn vị trưởng, hiệu trưởng cấp 2 đi học. Anh kể: tao tảo hôn, lấy vợ sớm khi còn ít tuổi nên khi cưới đã biết gì đâu. Cha mẹ bảo lấy vợ để nhà có thêm người làm. Không biết gì nhưng anh cũng kịp có 3 cô con gái, đi học xa một mình vợ ở nhà nuôi con. Anh nói: khi lấy thì chẳng yêu đương gì, nhưng sau nhiều năm tình cảm mới xuất hiện, thương vợ vất vả vì chồng con. Tưởng có 3 cô gái rượu thế là đủ ai ngờ sau lần về phép vợ lại sinh thêm con gái, thế là tứ nữ bất bần.

Thời chúng tôi nhiều người đá bóng khá, nhưng đá hay hơn cả có lẽ là Thuận Hòa và Hòa Bình. Thuận Hòa học khoa Địa, người to khỏe, có kĩ thuật khá và đá tiền vệ. Hòa có khả năng nhìn và đá bao sân tốt. Các lần đá giải sinh viên thành phố Hòa là một trong mấy cầu thủ chủ chốt. Trần Hòa Bình thì đá tốc độ, rê khéo. Khéo đến nỗi mà có lần một mình một bóng, mình tựa lừa mình để ngã gãy chân bó bột cả tháng. Hòa Bình vốn là dân A0, chuyên toán Tổng hợp, nhưng những năm đi học trong người chỉ có mấy cuốn vở 2 xu (vở tập viết cho trẻ lớp 1), ghi cho đủ các môn. Hắn rất chăm đi thư viện, không phải để học mà để đọc báo thể thao: Bóng đá- Hockey, Thể thao Sô viết. Kết quả của mấy năm đại học kiến thức về toán có vẻ không hơn so với thời phổ thông nhưng ngược lại biết rất nhiều về thể thao. Cầu thủ thế giới ai cặp bồ với ai, bị ghẻ ở đâu hắn thuộc rành rành. Chính vì vậy mà hắn bỏ nghề, chuyển sang làm bình luận viên bóng đá. Người hâm mộ bóng đá thành phố HCM chắc hẳn chưa quên cái tên Trần Hòa Bình, bình luận viên bóng đá nổi tiếng thời trước. Hắn là người đầu tiên tường thuật World Cup trên HTV. Nghe tây đồn hắn có lần văng cả … thơ tiếng Nga trên truyền hình, chẳng biết có đúng không.

Khoa toán còn có Thái Hỷ, Lương, Tài Đức, Chính, Bích Huy và anh Luận. Khoa Lý có Giáo. Chính ham chơi cờ, về nước dạy học ở Hải Phòng. Tài Đức con bác Hồ Trúc là người đức độ, hiền lành, đúng là con nhà gia giáo. Anh Luận tôi vẫn nhớ có lần đi thi thày hỏi các câu đều tịt, không trả lời được. Hiện tượng này khá phổ biến với lối học của chúng tôi thời đó. Chơi cả học kỳ, đến kỳ thi mới học ngày học đêm hầu như không ngủ. Mỗi môn thi có mấy ngày chuyển bị, cố nhồi hết vào đầu. Đi thi, nhiều khi rơi vào trạng thái đơ, quên hết. Nếu được ai đó nhắc cho một câu thì lại nhớ, không thì bó tay đầu hàng. Hôm đó, anh Luận cũng chắc cũng rơi vào trạng thái như vậy. Thày hỏi không trả lời được thì chỉ mong được điểm 3 để qua nhưng thày cho về sau thi lại. Về ngủ một giấc, dậy đá bóng rồi anh cảm thấy đầu óc minh mẫn nên quay lại trường xin thi lại. Lần này thì thầy truy, hỏi đâu nhớ đấy và được điểm 4. Hỷ ở cùng phòng với tôi mấy năm, sau khi bảo vệ NCS một số năm có giữ vị trí kha khá trong TP HCM. Mỗi lần về nước bạn bè gặp nhau, Hỷ vẫn vậy, không có dáng là người công bộc của dân.

Khoa Anh có An Trung, Trần Hòa, Nhật và anh Hiền. Khoa Địa ngoài Thuận Hòa còn có Phúc. Phúc là người khá đặc biệt. Hắn thi khối A (toán, lý, hóa) nhưng bị xếp đi học địa nên chán hay bỏ học nên phải về nước, tốt nghiệp sớm. Hết năm thứ nhất tôi với Phúc đi lao động hè cùng đội xây dựng sinh viên. Tôi vẫn nhớ cái cảnh 2 đứa phải vứt những quận giấy dầu từ trên xe tải xuống đất. Phúc gầy nhong nheo, mỗi lần ném là một lần liêu xiêu, có lần cả quận giấy dầu lẫn người cùng văng xuống đất. Ấy vậy mà trong khoản uống rượu Phúc đua không kém gì tây. Có lần hết rượu mọi người vác cồn ra uống. Một chén nhỏ cồn, một cốc nước lã, bánh mỳ đen, mỡ muối, hành tươi, cà chua, dưa chuột muối. Làm một tợp cồn vào họng, uống một cốc nước rồi hít bánh mỳ đen, làm miếng dưa chuột muối. Chắc chỉ có người Nga thời đó mới uống được như vậy. Tôi chẳng dám nhưng Phúc làm được. Đợt lao động hè năm đó tôi được hơn 200 rub, cho Phúc vay mua máy nghe nhạc. Phúc phải về nước nên coi như món quà tặng bạn. Phúc mất sớm, nhớ thương bạn.

Trường Rừng tôi thân với Sơn, Quang và Khúc Quang Huy. Chúng tôi cùng năm, tôi với Sơn, Quang lại cùng dự bị Kishinev. Sơn có tiếng là tay chơi, học được vài năm rồi cũng phải về nước. Thông thường, người ta đi học mỗi năm lên một lớp. Sơn về nước học lại đại học, nghe nói hắn không những không lên lớp mà còn tụt xuống lớp dưới. Năm 2003 tôi về nước, bạn bè gặp nhau, Sơn có đến nhưng lúc đó cũng đã rất yếu. Hắn đến, không tham gia nhậu mà chỉ giở những tấm ảnh cũ, kể nhớ lại một thời sinh viên sôi nổi. Huy đá bóng sân to, hậu vệ khá cứng. Hắn uống rượu khỏe, giờ U70 mà vẫn phong độ, một minh chứng cho câu nói “Đẳng cấp là mãi mãi”. Giữ được phong độ như vậy chắc do luyện tập thường xuyên, uống đều. Trong thể thao, ăn nhau ở sự kiên trì luyện tập. Mà cha này cũng lạ, về già mới phát hiện ra mình có năng khiếu thơ. Càng uống rượu thơ càng hay, khối nàng ngày xưa thì chê, giờ đọc thơ hắn lại chết mê chết mệt. Giỏi thơ cũng có cái lợi.

Quang là bạn thân, giữa chúng tôi có nhiều kỉ niệm. Nhắc đến Quang tôi lại nhớ những ngày khi về nước đi lấy hàng gửi tàu thủy ở Hải Phòng. Kiếm được tiền, mua được hàng để đóng thùng gửi về khá vất vả nhưng hàng về đến nơi ngoài mấy cái xe đạp và đồ đạc cá nhân Hải quan thu mua sạch. Hai thằng cơm đường cháo chợ, lăn lộn cả tuần để tìm cách giải quyết nhưng không kết quả. Cũng vì vụ này mà có người chắc không vui. Tự dưng phải làm ơn nên oán. Quang là người hiền lành, không được may mắn lắm. Thường ở đời nguời hiền quá hay vất vả.

Bạn bè thời sinh viên có người thân nhiều người thân ít, với tôi Nguyễn Bích Huy luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Tôi rất quí hắn. Mọi người cũng vậy. Huy được quý vì hiền lành, chân tình, sống luôn luôn nhường nhìn. Nếu cần một người tin cậy để ủy thác việc quan trọng tôi sẽ chọn Huy. Huy học rất giỏi, bạn bè công nhận là giỏi nhất trường (khoa toán). Thấy bảo khi học phổ thông hay lên quân sự học dự bị Huy cũng chưa có gì nổi trội so với nhiều ngôi sao trên 196. Có thể vậy. Nhưng vào đại học, hắn say mê học và nghiên cứu, bứt vượt lên trên mọi người dù trường tôi dân chuyên toán, Tổng hợp hay Sư phạm không phải ít. Năm thứ nhất, Huy đạt giải nhất kì thi học sinh giỏi sinh viên khoa toán các trường đại học tổng hợp và sư phạm toàn Nga. Tốt nghiệp được giữ lại chuyển tiếp NCS. Tôi nghĩ thành tích này không phải ai cũng có được. Về nước Huy dạy khoa toán trường ĐHSP TP HCM, một thời làm trưởng khoa nhưng sau xin thôi. Với lí lịch gia đình, có bằng PTS sớm, nếu muốn thì con đường quan lộ chắc không khó nhưng là người hiền lành, chân chất thì đấy không phải là con đường mà hắn muốn đi. Tạng của Huy chỉ hợp nghề thày đồ dạy học.

Mà tiểu sử của Huy cũng khá đặc biệt, tôi không chắc có trường hợp thứ 2. Dạo đi học, mọi người vẫn nói là hắn đẻ trong tù, là nhân vật được kể trong Vượt Côn Đảo của Phùng Quán hay Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận gì đó. Tôi có hỏi lại thì không phải nhưng đúng là hắn đẻ tại nhà tù Biên Hòa, được mấy tháng thì chuyển ra Côn Đảo ở cho đến năm 1960 khi tròn 3 tuổi, . Sau đó có thời gian Huy theo mẹ phải lánh sang Campuchia khi căn cứ cách mạng bị lùng quét. Tôi hỏi đùa: cậu đi làm cách mạng từ trong bụng mẹ thì phải được cấp giấy chứng nhận “lão thành cách mạng” chứ? Hắn cười, trả lời: mình không ghi vào lý lịch.

Tôi còn nợ Huy một điều mà mãi sau này hắn mới nhắc. Cứ tưởng hắn “chỉ biết học thôi chẳng biết gì” ai ngờ lại là người rất lãng mạn. Ngày trước có lần hắn nhờ tôi giúp làm quen với nàng thơ nhưng tôi không để ý. Thú thật, tôi hoàn toàn không nhớ về chuyện này. Ngày ấy nếu tôi không vô tâm thì giờ đây đã có một chàng Puskin với nàng Natasa và những bài thơ tình bất hủ.

Moscow 21-09-2021

Mùa thu, năm covid thứ 2.

ĐÃ YÊU THÌ PHẢI YÊU NHƯ GÁI PHÁP – DÁM CHẾT VÌ YÊU

Fb Boristo Nguyen 7-9-2021

Cuối đông năm 1980, chúng tôi được đi thăm quan Yasnaya Polyana tại Tula, điền trang của Lev Tolstoy. Đây là nơi Tolstoy sinh ra, và cũng là nơi ông cho ra đời những kiệt tác “Chiến tranh và Hòa bình”, “Anna Karenina”. Yasnaya Polyana là địa chỉ quen thuộc không chỉ với dân văn chương mà cả với nhiều người khác. Các nhà văn, nhà thơ trong nước sang Nga đa phần đều có nguyện vọng được đến thăm Yasnaya Polyana, nơi có ngôi nhà Tolstoy sinh sống, có ngôi mộ nhỏ của nhà văn vĩ đại này. Người dân cũng thích đến đây thăm quan vì điền trang rất đẹp.

Mộ Lev Tolstoy tại Yasnaya Polyana. Foto: Boristo Nguyen.

Thăm Yasnaya Polyana, chúng tôi được nghe kể về cuộc đời và cái chết của Lev Tolstoy, được thăm ngôi nhà ông ở, đi dạo theo các con đường nhỏ trong rừng và thăm ngôi mộ nhỏ nơi ông an nghỉ. Tôi vẫn nhớ những ấn tượng về khu điền trang này, nhớ mấy đứa nói với nhau: “được sống ở đây chắc mình cũng thành nhà văn”. Rừng đẹp quá!. Thăm mộ Lev Tolstoy, tôi cứ nghĩ mãi về ý nghĩa cuộc đời. Một nhà văn vĩ đại, một nhà đại quý tộc mà chết đi cũng chỉ một ngôi mộ nhỏ bằng đất đơn sơ. Không lăng, không bia mộ, không tượng đài. Giá trị đời người không nằm ở sự đồ sộ, kích thước của lăng mộ, nó được đánh giá bởi những gìá trị những gì mà ta làm được cho đời.

Tất cả cuối cùng rồi cũng về với cát bụi.

Nói về Yasnaya Polyana thì có thể nói rất dài nhưng mục đích bài không phải kể về nó hay kể về những cảm xúc của chuyến đi. Tôi muốn kể về chuyện khác.

Chuyến thăm quan hôm đó, ngoài một số sinh viên trường tôi còn có ông bạn Sồ và anh Ngô Huy Cẩn, thực tập sinh cao cấp, cha đẻ giáo sư Ngô Bảo Châu từ trường rừng cùng thành phố. Trong đoàn có 2 nhân vật đặc biệt là nhân vật chính của câu chuyện. Đó là cô người Pháp và cậu bạn César người Cuba. Cô người Pháp dân Paris chính hiệu là sinh viên trao đổi sang học trường tôi. Bốn chục năm trôi qua nên tên cô tôi không còn nhớ. Cô mới sang Nga học, rất thiện cảm với Việt Nam nên trong suốt chuyến đi cô hay nói chuyện với chúng tôi. Thời đó, được tiếp xúc với người từ phương tây sang, nghe kể chuyện về cuộc sống bên kia bức tường sắt là điều rất thú vị. Cesar học cùng lớp, ở sát phòng trong kí túc xá và khá thân với tôi. Cậu chơi trống, đánh đàn rất hay, giọng hát thì vô cùng tuyệt. Đấy là chưa nói dân Cuba ai nhảy cũng đẹp. Các lần hội diễn trên trường hay những buổi disco nhạc sống cậu thường biểu diễn và được nhiều người hâm mộ. Chính vì những tài lẻ này mà cậu nổi tiếng, các bạn nữ trong trường mê tít. Tôi cứ đùa với cậu: khéo con gái nửa trường chết với mày. Cậu cười: mày nói hơi quá.

Cô bạn người Pháp đứng ngoài cùng bên phải, GS Ngô Huy Cẩn đứng giữa, nửa mặt bị lấp bởi bà hướng dẫn viên.

Tại Yasnaya Polyana cậu không lo thăm quan, nghe hướng dẫn viên kể mà chỉ nhăm nhăm tán cô bạn người Pháp. Cách tán của cậu không mấy tế nhị, lời lẽ khá thô. Tán kiểu ấy mà gặp mấy cô gái Việt Nam con nhà lành, lại có chút đanh đá thì dễ được ăn mấy cái tát vào mặt. Cậu lăng xăng cầm máy ảnh, chĩa thẳng ống kính vào mặt cô người Pháp để chụp. Cô bạn khó chịu ra mặt, khoát tay, quay mặt, bỏ đi chỗ khác. Cậu bạn Cuba vẫn lì, bám dai như đỉa.

Nhưng rồi cái gì phải đến sẽ đến. Ở đời mấy ai cưỡng được mệnh trời. Ấn tượng ban đầu xấu là thế nhưng chỉ sau đôi tháng cô nàng chết đổ với ông bạn Cuba. Phần vì ông bạn cưa lì nhưng có lẽ đúng hơn là sau đôi lần “mắt thấy tai nghe”, chứng kiến Cesar hát hay thế nào, các fans nữ trong trường hâm mộ ra sao thì cô nàng không chết mới là lạ.

Nghe nói, trong tình yêu, chị em cũng có tính ganh đua ghê lắm. Chẳng biết có đúng không?

Anh bạn Cesar người Cuba

Hè năm sau đó, chúng tôi tốt nghiệp. Sau tốt nghiệp tất cả sinh viên nước ngoài đều phải lên đường về nước. Tôi cũng vậy, Cesar cũng vậy. Đó là những ngày cuối cùng trên đất Nga của chúng tôi. Tối hôm đó tại phòng bên của Cesar có tiếng 2 người, rồi tiếng khóc. Lúc sau phòng bên trở nên im ắng và một lúc sau lại có tiếng khóc vọng lên từ đầu hồi kí túc xá. Tiếng khóc ri rỉ rất lâu, kéo dài tới gần nửa đêm rồi sau đó im bặt. Tôi cảm giác có cái gì đó không bình thường, liền bảo cậu bạn cùng phòng xuống đó xem sao. Hai thằng kéo nhau xuống, rất may là kịp thời. Cô bạn người Pháp thôi khóc, bỏ đi về phía trường trường tổng hợp. Chúng tôi lặng lẽ đi theo. Đường từ trường tôi tới trường tổng hợp phải đi qua một cái cầu, phía dưới là đường tàu hỏa. Khi tới đó, cô dừng lại, đứng quay mặt vào lan can, nhìn xuống phía dưới đường tàu. Chúng tôi cảm thấy chẳng lành liền đến lại gần. Và lúc có tàu sắp chạy tới, cô nàng nhao người muốn nhảy xuống. May mà có chúng tôi ở đó, kip giữ cô lại. Cô khóc, giãy, cứ muốn lao xuống đường tàu. Chúng tôi phải khá vất vả mới giữ được và đưa cô quay trở lại kí túc xá.

Hôm sau cô dọn đồ, mua vé quay về Pháp, bỏ học giữa chừng còn anh bạn Cesar người Cuba từ đó cũng không có tin tức gì.

Cứ bảo, tây yêu hời hợt, thay người yêu dễ như thay áo, hóa ra sâu sắc phết. Nhất là gái Pháp?

Moscow, 07-09-2021, năm covid thứ 2.

VINH, DŨNG LỚP A1

Fb Borisot Nguyen, 4-6-2021

Nhân nàng Mộng Đẹp điểm danh mình lại nhớ những kỉ niệm với Vinh, Dũng lớp A1. Xin nhắc lại như là nén tâm nhang gửi đến 2 người bạn đã sớm đi xa mà không kịp tham gia CTTX.

Với Vinh, mình có 2 kỉ niệm nhỏ, không dễ quên.

Năm dự bị Kishinev mình nhảy tàu đi chơi đến chỗ Vinh ở Odessa. Tối hôm về, hai thằng đi bộ từ kí túc xá trường đóng tàu ra ga. Lúc đó khoảng 1-2 giờ sáng, phố xa vắng tanh, không một bóng người. Hai thằng đang đi thì thấy một đám thanh niên trông khá gấu đứng ngang giữa phố chặn đường. Đây là đám choai choai mới lớn, tay cầm chai bia tay cầm gậy. Chúng nhìn bọn mình với vẻ khiêu khích. Vinh bảo: chúng mình chạy đi. Mình nói ngay: không được chạy! Chạy bây giờ là chết, chúng sẽ đuổi theo đập cho mấy gậy là xong. Cậu theo mình, cứ bình tĩnh mà đi, không được tỏ ra run sợ. Hai thằng hiên ngang đi thằng vào giữa đám đông, coi như không có chuyện gì xảy ra (bên ngoài vậy chứ bên trong sợ gần chết thiếu tè ra quần). Đám thanh niên tách ra, tránh đường cho bọn mình đi qua sau đó chúng còn đi theo dăm chục mét thì dừng. Hú vía. Sau nghĩ lại lúc ấy không tỉnh táo mà bỏ chạy thì giờ không biết có nàng nào giúp đẩy xe lăn để đi chợ tình không?.

Một kỉ niệm khác là hồi về nước. Vc Vinh ở khu tt Kim Liên. Một hôm GS Liểu nhắn: thằng Vinh nhờ mày ra, hình như nó muốn nhờ việc gì ấy. Hôm đó bận nên mấy hôm sau mới mò ra. Hỏi: mày hôm trước gọi tao ra có việc gì à? Vinh bảo: thôi chuyện xong rồi. Hôm trước định nhờ mày ra đánh hộ. Hóa ra là ông bạn đưa con đi nhà trẻ mà muốn con hay chữ phải yêu lấy thày. Không hiểu có phải vì ngoại giao với cô giáo hơi quá mà chồng cô nổi cơn gen vác cờ lê ra định ăn thua đủ với phụ huynh học sinh của vợ? Hắn muốn nhờ mình ra đánh hộ nghĩ tôi là tay đấm tay tay đá (hồi sinh viên mình 2 lần nhỡ tay đánh tây suýt bị đuổi học). Mình mới bảo với hắn: mày nghĩ tao là thằng đánh thuê à? Rồi 2 đứa cười.

Kỉ niệm với Dũng

Thời Thanh Xuân Dũng khá nổi tiếng vì khả năng học ngoại ngữ. Vẫn còn nhớ bạn bè có trò vác từ điển ra đố, lâu lâu mới có từ Dũng không biết. Dạo đó Dũng còn tự học thêm tiếng Pháp. Vốn từ của hắn lúc đó chắc cũng được đôi ba trăm từ. Không biết người khác thế nào chứ tôi học ngoại ngữ có khi biết đến cả nghìn từ mà mồm vẫn ngậm hột thị, không nghe không nói được. Toàn từ chết. Vốn từ ít ỏi mà Dũng thỉnh thoảng vẫn mò qua lớp Ru nói chuyện với chuyên gia. Tất nhiên lúc đó chắc cũng chưa phải siêu gì nhưng mới tự học được ít từ mà cũng nói chuyện, chém gió được với chuyên gia thì cũng đủ để anh em lác mắt.

Mình có chút kỉ niệm với Dũng, nhớ mấy lần mùa đông tại kí túc xá Volgina của trường Địa chất Moscow. Hai thằng cả ngày mở đĩa nhạc của Mireille Mathieu với Adamo tua đi tua lại để chép lời. Sau vụ đó mình mà tiếng Pháp lên chân, đi đâu gặp em nào cũng Pourquoi le monde est sans amour? Donne ton coeur donne ta vie! với Tombe la neige. Dũng nó thích học ngoại ngữ nên bỏ bê học hành nên bị thày đì, thi môn Lý (nếu nhớ không nhầm) mấy lần không qua nên phải tốt nghiệp sớm. Trước khi Dũng về mình còn lên Mat, tặng nó cái xe Sputnik (hay Sport gì đó).

Về nước, Dũng quay lại học đại học ngoại ngữ Thanh Xuân. đỗ thủ khoa, Ra trường Dũng được phân về Ban đối ngoại bộ quốc phòng. Chỗ làm (được cọi là) thơm tho , nhưng được vài năm hắn xin về lại Quảng Ninh, vẫn ham thích ngoại ngữ, dịch thuật.

Dạo năm 83-84 có lần mình đang trong lính, đóng ở làng Láng thì Dũng lên Hà Nội, Liểu với Dũng mò đến đơn vi mình. Hôm đó Hà Nội mùa này phố cũng như sông, mưa bão, ngập lụt kinh khủng. Mình xin phép đơn vị ra tiếp bạn. Ba thằng kéo nhau ra quán làm mấy lạng thịt chó hấp, cút rượu ngồi tán chuyện tào lao. Trời mưa,  gió lạnh, mấy thằng bạn cũ ngồi nói chuyện thế giới, chuyện Liên Xô, chỉ cút rượu nhạt với mấy lạng thịt chó mà cảm giác thật thích, hơn nhiều những buổi ăn uống ê chề ngày nay.

Nhắc đến A1, tự dưng lại nhớ 2 thằng bạn cũ của thời sinh viên.

Moscow, Tháng 6 năm Cô Vít thứ 2.

DƯƠNG TÁI – THẰNG BẠN TUỔI THƠ CESP

Fb: Boristo Nguyen, 13-8-2020

Ở đời, chúng ta thường có nhiều bạn nhưng bạn tuổi thơ bao giờ cũng chiếm một vị trí đặc biệt. Dương Tái⁽¹⁾ là thằng bạn tuổi thơ và để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Gia đình nó với gia đình tôi là hàng xóm thân thiết lâu đời, cha mẹ với cha mẹ, con cái với con cái. Tôi và nó cùng lớn lên, cùng đi học với nhau từ thủa vườn trẻ mẫu giáo, cùng chung bao kỉ niệm. Chúng tôi cùng là CESP⁽²⁾.

Dương Tái. Foto: Nguyễn Xuân Mai

Thời chiến tranh cha mẹ cơ bản chỉ lo cho cái ăn cái mặc còn trẻ con thì phát triển tự nhiên. Học tự lo mà học, Chơi tự nghĩ trò mà chơi. Lũ trẻ chúng tôi đa phần đều ham chơi và nghịch. Chơi đủ trò, nghịch đủ kiểu, nhưng có lẽ do sống trong môi trường sư phạm nên cách chơi, cách nghịch của CESP cũng hiền lành, không máu anh hùng như con em một số khu tập thể khác.

Một trong những đứa nghịch nhất của lứa chúng tôi là Dương Tái. Không trò nào không có mặt hắn. Bi, xèng, quay, khăng, sô vê, bắn bùm, trốn đập trên cây⁽³⁾… Câu lươn, tát cá, ra đồng móc cua, đặt trúm bắt lươn .. Hơn thế, Dương còn là đứa đầu têu và hăng nhất trong những trò tinh nghịch. Đêm hôm vào chùa Thánh Chúa hái trộm quả. Chui vào kho quân nhu của bộ đội trộm lương khô, lấy những viên thuốc cháy nổ quấn giấy bạc (của bao thuốc lá) đốt làm “đạn pháo”. Có lần thấy xe com măng ca của chú Đức đậu đầu nhà B3 mấy thằng trèo lên xe nghịch. Không hiểu đấu cách nào mà Dương nổ được máy rồi lái cho xe chạy. Xe chạy quanh sân vận động, muốn dừng nhưng lúng túng nên không biết cách. Cuối cùng phải cho xe lao xuống hào để dừng. Một trò đùa dại khác mà chúng tôi hay chơi là đuổi bám xe. Trường có chú Tượng lái xe người miền nam. Mỗi khi thấy xe tải của chú là mấy đứa trẻ lại chạy bám đuổi, trèo lên thùng xe. Chắc do dị ứng với đám trẻ nên mỗi lần thấy chúng tôi bám xe là chú cho tăng tốc rồi đôi lúc lại hãm phanh. Khi ra đến cổng trường khi xe phải dừng chờ mở barrie lũ trẻ lại trèo xuống. Sau này nghĩ lại mới thấy trò này quá nguy hiểm, ngày xưa sao mình lại dại đến như vậy?

Năm 1972, Dương đi lính. Không hiểu do nổi hứng hay chán học mà hắn cắt máu gà viết đơn để được nhập ngũ.

Đi B, mấy năm lăn lộn chiến trường, nếm trải đủ mùi bom đạn. Đồng đội ngày nào cùng ra đi đa phần hi sinh, nằm lại nơi chiến trường. Sống sót như hắn chẳng còn được mấy người. 1975 chiến tranh kết thúc đã tưởng được nghỉ ngơi nhưng hắn thì không. Những người lính công binh như hắn vẫn phải tiếp tục tìm kiếm và tháo phá bom mìn, vẫn phải đối mặt với nguy cơ, cái chết rình rập. Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi chiến trường K không kém phần khốc liệt.

Dương kể: tụi lính Cam rất giỏi đánh mìn, lính mình hi sinh hay thương vong nhiều vì mìn. Có lần nhóm của Dương, 3 người phải đi qua một trảng cỏ trong rừng. Dương dặn 2 người lính trẻ: tôi nhiều kinh nghiệm đi trước dò mìn, đi bước nào đánh dấu bước đó. Các cậu đi sau, cách dãn nhau hai chục mét, đi đúng theo những bước chân của tôi không được chệch. Dặn kĩ rồi mà một anh lính trẻ vẫn đi trật, trúng mìn, thân nát thành nhiều mảnh văng khắp nơi, có mảnh văng vắt vẻo trên cây. Cực kì thương tâm và ám ảnh!

Sau Campuchia, đơn vị Dương chuyển về đóng tại một tỉnh ven biển miền Nam. Đại đội vừa làm kinh tế, vừa có nhiệm vụ canh giữ biển. Những năm 80 có phong trào vượt biên bằng đường biển. Là chỉ huy đại đội nhưng không như một số người có chức quyền khác, Dương không tham bán bãi⁽⁴⁾ cho dù biết rằng làm việc này tiền vào như nước. Hồi đó có một cô gái, hai người yêu nhau. Cả nhà đi di tản nhưng vì tình yêu nên cô không đi. Yêu nhau là vậy nhưng hai người không thể đến được với nhau vì cô là dân công giáo còn Dương là đảng viên. Dương không muốn vì lấy vợ mà bỏ đảng để làm buồn cha mẹ.

Mười mấy năm chinh chiến, luôn đối mặt với cái chết, cống hiến nhiều như vậy nhưng rồi Dương phải rời quân ngũ, “về hưu non”. Quân đội cần phát triển, hiện đại hóa, những người như Dương được coi là không có học vấn nên hết vai trò. Cuộc đời là vậy, khi cần thì dùng, hết cần thì không có học vấn.

Ra quân, về sống với bố mẹ, Dương sinh hoạt đảng cùng các cụ hưu trí trong khu tập thể. Nghề nghiệp không, vợ chưa có, mọi người trong khu cứ đùa bảo hắn nhờ các cụ tổ hưu giúp mối lái giúp. Rồi Dương lấy vợ, có con, cuộc sống cũng đạm bạc. Ngày trước làm bảo vệ trong khu. Mấy năm gần đây sắm được xe ba gác tham gia vào đội quân thương binh chở hàng, kinh tế có vẻ khá hơn đôi chút.

So với bạn bè cùng trang lứa, hoàn cảnh kinh tế gia đình chắc cũng hạn hẹp hơn nhưng những lần gặp Dương, tôi chưa một lần thấy hắn kêu ca, oán trách. Trái lại, lúc nào cũng thấy hắn vui đời, hồn nhiên như thời tuổi trẻ. Mỗi lần gặp nhau, hắn hay ôm lấy tôi, lắc lắc: tao với mày có chung nhiều kỉ niệm lắm.

Nếu bạn gặp một người thương binh lái xe ba gác, quần áo lính, dáng vẻ phong trần nhưng nhìn kĩ mặt thì thấy rất hiền lành, đôn hậu thì đó dễ là bạn tôi, Dương Tái, thằng bạn tuổi thơ CESP.

(1) Hắn tên là Trịnh Dương, hay gọi là Dương Tái theo truyền thống gọi lái tên nhau

(2) CESP – con em từng sống và lớn lên tại khu tập thể ĐHSP HN

(3) Trò trốn đập: một người phải bịt mắt tìm, đập và gọi đúng tên người bị bắt. Thay vào chơi dưới đất, chúng tôi thời đó hay chơi trên cây xà cừ nên người bị bịt mắt khá nguy hiểm.

(4) Bán bãi: lẽ ra phải canh gác bờ biển thì nhắm mắt lờ đi một vài tiếng cho người di tản có thể lên thuyền ra đi.

Moskva, 13-8-2020

CHUYỆN TÌNH THANH XUÂN CỦA TÔI – 1 THÁNG 5 LẦN THẤT TRẬN

1
Chuyện cũ tua lại
Tôi sống và lớn lên ở Hà Nôi. Mang tiếng dân Hà Nội nhưng lại học trường làng, khu tôi sống xung quanh bao bọc bởi ruộng đồng. Ngoài giờ tới trường chúng tôi vẫn thường rủ nhau ra đồng móc cua, mò hến (cái thói quen ấy vẫn còn giữ đến tận bây giờ  ) … Bạn bè chúng tôi hầu hết nhà làm nông nghiệp.
Vẫn nhớ ngày nhập trường vào Thanh Xuân mắt tôi cứ hoa cả lên, ở đâu ra mà con gái xinh lắm thế? Vốn mặc cảm là dân ngoại biên, nay gặp toàn những gương mặt thanh tú, da trắng, dáng đi, giọng nói điệu đà (nhất là mấy bạn nữ Hà Nội) tôi cứ như lên mộng, lạc vào cõi mơ.
1. Lúc làm thủ tục nhập học, tôi để ý đến một cô bé người nhỏ nhắn, má lúm đồng tiền, trông rất xinh. Nàng nhí nhảnh, miệng luôn mỉm cười. Nhìn thấy nàng tôi như bị hút hồn. Hút hồn bởi cái nhí nhảnh, hồn nhiên toát lên từ nàng. Tự dưng tôi muốn được làm quen với nàng. Bụng thì muốn nhưng mồm lại cứ như ngậm hột thị, không thốt nổi một lời. Nhưng số phận đã suýt mỉm cười. Số là, sau khi đăng kí, phân phòng, mọi người phải ra kho nhận giát giường rồi tự khuân về phòng. Nhận giát giường xong, tôi cố tình bám sát theo nàng. Tôi nghĩ, nàng thì bé nhỏ, giát giường thì to, chắc khuân sẽ vất vả. Đúng vậy. Nàng cõng giát giường đi loạng choạng trông rất mệt nhọc. Nàng đi trước, tôi theo sau, cách chừng dăm mét. Về đến cầu thang nhà D2, thấy nàng thở dốc, người loạng choạng, sức chắc đã kiệt tôi nghĩ thời cơ đã đến. Bỏ giát giường của mình xuống, tôi tiến đến bên nàng. Đang lúng búng định nói khênh giúp thì ở đâu bỗng xuất hiện một cậu to khỏe (lại còn giọng ồm ồm dễ ghét  ) xông đến giúp nàng. Cậu hai tay xách 2 giát giường, leo cầu thang phăng phăng. Nàng đi sau nhìn cậu ta có vẻ hâm mộ.
Thế là mất thời cơ! Hạnh phúc thoắt đến, thoắt đi, chẳng biết đâu mà lần. Hôm phân lớp, thế nào mà cả tôi, cả nàng, lại cả cái cậu to khỏe, giọng ồm ồm đều được phân vào cùng một lớp. Nàng là LPLH, cậu kia là V, biệt hiệu Wind Toocean – Gió thổi đại dương.
2. Chúng tôi vào lớp A5, đi Nga. Thầy Thanh chủ nhiệm xếp tôi ngồi bàn thứ ba, dãy bên trái. Bàn trên, ngay trước mặt là một bạn nữ. Vẫn biết vào Thanh Xuân là phải học hết mình. Học không tử tế, thi trượt thì ở lại, xong mộng đi tây. May thì học đại học trong nước, không may thì đi lính. Biết vậy nhưng cả buổi tôi vẫn không làm sao tập trung được tinh thần để học, đầu óc cứ để đi đâu. Tôi mê mẩn ngắm mái tóc dài mượt mà, đen nhánh của cô nàng ngồi trước. Người đâu mà có mái tóc dài, đẹp đến như vậy.
Giờ giải lao, tôi lân la làm quen, hỏi bạn học tiếng Nga thế nào, khó gì tôi giúp (bây giờ nghĩ lại mới thấy mình liều, phổ thông học tiếng phờ râu tre, tiếng Nga một chữ bẻ đôi không biết lại dám hứa giúp người khác). Rủ hai đứa học nhóm cho vui, cho dễ học. Đang bla bla thì bỗng ai đó vỗ vai, nhìn lại hóa ra một cậu lớp bên cạnh, HSMN. Cậu này tên là Bàng, trông rất gấu . Cậu khuyên, tốt nhất tôi nên tránh xa cô bạn đó ra (nếu không muốn ăn đòn), không được phá hạnh phúc của người khác. Hóa ra nàng và anh C lớp bên cạnh hai người đã yêu nhau đã nhiều năm, từ hồi lớp 6. Họ đã báo cáo và đã được tổ chức đồng ý. Đây là một cặp yêu nhau thật đẹp, niềm tự hào của những thanh niên mới lớn trường HSMN Đông Triều. Nàng là HM.
3.Ngồi xế bên là một nàng cũng đẹp không kém. Không sắc sảo, điệu đà như mấy cô gái phố cổ mà nàng đẹp bởi sự thùy mị, hiền lành. Trông cứ như đức mẹ. Ở nàng toát lên vẻ đẹp thánh thiện của người phụ nữ đoan trang. Nàng đẹp chân chất, tự nhiên, giống như hoa đồng nội mà ngày trước tôi vẫn hay gặp mỗi khi đi mò cua bắt ốc ở ruộng hợp tác.
Tôi làm quen với nàng, hai người khá tâm đầu ý hợp. Được vài hôm, không nhớ nhân chuyện gì tôi mò đến nhà nàng chơi. Bố mẹ nàng tiếp đón rất nhiệt tình, lại còn sai cậu em đi mua xi rô về tiếp khách. Chuyện trò thật vui vẻ, tôi cảm thấy rất lạc quan. Nhưng đến lúc đứng dậy xin phép ra về, bác gái mới căn dặn chúng tôi: các cháu còn trẻ, tương lai trước mắt đầy sán lạn, phải cố gắng mà học, không được yêu đương gì đâu nhé. Khi nào học xong, thành tài về nước rồi yêu đương, tìm hiểu cũng chưa muộn. Với nàng, người con gái nết na của bố mẹ, đấy là mệnh lệnh. Nàng là H.
4. Ngồi chếch phía trên, dãy bên kia là một nàng, có lẽ xinh nhất lớp. Nàng đẹp thôi rồi. Cánh đàn ông mà nhìn thấy nàng không ngất mới là lạ. Thời Thanh Xuân mọi người cứ ghen tị: bao nhiêu con gái đẹp chui hết vào lớp A2 của ông Vinh Nguyên (mà đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc ông này móc mách thế nào mà bộ, trường lại ưu ái dồn hết người đẹp về ông? ). Tuy nhiên, nếu có tổ chức thi sắc đẹp, cánh A2 chưa chắc đã hơn nàng. Một mười, một 9 rưỡi. Mà nàng là gái Hà Nội gốc, dân Hàng Bạc hẳn hoi. Đã xinh lại mốt mai, trông quí phái hệt như những ma đờ moi zen Hà Thành xưa.
Thích thì có thích, nhưng mặc cảm mình dân ngoại biên, bô nha bô nhếch nên ban đầu cũng chỉ dám kính nhi viễn chi, đứng xa … thỉnh thoảng liếc nhìn. Nhưng sau thấy nàng cũng dễ gần (thậm chí, nàng còn chủ động bắt quen) tôi cũng mạnh dạn làm thân. Hỏi nàng, chủ nhật không học làm gì? Nàng bảo: cũng chẳng làm gì. Lại hỏi: hay 2 đứa đi chơi, ăn kem Bờ Hồ. Nàng bảo: khơ rô sô.
Nghe nàng khơ rô sô, tôi mừng phát điên, thế là được đi chơi với người đẹp. Nhưng sau một lúc, tĩnh tâm lại thì cũng thấy lo. Nhà nghèo, khi vào Thanh Xuân tôi cũng chẳng dám xin tiền của bố mẹ. May trước đợt hè trước lúc nhập trường tôi đi mò cua bắt ốc đem ra chợ nhà Xanh bán, tích cóp cũng được hơn 2 đồng. Chủ nhật, nhảy xe điện đến nhà rủ nàng đi chơi. Nàng lên kế hoạch: mình ra rạp Tháng 8 xem phim Liên Xô, xem phim xong ra Tràng Tiền ăn kem, rồi sau đó tới Lương Văn Can ăn bánh trôi, bánh chay,… Nghe nàng lên kế hoạch mà lo sốt vó. Đi với người đẹp thiếu tiền thì không có lỗ mà chui. Hôm đó, đi chơi với nàng, vừa sướng, vừa lo. May cũng vừa đủ. Cuối buổi, tôi bảo tiễn nàng về, nàng nói thôi khỏi cần, có bạn đến đón. Chờ một lúc thì thấy có một cậu đầu ốp vazơlin bóng mượt, cưỡi xe mobylette cá vàng đến đón. Nàng ngồi lên sau xe, quay lại vẫy tay, úy lạo tôi một nụ cười tạm biệt rồi ngả đầu vào lưng cậu đó. Hai người phóng xe đi. Nàng là Thu Hồng, nick HN.
5. Ngoài Ph, M, LH, ThH lớp tôi còn một bạn nữ nữa. Nàng này cũng rất đặc biệt. Nàng không những chỉ xinh mà còn nổi tiếng học giỏi, cháu ngoan bác Hồ. Dân chuyên Lê Hồng Phong, một trong những gương mặt sáng giá của đất Hà Nam Ninh. Năm nào nàng cũng được thay mặt hàng vạn học sinh của tỉnh lên Ba Đình báo cáo thành tích học tập cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nghe nói có năm nàng còn được mời sang Liên Sô dự trại hè để trình bày kinh nghiệm cho các bạn học sinh quốc tế. Một người con gái vừa đẹp, lại vừa hồng vừa chuyên. Đúng là mẫu hình lí tưởng của nữ thanh niên XHCN.
Tính nàng cũng dễ gần. Vào học được vài hôm tôi và nàng cũng bắt đầu thân nhau. Đúng hôm đang định dấn lên, tiến sâu thêm nữa, rủ nàng cùng học nhóm thì lớp trưởng Nguyễn Đăng Dung triệu tập họp lớp. Trong cuộc họp, anh nói nhiều về lí tưởng và hoài bão cách mạng,… Anh khuyên chúng tôi mỗi người đều phải cố gắng vươn lên để được thành đối tượng cảm tình… Anh đặc biệt khen nàng có ý thức phấn đấu, và thay mặt chi bộ sẽ trực tiếp bồi dưỡng nàng thành nhân tố tích cực, làm gương cho các bạn khác. Từ nay, anh sẽ học nhóm với nàng. Nàng giúp anh tiếng Nga, anh giúp nàng phấn đấu. Nàng là Th Hà.
Vâng, vào Thanh Xuân, tinh thần đang phấn chấn thì vấp phải thất bại liên tiếp. 5 lần ra quân 5 lần thất trận. Chán nản, tôi lao vào học tập .. để quên đi nỗi buồn. Tết âm lịch năm đó, cậu bạn thấy tôi buồn mới dẫn đi xem thầy, nhờ bói cho một quẻ về đường tình duyên. Thầy phán xanh rờn: số cậu không yêu được người cùng lớp, may lắm thì hợp duyên với người lớp khác. Mà thấy bói … cũng tưởng đúng mà trật. Cuối năm tôi làm thân với một cô nàng khối N. Hai người khá thân thiết, cứ tưởng sẽ thành một cặp tình nhân nhưng rồi vì một vài hiểu nhầm nho nhỏ mà thành chia tay. Nhưng đó là câu chuyện khác, sẽ kể trong một lần tới.
Tháng 7 năm nay A5 họp mặt, kéo nhau lên rì xọt tại Sơn Tây. Sau mấy chục năm gặp lại thấy các nàng hết thảy đều hạnh phúc tôi cũng mừng cho họ. Tuy nhiên, trong lòng cũng đôi chút xót xa, thương cho bản thân. Hỏi các nàng: tại sao hồi ấy không yêu tôi. Các nàng trả lời, yêu cậu thì kiếp sau chúng tớ không được gặp lại cậu à. Thôi dành để kiếp sau. Ừ, thôi thì thế cũng phải, đành chờ kiếp sau

TẢN MẠN VỀ MỘT CHUYẾN ĐI. Warszawa – sau 22 năm quay lại

Fb Boristo Nguyen, 16-10-2014

Tôi viết bài này là để cảm tạ những người bạn chân tình, những vùng đất đầy quyến rũ đã tạo cho chúng tôi những cảm giác tuyệt vời trong một chuyến đi.

1. Lên đường

Ngày trước, người Việt ở Nga muốn sang xem tư bản dãy chết mà vào sứ quán mấy nước phương tây thì chưa kịp mở mồm đã được xơi ngay cái dấu “từ chối”. Mấy cha lãnh sự nhìn người Việt với con mắt vừa trịnh thượng vừa nghi ngờ, nhìn ai cũng tưởng là dân tị nạn: ngữ chúng mày có việc dek gì mà sang đấy!? Nhớ lần đầu tiên, kể cũng đã lâu rồi, mềnh còn phải mang cả tạp chí khoa học đến gặp tay Tổng lãnh sự TBN, bla bla  … chứng minh tôi là người đàng hoàng, có đi, có về hắn mới cho cái visa 20 chục ngày. Cầm visa mà sướng như bần nông được chia ruộng.

Ngày nay, chuyển bị cho một chuyến đi thì quá đơn giản. Visa có sẵn, nhà trồng được. Vé máy bay lên mạng mua. Quan trọng là thu xếp công việc, chuyển bị ít xèng, vào google maps xem bản đồ ang áng hành trình rồi… kiếm một cô thư kí chân vừa vừa là có thể lên đường.

2. Warszawa – sau 22 năm quay lại

Chúng tôi bay đi Warszawa từ sân bay Sheremetyevo bằng máy bay của hãng Aeroflot. Bình thường chuyện bay hãng nào hay sân bay nào cũng không phải là điều đáng nói nếu như không phải là Sheremetyevo với Aeroflot. Cho đến tận bây giờ, không ít người Việt nghĩ đến Sheremetyevo là nhớ ngay đến cảnh chen lấn, bộ đội sân bay với những khuôn mặt khó tiêu của mấy tay cảnh sát,…  Có lẽ không có sân bay với hãng hàng không nào lại có hình ảnh tồi tệ đến như vậy. Thời gian thay đổi, vạn vật thay đổi, Sheremetyevo cũng như Aeroflot hoàn toàn thay đổi. Sân bay mở thêm nhiều terminals, khang trang, hiệnđại. Chất lượng, thái độ phục vụ của Aeroflot khá lên nhiều.

Sau 2 tiếng bay, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Warszawa, sân bay mang tên nhạc sĩ thiên tài Frederic Chopin, niềm tự hào của đất nước Ba Lan. Thủ tục biên phòng cũng đơn giản. Hải quan thì qua hành lang xanh, không ai kiểm tra. Ra khỏi cửa hải quan vợ chồng T-K, bạn học cũ đã chờ đón, đưa lên xe về nhà. Bắt đầu từ đây chúng tôi được sống trong sự quan tâm, nhiệt tình hết lòng của các bạn.

Mới đó đã 22 năm. Không tính cái đợt đi chơi thời sinh viên năm 80 khi Moscow tổ chức thế vận hội mùa hè. 22 năm trước sau khi đỗ NCS nước ngoài tôi đã quay lại miền đất Ba Lan này. Thời gian không lâu, tuy chỉ vài tháng nhưng cũng đủ để lại khá nhiều kỉ niệm, vui – buồn. Đó là những ngày đầu tiên đầy bỡ ngỡ khi mà số phận đưa thằng bé đang từ môi trường trí thức bao cấp, “làm giả, nghiên cứu giả”, một phát ra đứng bán hàng ngoài chợ. Đó là thời của du kích đường sắt, thời mà:

        Đầu đường bán váy giáo sư

        Cuối đường bán sịp me sừđốc tơ.

Nhớ những ngày cùng với đứa em họ, lặn lội từ tờ mờ sáng, 2 đứa 2 ba lô gùi hàng đi thật xa, nơi thật hẻo lánh, đến chợ quê để bán hàng: áo gió gầy, gió béo, pilốt, quần lót hoa hồng… Không phương tiện, không vốn, không kĩ năng, thủ đoạn kinh doanh, ngày ngày ngồi vêu mõm bán không đủ ăn. Tức mình vác sách ra học giữa chợ, vừa ngồi giải thẻ bán hàng vừa làm toán. Đúng là một thằng điên! Có lần đám công an vào chợ, định kiểm tra giấy tờ nhưng nhìn một lúc rồi bỏ đi. Chắc chúng cũng ngại dây với đứa tâm thần. Nhớ cảnh đến chơi nhà người bạn, đêm nằm bạn tâm sự chỉ có giấc mơ khi nào kiếm được 10000$ thì “vinh quy bái tổ”. Đúng là “giấc mơ con bóp nát cuộc đời con”.

Nếu nói toàn kỉ niệm buồn cũng không phải. Làm sao mà quên được sự đôn hậu, thiện tình của vị giáo sư Ba Lan, giáo sư Zdzislaw Pawlak– cha đẻ của lí thuyết rough set. Có lẽ chưa có khi nào mà mình cảm thấy thú vị và thích học như những ngày được làm quen với nó. Thực tiếc là vì hoàn cảnh mà mình không thể theo thụ giáo, đi tiếp vào lĩnh vực này. Cái thời mà khoa học là một thứ xa xỉ phẩm.

Kí ức còn lưu giữ nhiều kỉ niệm vui buồn khác mà ở đây không thể kể hết được.

22 năm quay lại, đất nước Ba Lan thay đổi nhiều. Một anh bạn nói với tôi: “anh sẽ được chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của đất nước này”. Không ở lâu để có thể biết thực sự đúng sai nhưng tôi có cảm giác là anh bạn nói đúng. Bộ mặt Warszawa trông khang trang, hiện đại và năng động hơn. Nhìn người dân ít thấy cái cảm giác nặng nề, lo âu, gắt gỏng – biểu hiện của sự không hài lòng với cuộc sống. Đến thăm chợ Trung tâm, nơi người Việt buôn bán, bạn sẽ thấy chợ được tổ chức khá quy mô, khang trang, không có cái cảm giác búi xùi như chợ Sapa ở Tiệp, hay chợ Vòm, Salut của Nga ngày trước. Nghe nói, bây giờ ở Ba Lan cộng đồng người Việt có khoảng từ 35-40 nghìn người, đa phần cuộc sống ổn định, làm ăn khá. Giàu như mấy soái lớn ở Nga hay không tôi không biết nhưng sự sung túc, làm ăn ổn định thì cảm thấy rõ. Ít thấy cảnh đổ bể, bùng hàng,..Nhà cửa khang trang, làm ăn tốt, con cái học hành tử tế, và hưởng thụ cuộc sống. Bạn còn muốn gì hơn?.

22 năm, thời gian quá đủ cho sự thành công của một đời người ra đi lập nghiệp nơi đất khách với 2 bàn tay trắng, với nghị lực và lòng quyết tâm. Vợ chồng T–K cũng là một gia đình như vậy. 22 năm – khoảng thời gian khá dài để mọi cái đều thay đổi, sự đi lên cũng là chuyện thường tình, duy chỉ có sự khiêm nhường, chân tình hết lòng đối với bạn bè là không thay đổi. Những ngày quay lại Ba Lan này, các bạn luôn quan tâm, dành cho chúng tôi những tình cảm thực là ấm áp. Cũng là ăn nhậu, cũng là shoping, thăm thú danh lam thắng cảnh nhưng cái cách mà T-K quan tâm, chiều bạn nó thể hiện cái tình, không dễ gì quên được.

Ở Ba Lan, chúng tôi còn có một người bạn cũ – H. Bạn thật chân tình. Nhưng cái thích nhất ở H là sự thú vị. Đi chơi với H, cảnh đã đẹp như lại càng đẹp hơn. H có tài và thú vui chụp ảnh. Máy không xịn, nhưng thay vào đó là cảm nhận ánh sáng, góc nhìn và giao cảm với thiên nhiên. Chúng tôi cùng đi chơi thành cổ, dạo công viên Łazienki, thăm cung điện Wilanow, … Đó là những nơi có rất nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên: chim muông, cây cỏ, ao hồ… hay lâu đài thành quách. Nhưng đi với H, tôi còn biết thêm nhiều cái đẹp thú vị mà bình thường không thấy: một tia sáng lấp lánh bên cánh hoa, một nét hồn nhiên của đứa trẻ nghịch trong công viên, một nụ hôn của đôi tình nhân trẻ hay tình yêu của cụ ông cụ bà dắt nhau đi dạo… Tôi cũng thích chụp, thích có những tấm ảnh đẹp. Loay hoay hết lấy tốc độ (ánh sáng) lại độ mở ống kính,… nhưng chẳng mấy khi được bức ảnh ưng ý. Để có bức ảnh đẹp, kĩ thuật thôi chưa đủ. Quantrọng là phải có tâm hồn, giao hòa với thiên nhiên/con người, bắt được hồn hay thổi hồn vào những bức ảnh. Cái đó không dễ gì có được!.

Nhiều người nói, Warszawa do bị tàn phá, xây lại sau chiến tranh nên không có gì đẹp. Độ đậm đặc của các công trình kiến trúc, đền đài hay những công viên, vườn tược hoành tráng đúng là không nhiều như một số thành phố khác trên thế giới. Tuy nhiên, Warszawa không phải không có nhiều chỗ đẹp, chỗ để thăm quan. Bạn có thể thăm khu thành cổ, di sản văn hóa UNESCO với những nhà thờ, cung điện, nhà hát … những kiệt tác kiến trúc từ thời vua Sigismund Vasa III thế kỉ 16. Sẽ rất thú vị khi được ngồi uống một cốc café tại quán nhỏ bên hè khu phố cổ, hưởng thụ cái không khí thanh bình, phảng phất đâu đây tiếng đàn organ chơi nhạc Chopin. Công viên Łazienki rộng 76 hecta cũng là một điểm được nhiều người ưa thich. Ở đây có bức tượng nhạc sĩ thiên tài Chopinđang soạn nhạc, có cung điện Łazienki thơ mộng bên hồ. Dạo giữa những vườn cây, đùa với chim, sóc, cho thiên nga ăn bên hồ, hưởng cái không khí trong lành, giao cảm với thiên nhiên thực sự là một khoái cảm. Một điểm tuyệt vời nữa mà chúng tôi cũng kịp đến, đó là cung điện Wilanow. Tôi đặc biệt ấn tượng về cung điện này. Không phải bởi sự đồ sộ, hoành tráng mà bởi sự tao nhã. Cái kiến trúc cùng với cách phối mầu của cung điện tạo cho ta một cái cảm giác hài hòa, đồng điệu, giữa thiên nhiên và con người. Kiến trúc và cách phối mầu của cung điện Wilanow khá gần với kiến trúc đền đài của Nga. Cung điện có vườn thượng uyển thật tuyệt vời, đi dạo, ngắm hoa cả ngày không chán. Lúc chúng tôi đến thăm nơi đây, người ta đang lắp đặt sân khấu để biểu diễn âm nhạc. Còn gì thích bằng nếu được nghe nhạc Chopin tại đây, trên đúng mảnh đất này thì ngay cả đến người mù âm nhạc như tôi chắc cũng vẫn cảm nhận được cái hồn của Chopin, cái vẻ đẹp của sự tinh khiết, nhẹ nhàng mà quyến rũ. Không hiểu tại sao tôi cứ có cảm giác là năm 80 Đặng Thái Sơn chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc Chopin chính là vì sự đồng điệu, giao cảm tương đồng giữa 2 dân tộc: Ba Lan và Việt Nam, tuy một anh là phương tây, anh kia là phương đông.

Để hiểu và cảmđược hết cái đẹp của một vùng đất chắc cũng phải sống và lăn lộn với nó nhiều. Chỉ qua một vài ngày, bằng con mắt của người du lịch tôi cũng không có tham vọng lột tả được hết những cái đẹp của Warszawamà chỉ muốn ghi lại những cảm xúc của mình về nơi này qua một chuyếnđi, hay nói đúng hơn là quay lại.

1

Bạn đón tại sân bay Chopin

2

Thích nhất vườn rau sạch tại nhà bạn

3

Gặp lại sau 22 năm

4

Chợ Trung tâm nơi người Việt kinh doanh

5

Bán hàng thuê kiếm tí xèng để đi chơi tiếp

6

Ga trung tâm. Ngày trước nhiều lần lên Warszawa mềnh hay ngồi ở hiên ga (dưới tấm biển McDonald) này

7

“MGU”

8

Quảng trường Chợ (Rynek Starego Miasta) với tượng đồng Nàng tiên cá Warsaw, tay cầm khiên, tay giơ cao kiếm bảo vệ thành phố Warsawa

9

Đất nước của âm nhạc

10

Tượng Chopin tại công viên Łazienki, niềm tự hào của đất nước Ba Lan

11

Sự giao cảm của đất trời (hoa chụp tại công viên Łazienki)

12

Trẻ em là búp trên cành, còn cô giáo? (Bạn có nhận thấy ý đồ xâm lăng văn hóa của TQ không?)

13

Chốn bình yên

14

Lâu đài bên hồ

15

Chốn bình yên

16

Khoảng nắng trong rừng (công viên)

17

Sự giao thoa của 2 vẻ đẹp – thiên nhiên và con người

18

Cảnh trong phim “Tình già”

19

Cung điện Wilanow

20

Đôi bạn chân vừa vừa

21

Khoe sắc, hoa đẹp hay là người đẹp?

22

“Tình già”, tập 2

23

Chào em nhé và sẽ .. còn gặp lại

NƯỚC MỸ – GHI CHÉP VỤN VẶT

FB Boristo Nguyen, 17-01-2017

This slideshow requires JavaScript.

Sau 4 năm mới quay lại Mỹ. Không tính lần đi với mục đích khoa học, những lần trước đến Mỹ đều là du lịch. Đi cũng đã nhiều nơi, qua cũng nhiều thành phố, nhìn cũng thấy nhiều thứ nhưng thực tình cũng vẫn như người cưỡi ngựa xem hoa, chỉ biết sơ sơ về bề ngoài nước Mỹ.

Chuyến đi lần này với mục đích khác: thăm lại bạn cũ và gặp con đang học ở xa.

Nói ra thì khách sáo nhưng tôi không thể không nói lời cảm ơn đến vc Nhật Tiến. Hai bạn Tiến – Hoa đã đón tiếp chúng tôi rất chu đáo. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chân tình từ vc bạn. Tôi cũng muốn nói lời cám ơn đến vc Hiền – Tuệ, “cậu mợ” rất nhiệt tình với bạn bè.

Trong bài viết này, tôi sẽ không kể về những địa danh, thắng cảnh (như những bài tường trình mà mọi người vẫn thường kể sau mỗi chuyến du lịch). Tôi sẽ viết về những con người đang sống, mới hay chưa lâu, trên đất Mỹ. Đây chỉ là một vài ghi chép vụn vặt về những người mà tôi có cơ duyên được tiếp xúc qua chuyến đi.

ĐÔI BN

Tôi với Tiến lớn lên trong cùng khu tập thể. Bạn bè gọi tôi là Phong Chú, gọi Tiến là Tiến Qua (Cesp chúng tôi thường ghép tên phụ huynh vào sau tên con). Chúng tôi ở cũng một nhà (tôi ở tầng 2, Tiến ở tầng 4), học cùng cấp 2, cấp 3, đi Nga cùng năm, dự bị cùng thành phố Kishinev… rồi giải tán mỗi thằng đi một nơi. Suốt thời sinh viên không gặp lại. Kể từ khi về nước có gặp lại nhau một đôi lần, thoáng qua.

Tôi vẫn nhớ lần gặp Tiến tại nhà Liên, một người bạn Cesp. Đó là lần đầu gặp lại kể từ thời sinh viên. Lần đó Tiến nói với tôi: “Tội mày to lắm!” và sau đó nói tiếp: “Tao với mày lẽ phải thân nhau mới phải!”. Tiến nói với ý trách tôi. Tôi chỉ cười mà không trả lời.

Và lần gặp nhau này tôi đã kể cho Tiến lí do vì sao?

Lãng xẹt!.

Đối với nhiều người.

Nhưng chưa chắc đối với tôi.

Cái tính tôi nó vậy!.

Gặp lại nhau, ngày nào chúng tôi cũng đối ẩm. Lúc thì rượu, lúc thì trà. Chè pha bằng bộ ấm tử sa chuyên dụng, pha theo bài bản. Tiến mê uống chè, uống thưởng thức, uống cầu kì chứ không uống cốc to, lấy được, kiểu “Liên xô” như tôi vẫn thường uống ở Nga.

Vừa uống trà, vừa nói chuyện. Hàn huyên đủ điều. Chuyện thời trẻ con, thời sinh viên; chuyện về các bậc phụ huynh, chuyện về bạn bè và nghịch ngợm thời thơ ấu; chuyện công việc, chuyện con cái, chuyện nhân sinh quan, lẽ sống … từ những chuyện chung đến cả những chuyện khá riêng tư của hai đứa. Gần hai chục ngày buôn dưa lê mà mãi không hết chuyện. Vẫn chưa chán nhau. Phải thế nào mới được như vậy? Có lẽ vì chúng tôi có chung với nhau quá nhiều kỉ niệm? hợp với nhau về sở thích, cách nhìn? … hay đơn giản vì hai thằng bạn sau bao ngày mới “tìm lại thấy nhau”?

Bao nhiêu năm, kể từ khi kết thúc dự bị Kishinev, hai thằng chia tay, mỗi thằng một ngả. Tưởng đường ai nấy đi nhưng hóa ra chúng tôi quý mến nhau hơn nhiều mình tưởng. Bằng chứng về nó là những kỉ niệm chung được ghi lại trong những đoạn nhật kí mà bạn còn giữ. Đó là lần đầu tiên được đi nghỉ biển tại Hải Hậu năm 72 (cũng là lần đầu gặp Toàn béo), khi dừng chân tại Nam Định hai thằng kéo nhau đi ăn phở. Đó là lần hai thằng tranh luận với nhau đến hàng giờ, không hiểu về cái gì mà cũng được bạn ghi lại…

Số phận thường đẩy con người mỗi đứa đi mỗi phương nhưng cơ duyên đôi khi kéo họ lại. Chuyện chúng tôi có lẽ là như vậy.

BÁC TUẤN

Vợ chồng Tiến-Hoa (và vc Hiền-Tuệ) đưa chúng tôi đi thăm chợ đồ cổ. Đó là chợ rất lớn, mỗi tháng họp một lần. Ở đây có bán đủ các loại đồ cổ, từ những thứ giá chỉ đôi ba đồng đến những thứ lên tới cả hàng chục nghìn usd. Đủ các chủng loại: tranh ảnh, gốm sứ, đá quý, đồ kim hoàn .. thậm chí cả những tấm biển chỉ đường của thế kỉ trước. Đồ đến từ đủ các nước, các nền văn hóa khác nhau: Trung Đông, Châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu … . Thấy bảo dân Mĩ thích chơi đồ cổ. Nghĩ cũng phải, họ có đủ điều kiện để phát triển văn hóa này: tài chính mạnh, đa chủng tộc, đa nền văn hóa.

Buổi chiều, chúng tôi ghé thăm cửa hàng đồ cổ của họa sĩ Th tại Little Saigon (quận Cam). Đây là “câu lạc bộ văn hóa”, nơi tụ tập của một nhóm bạn bè người Việt vào cuối tuần hay ngày nghỉ. Tại đây, họ giao lưu, nói chuyện về văn hóa, về đồ cổ, về cuộc sống và chuyện quê nhà. Nhóm đa phần là người sang Mĩ từ 75, lúc quận Cam còn hoang sơ, nhà cửa thưa thớt. Mỗi người một nghề nhưng đều có chung sở thích sưu tập đồ cổ và yêu văn hóa. Mọi người đều hiền lành, mến khách .. và yêu Hà Nội (sic).

Trong nhóm phải kể đến bác Tuấn, dân Bắc di cư, sang Mĩ từ 75. Đây là một người Việt thành đạt và khá đặc biệt. Bác không chỉ là một luật sư hàng hải cao cấp mà quan trọng hơn là người rất am hiểu về biển Đông. Giỏi luật biển, thạo chữ Hán, có điều kiện truy cập tới các nguồn tư liệu hiếm quý về biển Đông, biết nhiều về lịch sử và đặc biệt có một trí nhớ hiếm có (tuy tuổi đã cao). Tôi ít thấy người nào có trí nhớ và biết nhiều đến thế. Bác có thể nói hàng giờ về những cứ liệu lịch sử có liên quan đến biển Đông. Nhớ chính xác, lập luật rành mạch, có logic của dân luật (phương Tây). Bác thực sự là một vốn rất quý, có thể giúp ích rất nhiều cho đất nước để giải quyết chuyện tranh chấp biển Đông. Không hiểu bộ Ngoại giao và chính phủ có biết và sử dụng kiến thức của những người như bác? Nếu không, đó là một thiệt thòi lớn cho đất nước!

Ngoài chuyện biển Đông, chuyện quan hệ Mỹ-Việt bác còn là một kho tàng các chuyện về Hà Nội cổ. Bác biết, nhớ và kể rất nhiều chuyện Hà Nội xưa. Có lẽ, đó cũng do tình yêu của người con sống lâu xa nhà nhớ quê cha đất tổ.

Tuy gặp nhau lần đầu nhưng mọi người đối với tôi rất thân thiện nên có cảm giác như quen nhau đã lâu. Và cũng chẳng hiểu vì sao mà bác Tuấn lại rất mến và thích nói chuyện với tôi. Sau lần đó và lần mời cả nhóm đi nhà hàng nhân dịp năm mới bác còn lái xe đến thăm chúng tôi vài lần. Mà nhà bác đâu có gần, xa đến cả dăm chục km. Bác nói, tôi với bác nói chuyện hợp, cách nhìn có nhiều điểm giống nhau. Trước khi quay lại Nga bác còn đến chơi và nhắc về nhớ giữ liên lạc.

Dạo sang thăm Việt Nam, TT Obama ăn bún chả bình dân, đọc diễn văn có thể nói là gãi rất trúng tâm lí người Việt .. Ông được dân Việt đón tiếp còn hơn cả cuồng nhiệt (có người đùa là lên đồng tập thể). Có thể nói chưa một nguyên thủ quốc gia nào đến VN được người dân chào đón đến như vậy. Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ việc khép lại quá khứ, hợp tác chặt chẽ với Mĩ cường quốc số 1 thế giới. TT Obama đã tao ra được hình ảnh thanh lịch, dễ mến. Chuyện người dân hâm mộ không có gì đáng nói. Điều đáng nói là nhiều người mệnh danh là học nhiều, biết rộng mà cũng phát cuồng, như thể TT Obama là cứu tinh của dân tộc, có Obama là VN mọi chuyện giải quyết hết. Cách nghĩ của tôi lúc đó hoàn toàn khác. Cũng đã định viết một stt nhưng nghĩ lại lại thôi. Một phần cũng do ngại lao vào những cuộc tranh luận vô bổ.

Sang Cali, hóa ra cũng không ít người Mĩ (gốc Việt) cũng có ý nghĩ khá tương đồng. Bác Tuấn bảo: chẳng hiểu tại sao dân mình lại cuồng Obama quá đến như vậy? Mấy cái trò bún chả, diễn văn cũng chỉ là những hành động ngoại giao, có giá trị gì lắm đâu? Tôi nói: đánh giá một nhà thơ, một nhà soạn nhạc … thì phải nhìn vào những gì họ để lại chứ đâu phải xem họ ăn gì, ngủ với ai? Đánh giá TT Mỹ thì phải nhìn vào đường lối (chính trị, ngoại giao), kết quả của công việc, những gì mà họ làm có lợi cho mình hay không (vì cùng chung lợi ích)… chứ đâu phải nhìn vào mấy cái hoạt động mang tính PR, ngoại giao. Nhưng tôi cũng nói thêm: dân mình đón tiếp như vậy có lẽ vì mấy lí do:

– Đó là một cách thể hiện thái độ, tình cảm với chính quyền (chính quyền muốn được dân mến thì phải gần dân, vì dân)

– Từ cảm giác bế tắc trước những bất cập xã hội, trước sự bành trướng ngang ngược của TQ nên người dân mơ ước có một ông Tiên với cây gậy thần, ông Tiên hiện ra là mọi cái ok

– Một khát khao về cuộc sống giàu có, thịnh vượng cùng với những giá trị nhân bản phổ quát mà nhiều người mặc định là có ở nước Mỹ.

– ….

Chúng tôi còn trao đổi, đàm đạo với nhau về nhiều đề tài khác. Chẳng hạn, liệu có phải ở nước Mỹ thiên đường mọi cái đều hoàn hảo?. Không hẳn vậy! Nước Mỹ cũng có rất nhiều những vấn đề của mình. Qua bác, tôi được biết hiện xã hội Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề gia đình, đơn vị hạt nhân cấu thành nên tổ chức xã hội. Khái niệm gia đình ở nước Mĩ hiện đại đang có chiều hướng lung lay, tan vỡ. Con cái trưởng thành “một đi không trở lại”…

Còn nhiều chuyện nữa mà trong một note không thể kể hết.

Bác có nói, ý là may mắn mà gặp tôi, một người có nhiều điểm tương đồng với bác. Tôi cũng muốn nói: cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp bác, một người hiểu biết, uyên thâm và để lại cho tôi một ấn tượng rất đẹp. Giá mà ở gần nhau, chúng tôi có thể sẽ thành một đôi bạn tâm giao.

NHÓM THIỆN NGUYỆN

Dịp Giáng sinh, tại nhà Tiến-Hoa tôi được gặp một nhóm khác: vợ chồng anh Chẩn chị Quỳnh Kiều, anh Tuấn chị Chi. Họ đều là những người thành đạt. Nhưng điều đáng nể và muốn nói hơn là về tấm lòng của họ. Các anh chị tập hợp nhau thành một quỹ từ thiện, chuyên về Việt Nam chữa bệnh nhân đạo cho trẻ em và người nghèo. Bạn có thể tra google cái tên Quỳnh Kiều sẽ hiểu được những đóng góp cho quê hương và tấm lòng của họ. Bằng uy tín, quan hệ cá nhân, bằng sự nhiệt huyết và kiên trì và chính bằng tấm gương của mình họ đã huy động được nhiều giáo sư, bác sĩ tên tuổi của Mĩ và các nước khác tham gia giúp đỡ Việt Nam. Bằng tiền đóng góp của mình và tiền quyên góp, 12 năm qua năm nào đoàn cũng về Việt Nam vài lần chữa bệnh miễn phí cho trẻ em và người nghèo. Các anh chị không ngại gian khổ, đi tới những vùng sâu vùng xa nhất, đến những vùng nghèo nhất , mang thuốc men, dụng cụ y tế (cả những thiết bị đắt tiền do họ tự sắm) và chuyên môn của mình để chữa bệnh miễn phí. Mục tiêu của họ không chỉ chữa bệnh mà còn là đào tạo đội ngũ cho địa phương, hướng dẫn, dạy cho người dân những kiến thức y tế để tự chữa chạy, tự phòng bệnh.

Trong các chuyến đi, mọi người đều ý thức là thời gian có hạn mà người cần được giúp đỡ thì quá nhiều nên ai nấy đều làm cật lực, hầu như không nghỉ. Làm hết sức mình, chạy đua với thời gian. Tôi cũng hay về Việt Nam, biết cũng không tồi về hiện trạng đất nước nhưng nghe họ kể tôi vẫn phải ngỡ ngàng trước những khó khăn mà đoàn thường xuyên gặp, ngỡ ngàng về quy mô và mức độ đói nghèo, lạc hậu của rất nhiều nơi, về những cảnh thương tâm cần được giúp đỡ. Nghe kể mà đôi lúc không cầm được nước mắt.

Một lần đoàn đi về vùng hẻo lánh, tới một cái cầu. Xe chở đoàn và trang thiết bị nặng quá trọng tải cho phép. Mọi người phải xuống đi bộ, dỡ bớt hàng và tự khuân để xe giảm tải có thể qua cầu. Đi tiếp gần đến nơi thì chỉ có cầu gỗ xe không thể qua, đoàn lại phải hì hụi khuân vác đồ, đi bộ. Đến nơi tập kết, không thấy bệnh nhân. Lí do: chưa được phép chữa ở xã bên này, phải qua xã bên để chữa bệnh. Kéo nhau qua đê để sang xã bên thì hóa ra có hơn 500 người đã ngồi qua đêm bên vệ đê để chờ được chữa bệnh. Thế là mọi người lao vào chữa bệnh, được thêm người nào mừng người ấy. Có nữ bác sĩ người Mĩ mổ (chỉnh hình) liên tục, hết ca này đến ca khác hầu như không nghỉ. Đến giờ đoàn phải dừng để đi tiếp nơi khác thì vẫn còn có bé bệnh nhân nặng chưa được mổ. Bà kiên quyết không đi, ở lại mổ tiếp. Cả đoàn đành chịu thua chờ bà mổ xong rồi cùng đi.

Mục tiêu của đoàn là chữa cho người nghèo. Thế mà có nơi lại toàn bệnh nhân giàu chen hàng, xếp trước, người nghèo yếm thế xếp sau. Đoàn lại phải bày trò phát số, đọc số quay đầu để người nghèo được chữa bệnh.

Vui với nhau, tôi được nghe họ kể rất nhiều chuyện. Chuyện vui cũng có, nhưng chuyện buồn vẫn đa phần.

Họ kể không phải để khoe (ít ra tôi không có cảm giác như vậy) mà đấy chính là cuộc sống của họ, là những cái mà họ đang sống, đang quan tâm. Họ kể về những khó khăn (đôi khi đến mức trớ trêu) không phải để kêu ca, than phiền. Trái lại, họ thoải mái, chấp nhận và coi khó khăn là chuyện “thường ngày ở huyện” phải vượt qua. Khó khăn do khách quan, điều kiện vật chất đã đành, nhưng nhiều khi khó khăn chỉ vì những lí do lãng xẹt, có giời mà hiểu. Một đoàn thiện nguyện bao gồm cả những gs nổi tiếng, bỏ tiền túi kéo nhau về Việt Nam chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo mà đôi khi về đến nơi lại trục trặc, không được phép chữa. Lại phải cạy cục nhờ người này người nọ xin phép. Và cũng đôi lúc cũng phải “liều”, vì người bệnh mà phải phá rào chữa chui.

Thành viên của đoàn hầu hết đều là các chuyên gia cao cấp. Chẳng hạn, bác sĩ Chẩn chuyên gia về gây mê trẻ sơ sinh nổi tiếng. Ở Mỹ mỗi ca gây mê (toàn ca khó) của anh không dưới 20 nghìn usd. Họ bỏ tiền túi về Việt Nam chữa bệnh nhân đạo. Về Việt Nam, đôi khi chỉ một anh cán bộ cấp xã, cấp huyện cũng có thể gây khó dễ, không cho đoàn làm việc. Nhưng không bực tức, không tự ái mà bỏ cuộc, họ vẫn vui vẻ tìm cách vượt qua để đem tình thương đến cho những người bất hạnh.

Cũng chỉ vì dân mình còn quá nhiều người khổ!

Cũng chỉ vì trái tim họ quá nhân hậu!.

Tôi bảo: em kính phục các anh chị. Họ bảo: họ chưa là gì, còn có nhiều người hơn họ. Chẳng hạn có hai bác sĩ ở SGN (ý nói kinh tế chẳng khá giả gì) mà lần nào đoàn về cũng theo đoàn đi chưa bệnh nhân đạo.

Tôi thực sự kính nể họ!

Chưa hết!

Họ còn là những người rất tài hoa. Anh Chẩn bề ngoài hiền lành, khiêm tốn, nói năng nhỏ nhẹ nhưng bạn đâu có biết anh còn là một võ sĩ karate thất đẳng huyền đai. Anh Tuấn, người phụ trách kĩ thuật của đoàn trước đây là kĩ sư hàng không cao cấp. Anh đã từng là trưởng một nhóm trong dự án máy bay F14. Ngoài ra, anh còn là thành viên của đội tuyển Mỹ tham gia vòng chung kết giải bóng rổ thế giới dành cho người cao tuổi. Nhìn những bức ảnh chụp anh Tuấn – cầu thủ “lilliput” bé tí hon (anh thấp hơn tôi) đứng giữa các cầu thủ to cao 2 mét mới hiểu hết sự đa tài của con người này.

Mà tất cả các anh chị đều đã trải qua những thời vất vả trong những ngày mới sang Mĩ. Họ cũng đã từng phải bươn trải các nghề để có thêm tiền học. Họ phấn đấu, rồi thành công.

Tôi cứ nghĩ, cái gì làm nên giá trị và hạnh phúc của con người?

Cuộc sống khiến chúng ta luôn phải giành giật để vươn lên. Chưa có có chức quyền thì tìm mọi cách để có chức quyền. Chưa có tiền thì tìm mọi cách để có tiền, bất chấp mọi cách kể cả đôi khi phải lừa cả bạn bè, người thân. Có tiền, chưa có danh rồi lại phải tìm cách mua danh. Tất cả như bị cuốn hút vào cái vòng xoáy cuộc đời với đầy ngộ nhận. Có tiền mà đôi khi vẫn bất hạnh!, có quyền đã chắc giữ được lâu?, có danh mà vẫn bị coi thường, khinh bỉ.

Chính những người đã vượt qua được cái tầm vật chất, tìm thấy niềm vui trong sự chia sẻ, thương yêu mới là những người thực sự hạnh phúc.

Cho cũng là được!

Họ là những người hạnh phúc!

Tôi nghĩ vậy.

Clip nói về chị Kiều anh Chẩn: https://www.youtube.com/watch?v=VN3cFXvGcOg

 

TRI KỶ

Fb Boristo Nguyen, 21-03-2017

Mấy năm trước tôi có gặp lại anh Vinh Nguyen, một bạn cũ từ thời DBTX. Chat chit với nhau, nhận ra nhau, tôi A5, Vinh Nguyen A2. Kỉ niệm kéo tôi về thủa hơn bốn chục năm trước, khi chúng tôi, người mới tốt nghiệp phổ thông, người từ chiến trường về, được tập trung học tiếng 1 năm tại DBTX trước khi ra nước ngoài học tập. 2 thằng chat chit, có nhớ cậu bạn này không?, có nhớ cô bạn kia không?… Lớp A2 nổi tiếng có nhiều bạn gái xinh đẹp, toàn hoa hậu trường này, trường kia nhưng người đầu tiên mà tôi nhắc hỏi lại chính là về Khoa. Vinh Nguyen nói: mỗi lần về nước cũng có tụ tập bạn cũ cùng lớp nhưng Khoa nó có tâm sự riêng, tránh gặp mọi người.

Lúc đó chưa hiểu chuyện gì nhưng tôi vẫn có cái cảm giác buồn. Lứa chúng tôi mỗi người một số phận, người thành đạt, ông này bà nọ cũng nhiều, người không may cũng không phải ít. Vẫn biết đó là chuyện bình thường của cuộc đời nhưng dù sao mỗi lần cứ nghe bạn nào đó không may mình vẫn có cảm giác không vui, như là về chính mình vậy.

DBTX thời đó có không ít tên tuổi, anh tài mà đám “chân quê”, dân ngoại biên chúng tôi nghe tên đã đầy ngưỡng mộ, nhưng không hiểu sao ấn tượng nhất với tôi vẫn là Khoa. Có thể đó là sự tài hoa, vì Khoa đánh bóng bàn rất giỏi? Vì cái khuôn mặt thông minh, tài hoa phát tiết? Hay là vì dáng điệu lãng tử, khoáng đạt, chịu chơi của dân Hà Thành? Tôi không biết. Chỉ biết Khoa là một trong những khuôn mặt thời DBTX gây ấn tượng nhất đối với tôi.

2 năm trước, hè 2015, đám bạn bè DBTX chúng tôi gặp lại nhau sau 40 năm ngày rời quê hương đi học. Mừng vui khôn tả. Mày à, tao đây, còn nhận ra không? Ơ X, ơ Y.. bao nhiêu năm mới gặp lại mày, khỏe không? .. Không hiểu sao, trong cái không khí vui mừng, náo nhiệt ấy ánh mắt tôi vẫn chú ý đến Khoa. Bạn mặc bộ đồ đen, đeo kính đen. Khoa rất gầy, rõ là bạn đang mang trọng bệnh. Gầy thì gầy, bệnh có bệnh nhưng vẫn không làm mất đi cái vẻ lãng tử của Khoa ngày xưa. Tôi để ý, lúc đầu Khoa có vẻ ái ngại, rụt rè nhưng sau thấy mọi người ai nấy đều vui mừng gặp lại Khoa vui hẳn lên. Có cảm giác như mỗi cái bắt tay thân thiện, mỗi cái ôm, vỗ vai mày tao như là liều thuốc bổ làm cho bạn vui hẳn lên. Chỉ trong đôi chục phút mà trông bạn thay đổi hẳn, từ chỗ dè dặt e ngại chuyển sang mừng vui. Vui hết mình với bạn bè trong ngày “cả lũ quay về tuổi Thanh Xuân”. Không hiểu sao hôm đó tôi cảm thấy Khoa rất cần những vòng tay của bạn bè, cần lắm. Tôi còn nhớ có một bạn đi vào hội trường, Khoa chạy ra bắt tay nhưng bạn không nhận ra (đó là chuyện bình thường vì khóa chúng tôi nhiều lớp, các khối khác nhau nên không phải ai cũng biết nhau), Khoa trông ngơ ngác, có vẻ buồn.

Sau lần đó, vì ở xa ít về nên tôi không gặp lại Khoa, chỉ biết bạn mang trong người trọng bệnh. Và cũng nghe nói cuộc đời bạn cũng có nhiều khúc ngoặt, cũng vì cái chất lãng tử, chơi hết mình, sống hết mình. Chơi cũng tẹt ga số luôn. Cái thủa chúng tôi mới vào đời, gặp nhiều cái mới, cái không khí lãng mạn thích vui, người ít người nhiều đều chịu ảnh hưởng. Thời gian thay đổi, cuộc đời cũng làm con người đổi thay nhưng cái chất romantic của bạn tôi vẫn thấy hầu như không thay đổi. Khoa chính là típ người lãng tử, lãng tử từ trong máu thịt. Đam mê cái gì thì đam mê hết mình, yêu cái gì thì yêu hết mình. Cháy hết mình cho đến khi không thể. Nhìn bức ảnh những ngày trước khi dời cõi tạm, bạn nằm trên giường bệnh mà vui mừng với đám cháu/học trò mà bạn giúp đỗ đại học, tôi mới cảm nhận được thế nào là người sống hết mình. Nhìn đi nhìn lại, tôi suýt bật khóc.

Thương bạn vô cùng!

Cứ nghĩ tình bạn bè đã như liều thuốc bổ, giúp bạn khỏe lại. Thấy bạn có thể tham gia, cháy hết mình tại CTĐN ai cũng vui mừng, và hy vọng… Tuy vẫn biết cuộc đời, người trước người sau ai rồi cũng sẽ đến lúc ra đi. Vẫn biết là bạn mang trọng bệnh. Nhưng hôm nay nhận được tin buồn, bạn bè vẫn cảm thấy hụt hẫng, khó tin.

Tôi giao lưu với Khoa không nhiều, ngoài lần gặp ở CTTX năm trước cũng chỉ đôi lần chat chit. Hai típ người cũng rất khác nhau. Có lẽ, ở chúng tôi chung nhau chỉ có một điểm: cần người tri kỷ. Bạn tốt cũng nhiều, bạn thử thách qua vui buồn cũng không ít nhưng tìm được người bạn tri kỷ đâu có dễ. Tôi với Khoa chưa thể gọi là tri kỷ, thậm chí chưa phải thân.

Năm trước hứng lên tôi có hứa sẽ làm một tuyển tập, kiểu như sưu tầm, bình chọn và “chém gió” về các sáng tác văn thơ của bạn bè CTTX. Nhưng rồi vì lí do này khác tôi đã không làm, hay nói đúng hơn là từ bỏ ý định này. Với một số bạn bè, trong đó có Khoa, tôi vẫn coi là một món nợ chưa thực hiện. Bây giờ có muốn cũng không kịp nữa rồi. Bạn đã đi xa, đã trút bỏ những đớn đau, bệnh tật để về cõi vĩnh hằng, nơi cuộc đời sẽ không còn tham sân si, nơi bạn có thể ngày tháng dong chơi với những đam mê, đúng như chất người của bạn.

Đây là bài thơ mà tôi tưởng Khoa làm và rất thích, định đưa vào tuyển tập. Tuy không phải là thơ của Khoa nhưng có gì đó rất đúng về con người bạn.

“Lướt khướt say mèm vượt lối xa
Phong sương dầu rãi biết đâu nhà
Lê bước rạc dài chân lãng tử 
Đầu chuông cuối bãi độc hành ca
Tri kỷ đâu rồi tri kỷ ơi
Trường thành một bóng đứng chơi vơi
Ngó về Nam ải mà rơi lệ
Giờ chỉ còn mình ta với ta”
(Kim Dung)

Nghỉ yên nhé bạn, Khoa ơi!

Khoa Đặng Trần