NHỚ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI VỚI NHIỀU KỈ NIỆM

Như nhiều người khác, tôi cũng từng có không ít chuyến đi. Một trong những chuyến đi để lại nhiều kỉ niệm là chuyến tham quan từ thời sinh viên tới thủ đô ba nước cộng hòa Baltic.

Ngày trước, tôi có thói quen cứ đúng hôm thi cuối cùng của mỗi học kì là tối lại nhảy tàu đi chơi thành phố khác. Một trong những nơi đến nhiều nhất là trường Địa chất Moskva, nơi giáo sư Trần Mạnh Liểu, người bạn chí cốt của tôi theo học.

Mùa đông năm đó (1978 hay 1979, lâu ngày không nhớ rõ) một số sinh viên Việt Nam của trường Địa chất Moskva được phát phiếu nghỉ đi tham quan các nước cộng hòa Baltic. Tôi cũng bám đi theo cùng. Đoàn cả thảy hơn chục người: Liểu, tôi, anh Tám năm trên, Bàng, Quốc, Chân và một vài người nữa. Thời đó, sinh viên ngoại quốc được đi nghỉ theo một trong hai cách. Đi nhà nghỉ thì ăn ở được bao trọn gói, tàu xe tự túc. Đi tham quan thì được bao tàu xe, chỗ ở và thăm quan, ăn uống cá nhân tự lo.

Đón Tết tại Vilnius

Sau một đêm tàu, chúng tôi đến Vilnius, thủ đô nước cộng hòa Litva. Tại đây, chúng tôi được bố trí nghỉ tại kí túc xá trường sư phạm. Lúc này kì thi đã kết thúc, trường chỉ còn lại một vài người, đa phần đã về nhà nghỉ đông. Chúng tôi được phân vào một số phòng mà sinh viên về nghỉ phép để lại chìa khóa. Đồ đạc của họ để lại nguyên vẹn.

Hôm đó không biết ai nhắc là đúng ngày 30 Tết. Chúng tôi bàn nhau tổ chức Tết, dã chiến nhưng phải hoành tráng. Thế rồi, mấy đứa kéo nhau đi mua hoa quả, rượu bánh và đồ nhậu. Nhạc thì đã có máy quay đĩa trong phòng mà chủ nhà để lại.

Mọi việc đã sẵn sàng, anh em chia nhau đi các phòng gõ cửa, mời mọi người cùng đón Tết. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà khách toàn là nữ, các cô gái sinh viên của đất nước Litva xinh đẹp.

Cuộc vui bắt đầu. Rượi champagne được mở, mọi người nâng cốc chúc nhau. Ban đầu là champagne, sau là vang hay vodka, tùy thích. Rồi tự giới thiệu, làm quen. Rồi chuyện tiếu lâm và cuối cùng là disco, rẩy đầm. Rượu vào, bốc lên, quân ta đua nhau nhảy kịch liệt. Mọi người nhảy tự do, thích kiều gì nhảy kiểu ấy, cốt cho sướng chứ không có kiểu nhìn nhau, nhảy bài bản và nặng phô diễn. Người thế nào, nhảy thế ấy. Quốc củi, thanh niên phố cổ vốn thanh lịch ga lăng thì nhảy cũng toát lên vẻ ga lăng. Anh Tám thường ngày đá bóng hay, rê rắt khéo thì uốn lượn, lạng bên này, lách bên kia như thể đang tìm cách đi qua .. bạn nhảy. Tôi thường ngày cục mịch thì nhảy như bổ củi, tiếng chày trên sóc Bombo. Tiến sĩ Bàng với mái tóc xoăn đen, xịt gôm bóng mượt, nhảy như múa võ đi quyền, thói quen khó bỏ từ thời học trường miền Nam, học thì ít đấm đá thì nhiều. Giáo sư Liểu bạn tôi vốn tình hiền lành, chỉ đam mê chuyện học. Hắn chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc … là được nghiên cứu khoa học, khám phá ra những điều mới lạ. Nhìn Liểu với cô bạn nhảy ôm nhau gần như bất động, không lắc không lư tôi đồ rằng hắn đang chìm đắm với những ý tưởng khoa học nào đó. Lâu lâu lại thấy hắn mắt lóe sáng, miệng mỉm cười và khe khẽ hát… tombe la neige, ngoài kia tuyết đang rơi. Chắc chàng đang phấn khích vì tìm ra hướng tiếp cận đối tượng.

Nói chung là vui. Vui hết mình. Tôi không nhớ cuộc vui kéo dài bao lâu, kết thúc lúc nửa đêm hay tới khi trời sáng, Tôi chỉ nhớ là sau đó, tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Litva đã trở nên vô cùng thắm thiết, và vô cùng khăng … khít. Trước đây, các bạn ít biết về Việt Nam thì bây giờ đã biết người Việt anh hùng, từng đánh bại 2 đế quốc to.

Dạo chơi phố cổ Vilnius

Ngày hôm sau, chúng tôi được đưa đi thăm quan thành phố. Litva là một nước nhỏ, chưa đến 3 triệu dân. Thủ đô Vilnius thanh bình, nhỏ nhắn và xinh đẹp. Kiến trúc, cảnh quan không giống với Nga. Vilnius là thành phố đa dạng về kiến trúc, với rất nhiều công trình cổ thuộc các trường phái khác nhau. Gothic: tòa tháp lâu đài Gediminas, nhà thờ St. Anne, nhà thờ St.Nicholas… Phục hưng: cung điện Alumnat, cổng Mednitsky… Cổ điển: tòa thị chính thành phố, nhà thờ lớn Vilnius, phủ Toàn quyền (nay là dinh Tổng thống). Baroque: trường Tổng hợp Vilnius với nhà thờ St. John’s, cổng tu viện Basilian ở Vilnius, nhà thờ St Peter & Paul ….

Chúng tôi đi dạo phố cổ, thăm các danh lam thắng cảnh và được nghe kể về lịch sử Vilnius cũng như các công trình lịch sử. Có 2 điều mà tôi thích và nhớ mãi. Đó là đi dạo trên con phố nhỏ mang tên Maksim Gorky (mà ngày nay là Pilies). Phố rất hẹp, dành cho người đi bộ, hai bên có nhiều quán bar, quầy hàng lưu niệm. Thời Đông – Tây chia làm 2 ngả, chưa có điều kiện sang các nước Tây Âu để dạo trên những con phố nhỏ tương tự thì phố Gorky gây ấn tượng rất lớn với tôi. Tôi cứ nghĩ, nếu mình mà học ở thành phố này thì sẽ bỏ học, suốt ngày lang thang tại đây. Ngoài phố đi bộ Gorky, tôi đặc biệt ấn tượng nhà thờ St Anne với kiến trúc Gothic độc đáo của nó. Nhà thờ được xây bằng những viên gạch đỏ rất đẹp. Tôi cứ tự hỏi, ở thế kỉ 14, gạch đóng bằng tay, nung thủ công làm sao mà đều và đẹp như vậy? Và ấn tượng hơn là câu chuyện kể của người hướng dẫn viên: Napoleon rất thích nhà thờ và muốn dỡ ra đem về Pháp để khôi phục lại. Dù hoàng đế thích như vậy nhưng vẫn không thể ngăn cản lính của mình phá hủy và cướp bóc nhà thờ.

Nhà thờ St Anne (photo: sưu tầm trên mạng)

Riga – thủ đô của Latvia

Sau Vilnius chúng tôi đến Riga, thủ đô của Latvia. Ở đây, chúng tôi được bố trí nghỉ tại kí túc xá của viện Đào tạo và Nâng cao nghiệp vụ.

Tới Riga, chúng tôi mới để ý là tiền đã cạn. Học bổng sinh viên ít, lại không chi tiêu có kế hoạch nên sau 2 ngày “đập phá” tại Vilnius chúng tôi hết tiền. Những ngày tiếp theo nơi “đất khách quê người” sẽ sống như thế nào? Vét túi cả lũ cũng chỉ còn vài đồng rúp, ăn bánh mì với uống nước lã suông chắc cũng chỉ được một hai hôm. Có cậu còn đưa ra ý tưởng là thử tìm Hội Chữ thập đỏ hay cơ quan cứu trợ rồi nhờ giúp đỡ. Thời đó giáo sư Gút Gần còn chưa ra đời, việc tìm kiếm thông tin không đơn giản nên ý tưởng dù có hay cũng không thực hiện được.

Trong cái tâm thế đó, chúng tôi được đưa đi tham quan thành phố. Thăm khu phố cổ với các di tích lịch sử, công trình kiến trúc. Cả ba nước cộng hòa Baltic, từ văn hóa, kiến trúc đều khác với Nga nhưng Riga có lẽ Nga hóa nhiều hơn cả. Khác với Vilnius và Talin tôi thấy người Nga ở Riga khá nhiều. Ngoài tham quan phố cổ, chúng tôi còn được đưa ra biển đi dạo. Lúc đó mùa đông băng tuyết nên không có mấy người. Tôi nghe kể mùa hè biển cũng khá lạnh ít người dám tắm. Nói chung là đi cho biết, chứ hết tiền cảnh có vui đâu bao giờ, đi chơi cũng không mấy hào hứng.

Đàn organ ống cổ tại Rīgas Doms

Riga có Nhà thờ lớn (Rīgas Doms, Riga Cathedral), biểu tượng của thành phố. Rīgas Doms được khởi công ngày 25 tháng 7 năm 1211, xây dựng kéo dài gần 6 thập kỉ cho đến năm 1270 mới khánh thành. Đây là nhà thờ trung cổ lớn nhất của các nước Baltic, một trong 3 nhà thờ cao nhất Riga. Rīgas Doms là một công trình kiến trúc độc đáo, để biết thêm về nó cần riêng một bài viết khác.

Rīgas Doms – Nhà thờ lớn Riga (photo: sưu tầm trên mạng)

Ngoài giá trị về tôn giáo, kiến trúc và lịch sử, Rīgas Doms nổi tiếng nhờ có chiếc đàn organ ống cổ, di sản văn hóa thế giới. Đàn cao 25 mét, có 6768 ống khí với độ dài khác nhau từ 13mm đến 10m được làm từ kim loại và các loại gỗ. Chiếc đàn hiện tại là do công ty Đức EFWalcker & Co nổi tiếng chuyên về đàn organ sản xuất năm 1883-1884.

Chiếc đàn organ đầu tiên tại đây có từ năm 1541 nhưng sau đó bị thiêu hỏng vì trận hỏa hoạn năm 1547. Năm 1601 Jacob Raab một nghệ nhân điêu khắc người Đức đã làm chiếc đàn mới. Các thời kì sau đó đàn liên tục được mở rộng, mặt tiền của đàn đã được các thợ thủ công tài năng khác lắp đặt thêm nhiều đồ trang trí. Đàn có mặt tiền cao 16m rộng 20m, được gắn vương miện với hình nhà tiên tri – thánh John the Baptist. Hai bên là tượng các thánh thần. Đàn hoạt động suốt 280 năm cho đến khi EFWalcker & Co làm mới lại. Mặt tiền và phần trung tâm của đàn với các trang trí từ cuối thế kỉ 16 vẫn được giữ lại, các chạm khắc được giữ nguyên từ năm 1599-1601.

Đàn không chỉ là dụng cụ âm nhạc mà còn có giá trị lớn về nghệ thuật, được coi là một trong những tượng đài quan trọng của chủ nghĩa lãng mạn Đức về trang trí đàn organ. Các nhà soạn nhạc nổi tiếng Liszt và Max Reger cũng đã có những tác phẩm viết riêng cho đàn. Nhiều nghệ sĩ organ nổi tiếng thế giới đã từng tới đây biểu diễn.

Đàn organ cổ tại Rīgas Doms (photo: sưu tầm trên mạng)
Đàn organ cổ được tạo từ 6768 ống khí có độ dài khác nhau (photo: sưu tầm trên mạng)

Chúng tôi đi nghe nhạc cổ điển

Tại Riga Doms thường có biểu diễn âm nhạc. Tôi không nhớ rõ hôm đó nghệ sĩ chơi đàn là người Áo hay Phần Lan. Kiếm được vé vào nghe nhạc ở đây không hề dễ nhất là khi có nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn. Vì nghĩ chúng tôi là sinh viên nước ngoài, muốn giới thiệu cái hay vẻ đẹp của đất nước mình nên bà hướng dẫn viên du lịch đã tìm mọi cách để mua được vé cho chúng tôi. Bà đưa vé và nói: tôi đã phải cố hết sức để có vé cho các bạn. Hay lắm đấy, nhớ đi đúng giờ nhé.

Vẫn biết không dễ gì được để có được tấm vé này. Nghe nhạc cổ điển là đẳng cấp, là dân ê lít, nhưng khổ nỗi thời đó trình của chúng tôi thấp, mới chỉ ở tầm thưởng thức nhạc bằng chân chứ đâu hiểu gì nhạc cổ điển. Cứ phải chát xình xình như Boney M hay Smokie với Chris Norman mới máu. Với lại, tiền thì hết, tâm trạng thì lo âu, bụng dạ nào mà nghe nhạc. Bà hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến nhà thờ, chỉ dẫn và chờ cho chúng tôi vào hết rồi mới về. Vào ổn định được một lúc thì buổi biểu diễn bắt đầu.

Cả đời tôi đâu đã từng được nghe nhạc cổ điển, lại nghe đúng lúc bụng đói thì có khác gì bị tra tấn. Không khí nhà thờ thì tĩnh lặng, nhạc thì ê a, buồn thúi ruột làm thằng bé mắt cứ díp lại. Nhìn xung quanh, ai nấy đều chăm chú nghe, ngủ cũng bất tiện tên tôi cố để không ngủ gật. Nhưng càng cố càng buồn ngủ, mắt cứ díp lại. Thỉnh thoảng thiếp đi rồi lâu lâu lại gật đầu cái khậc và giật mình tỉnh dậy. Lại cố mở mắt. Một cuộc vật lộn giữa ngủ và thức. Đời tôi chưa bao giờ nghe nhạc vất vả như vậy. Cuối cùng thì “kệ mẹ thiên hạ”, bố thích thì bố ngủ, ai làm gì được bố.

Nhạc công chơi mãi cũng phải mệt. Hết hiệp 1 nghỉ 20 phủt. Tôi tỉnh dậy, đập vai ông bạn ngồi cạnh: các ông nghe  tiếp tôi về trước. Nghe vậy, mấy ông bạn khác cũng nhao nhao: tôi cũng về. Một ông bạn vẫn chưa tỉnh, ngáy khò khò. Chắc chàng đang có giấc mơ đẹp?. Chúng tôi lay mãi hắn mới tỉnh, ngơ ngơ ngác ngác: xong rồi à?

Chúng tôi kéo nhau ra cửa, xin phép bà bảo vệ cho ra ngoài. Bà nói: các anh ra rồi nhớ quay lại sớm trước khi phần 2 bắt đầu. Chúng tôi vâng vâng dạ dạ rồi biến thẳng một mạch. Một khi đã quyết thì ra đi không ngoái đầu trở lại.

Một bữa cỗ âm nhạc nhớ đời!

2 ngày cuối ở Tallinn

Sau Riga, chúng tôi đến Tallinn, thủ đô của Estonia, điểm cuối của hành trình. Cả ba nước Baltic và thủ đô của chúng đều nhỏ, lịch sử – văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, nếu như Riga nhiều người Nga, Vilnius vẫn có cảm giác cái gì đó thuộc Liên Xô thì Tallinn khác hẳn, hoàn toàn xa lạ. Tallinn giống như thành phố của một nước Bắc Âu, từ kiến trúc, con người lẫn văn hóa. Hầu như không thấy ai nói tiếng Nga, biển hiệu không bằng tiếng Nga, nhà cửa lại càng khác.

Đến Tallinn, trước khi về kí túc xá nghỉ, chúng tôi được đi city tour thăm quan thành phố. Theo tôi, Tallinn là thành phố đẹp nhất trong các thủ đô của ba nước Baltic. Tôi rất thích kiến trúc thành phố, nhà thờ, tháp chuông cao nhọn của Tallinn. Tôi đặc biệt thích các chong chóng gió (флюгер, weather vane) có rất nhiều trên đỉnh tháp, nóc nhà ở Tallinn. Chúng dùng để đo hướng gió. Chong chóng gió ở Tallinn rất đẹp và đa dạng, đủ hình đủ kiểu, là tấm danh thiếp cho mỗi ngôi nhà. Chong chóng có thể gắn với chuyện lịch sử, câu chuyện cổ tích mà chủ nhà yêu thích hay gắn với nghề truyền thống của gia đình. Nhìn các chong chóng gió đủ kiểu ở Tallinn ta sẽ cảm nhận được trí tưởng tượng, sức sáng tạo và tay nghề của các nghệ nhân ở đây. Từ những cục sắt, qua tay họ đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật. Đây là một truyền thống lâu đời của Tallinn. Cổ nhất là chiếc chong chóng mang hình người chiến binh đeo kiếm, cầm cờ trên nóc Tòa thị chính thành phố, có từ năm 1530. Hiện vẫn còn rất nhiều chong chóng có từ thế kỉ 17-18. Chúng vẫn đang trang điểm cho các tòa nhà, làm đẹp thành phố.

Các chong chóng gió tại Tallinn (photo: sưu tầm trên mạng)

Tallinn đẹp thì đẹp thật nhưng một khi tiền đã hết thì cũng chẳng còn mấy hứng để thăm với thú. Tâm trí giờ đây chỉ là lo lấy gì chống đói trong 2 ngày tới. Cũng may, trong tủ lạnh các phòng, trong tủ bếp của tầng nơi chúng tôi ở vẫn còn để lại ít đồ ăn mọi người để lại: trứng, mì, cá hộp…Tuy không nhiều nhưng thế cũng là may mắn. Như những người văn minh lịch sự, trước khi rời khỏi Tallinn chúng tôi có viết mấy dòng để lại, nói qua hoàn cảnh và gửi lời xin lỗi.

Cũng cần phải nói thêm. Ngày hôm sau, xe đến đón đưa đoàn đi tham quan, tất cả chúng tôi đều từ chối không đi. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ ánh mắt ngạc nhiên và thái độ khó chịu của bà hướng dẫn viên du lịch. Tôi không hiểu trong cuộc đời làm hướng dẫn viên của mình bà có khi nào gặp những khách du lịch đặc biệt, kiên quyết không chịu đi thăm quan như chúng tôi? Chắc bà sẽ còn vấn vương dài dài với câu hỏi mà các nhà triết học bao đời vẫn đang tìm câu trả lời: who we are?

Trở lại Moscow

Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc. Chúng tôi quay về Moscow, tối lên tàu, sáng về tới nơi.  Chuyến đi cũng không có gì đặc biệt ngoài một kỉ niệm nho nhỏ, xinh xinh. Khi mấy thằng chúng tôi đang tán gẫu ở hành lang thì cô nhân viên phục vụ toa tàu đi qua. Cô bưng mấy cốc nước chè mang cho khách. Chè đường nóng, lát chanh vàng, nước sóng sánh tỏa ra mùi thơm ngây ngất. Thường ngày thì chè đường với chanh đã thơm nhưng hôm đó lại càng thơm, đặc biệt quyến rũ. Tôi không rõ tại sao, vì cái cảm giác của đêm đông trời lạnh hay vì … cô phục vụ toa tàu dễ thương. Tư nhiên mấy thằng thèm có cốc nước chè đường. Thèm cứ thèm nhưng tiền không có thì biết làm sao? Đang chưa biết thế nào thì cậu X nói: để tao! Cứ tưởng ông này nói phét ai ngờ hắn đi về hướng phòng cô nhân viên phục vụ. Chẳng biết làm gì trong đó nhưng một lúc sau hắn quay lại hai tay hai cốc chè nóng, mắt nháy cười. Công nhận cha này có tài ngoại giao nhân dân.

Ở đời có cái lạ, những chuyến đi suôn sẻ lại chóng quên, cứ có tí trục trặc sau lại nhớ. Chính những những trục trặc đó đã trở thành kỉ niệm, gắn bó với tôi mà mỗi khi nhớ lại kí ức của thời tuổi trẻ lại tràn về.

Ngoài kia, hoa nở khắp nơi, mùa xuân năm nay thật đẹp.

Moscow, tháng 5 năm covid thứ 2.

Bình luận về bài viết này