TRONG CÔNG VIÊN MỘT MÌNH

Fb Minh Tam Nguyen, 7-8-2021

NHỚ THÀY VĂN TÂM.

Văng vẳng đâu đây tiếng nhạc êm dịu của Chopin … Nổi lên trên đám cỏ xanh ngắt là màu trắng của hoa táo, màu vàng của hoa bồ công anh, màu tím ngan ngát của tử đinh hương… Từng nhóm học sinh phổ thông đi dạo sau giờ học cuối cùng – HỒI CHUÔNG CUỐI CÙNG của đời học sinh.

Kí ức bỗng ùa về trong tôi như những đoạn phim: lớp học 10i ngày chia tay, những cánh phượng hồng ngoài cửa sổ, những cuộc dã ngoại Côn sơn – Kiếp bạc, Đại Lải, Chùa Hương,… những buổi lao động đào đất trên sông Tô Lịch cùng bí thư Việt Dung, những ngày ôn thi trong cái nắng đổ lửa cùng Hương và Quảng. Tình bạn thuở mới lớn, rồi những lần cãi nhau vô cớ, cả những trận đánh nhau của bọn con trai với lớp khác mà tôi chả hiếu đúng sai thế nào nhưng cũng hùa vào bênh vì chúng là “bọn con trai LỚP MÌNH”. Có mấy lớp có cá tính như lớp mình nhỉ? Nhiều bạn học giỏi có tiếng trong trường, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của trường từ văn nghệ, thể thao, lao động cho tới … đánh nhau làm cô Thường giáo viên chủ nhiệm lớp không ít tự hào và cũng nhiều phen lo lắng. Lớp 10i trở thành như một “Thương hiệu” lúc nào không hay…

Cho đến bây giờ, mỗi khi mở những trang lưu niệm được các bạn truyền tay viết cho nhau những tháng ngày cuối của đời học sinh tôi vẫn không khỏi bùi ngùi … Kỉ niệm thì nhiều, có những chuyện mãi sau này, 20 năm, thậm chí hơn 30 năm sau tôi mới biết sự thật…

Tôi nhớ tới những buổi tập văn nghệ, hát “Thắm hoa núi rừng”… Phúc Thắng mở màn “Ơ rừng núi ơi, có cô bạn tôi….”, “Đêm trường sơn nhớ Bác”… giọng trong trẻo mượt mà của bọn con gái chúng tôi được giọng trầm hùng (do vỡ giọng) của các bạn nam làm nền tạo nên một sự hài hòa tuyệt vời! Lớp 10i bao giờ cũng được giải cao (không quên công người đã mua ô mai đâu nhé).

Nhớ tới thầy VĂN TÂM. Hồi ấy thầy phụ trách văn nghệ của trường Nguyễn Trãi. Có lẽ vì thấy tôi hay tham gia văn nghệ, dong dỏng cao có vẻ tự tin nên thày đã chọn tôi làm chỉ huy dàn hợp xướng của trường. Thực ra nhớ lại thì tôi làm ra vẻ bề ngoài vậy thôi, trong lòng lo lắm. Thầy Văn Tâm dáng trí thức, mái tóc vuốt ngược ra sau với cặp kính trắng luôn hút hồn bọn học sinh chúng tôi bằng những bài giảng tuyệt vời lại là người rất am hiểu về âm nhạc nên tôi được thầy “đào tạo”rất bài bản. Thầy giới thiệu tôi với chú Ngọc tốt nghiệp về “chỉ huy hợp xướng” ở Nga về, chú dạy tôi cách điều khiển cho cả dàn hợp xuớng với nhiều bè ,nhiều giọng khác nhau… Hôm đi thi thành phố, trong ánh điện chói lòa của sân khấu, tim tôi đập mạnh nhưng cảm nhận được ánh mắt khích lệ của thầy Văn Tâm, tôi bước ra thật đàng hoàng và tự tin “Từ thành phố này Người đã ra đi….” Lớp mình chiếm 1/3 trong dàn hợp xướng đó. Đến bây giờ tôi vẫn ko hiểu tại sao ngoài Lan Anh ra lớp mình còn rất nhiều bạn hát hay như Ngọc Lan, Phương Lan, Phượng Vỹ… mà lại ít tham gia hát. Kết thúc buổi diễn, được thầy Văn Tâm khen “ra dáng lắm, giỏi!”. Tôi mừng vì biết thầy rất kiệm lời, ít khi được nghe thầy khen. Chúng tôi đã quen với nhận xét rất khắt khe của thầy cho mỗi bài tập làm văn và câu “mỗi ngày vui 1 quả trứng hồng”( điểm 0) trong giờ kiểm tra miệng tiết văn của thầy rồi. Tôi không phải là học sinh giỏi văn nhưng mỗi tiết văn của thầy với tôi không còn là tiết học bình thường. Thầy mở ra cho chúng tôi bao điều mới mẻ không chỉ trong văn học mà cả các lĩnh vực khác như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh, tâm lý… Ở thày toát lên vẻ điềm tĩnh, đĩnh đạc, phong cách tài hoa, nghệ sỹ mà rất thanh lịch.

Mãi tận sau này tôi mới biết lũ chúng tôi thật may mắn được là học trò của thầy.

Tốt nghiệp Đại học sư phạm Ngoại ngữ, tôi đi dậy ở trường Thực nghiệm và tình cờ tôi được biết thầy nhắn tôi qua nhà chơi. Tôi mừng lắm vì nhiều lần đạp xe qua phố Phan Bội Châu tôi vẫn nghĩ đến thầy nhưng cho rằng bao nhiêu thế hệ lớp học trò chắc gì thầy đã nhớ tôi? Có lẽ đó là vào năm 1986, tôi vốn không ưa ăn mặc lòe loẹt nhưng trước khi đến nhà thầy tôi rất cẩn thận chọn bộ quần áo đẹp trang nhã vì biết thầy là con người rất tinh tế. Dựa xe đạp dưới chân cầu thang, tôi leo lên tầng 2, thầy đón tôi thật nồng hậu, chân tình…dường như không có cái khoảng cách 7-8 năm ấy. Thầy hào hứng nói về văn học nghệ thuật, về nghề giáo… Tôi phục thầy về những am hiểu dân tộc học, về đồ cổ, về đàn đáy, về cỗ trống chầy, ca trù….Tôi dừng rất lâu ở bức ký họa thầy của Bùi Xuân Phái. Tôi hiểu vì sao mà trong nhà thầy có những cuốn sách hiếm, bức tranh quí của Bùi Xuân Phái, bức tranh quê của Anh Thơ (bản in lần đầu từ hơn nửa thế kỉ trước). Tôi hơi ngạc nhiên khi biết bố chồng tương lai của tôi ông NĐC là bạn cùng học với thầy ở trường sư phạm. Thầy còn hỏi tôi có cần thầy giới thiệu với bạn bè thầy ở Thực nghiệm về chuyện biên chế, khi biết tôi không chọn con đường dễ dàng để có một công việc lý tưởng tại Hà nội. Tôi cảm động trước tấm lòng của thầy. Một năm sau tôi quyết thi đỗ và được nhận chính thức về làm cán bộ nghiên cứu viện Khoa học giáo dục.

Sau hôm đến nhà thầy tôi mới biết thêm nhiều điều về nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà giáo ưu tú -Thầy Văn Tâm của chúng ta. Thầy là học trò của những bậc thầy nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giầu, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh… Là môt trong những giảng viên đầu tiên của khoa ngữ văn Đại học sư phạm. Vì “tai nạn nghề nghiệp” mà thầy phải ngừng viết trong hơn 20 năm để làm thầy giáo trường cấp 3. Nghĩ lại thấy sao lũ chúng tôi khờ dại thế, bỗng dưng gặp may mà lại vô tâm chả biết gì về người thầy tài hoa đáng kính của mình.

Thầy đã vượt lên trên số phận để cho ra mắt nhiều tác phẩm nhiều thể loại khác nhau. Những công trình nghiên cứu tâm huyết của thầy được đánh giá cao trong làng văn. Những năm cuối của cuộc đời ,thầy vừa chiến đấu với bệnh tật vừa cho ra mắt cuốn “ Vườn khuya một mình”.

Thời học sinh, sinh viên chắc các bạn nhiều người biết tới bài “Hai sắc hoa tigon” của T. T. Kh. Trong hơn nửa thế kỉ bao cây bút trong giới hàn lâm đã hao tâm tổn trí hòng làm sáng tỏ tính danh và sự tích của nữ sỹ” T. T. Kh là ai thì thầy Văn Tâm của chúng ta lại “phát hiện” ra rằng” chân lý khoa học không hẳn lúc nào cũng hỗ trợ hữu ích cho mỹ học” và “Xin người trốn kĩ mãi đi” bởi vì thầy cho rằng “Màn sương mờ bao phủ bút danh T. T. Kh mặc nhiên trở thành một yếu tố thi pháp lợi hại gia tăng hương sắc trữ tình của bài thơ lên rất nhiều… Cứ để yên T. T. Kh tội nghiệp sẽ trẻ đẹp và gây thương cảm đến muôn đời”

Tôi được biết tiền nhuận bút viết sách thầy thường dùng để mua sách tặng bạn bè chiến hữu. “Ông thường ký bên cạnh lời đề tặng chữ Tâm theo mẫu tự Hán đã được cách điệu: gồm “Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời”. Trên bầu trời Văn chương chữ Tâm là cái đích đến như thiên tài Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều đã từng viết: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.”

Thầy ra đi vào một đêm tháng 6 oi bức 11 năm trước.

Bỗng dưng tôi lại thèm được thong thả đạp xe trên đường phố Hà nội yên tĩnh, vắng lặng, ngát hương mùi hoa sữa.Thèm được ngước nhìn lên tầng 2 của căn nhà nhỏ số 13 trên đường Phan Bội Châu , nơi có người thầy yêu quí của chúng tôi…

Mùa Đêm Trắng – Moscow 2017

Nguyễn Minh Tâm

Không có mô tả ảnh.

Tất cả cảm xúc:

75Bạn, Thái Hà Trần, Trung Dao Duc và 72 người khác

VIỆN KỸ THUẬT THÔNG TIN – MỘT THỜI QUÂN NGŨ

Fb Boristo Nguyen, 8-5-2022

Về Việt Nam, đi làm vừa được đôi tháng thì tôi được gọi nhập ngũ. Sau 3 tháng tân binh ở Bắc Giang tôi được điều về viện Kĩ thuật thông tin (KTTT) trực thuộc bộ Tư lệnh thông tin liên lạc. Tuy chỉ là lính nghĩa vụ, thời gian có 2 năm nhưng trong ký ức của tôi đây là một quãng đời có nhiều kỉ niệm đáng nhớ.

Trong status “Chuyện ở lính” tôi đã kể về giai đoạn 3 tháng tân binh, những ngày cuối bị hành lên hành xuống. Ngày nào cũng như ngày nào, lóc cóc kéo xe cải tiến đi lang thang khắp làng tìm nhặt phân rơi, không đủ khoán 50kg tối về lại bị kiểm thảo trước đơn vị. Bạn thử hình dung khi đang bị hành hạ, nhân cách bị xúc phạm như vậy thì việc được nhận quyết định chuyển về một đơn vị kỹ thuật tại Hà Nội thì cảm giác sẽ sung sướng thế nào? Có khác gì khi được giải thoát, trúng số độc đắc?

Cầm quyết định, tôi vác ba lô đi bộ ra thị xã Bắc Giang rồi nhảy xe về Hà Nội. Vào đến viện, sau khi xuất trình giấy tờ tôi được vệ binh đưa đi gặp thủ trưởng Duyệt, thượng tá viện trưởng. Thủ trưởng hỏi tôi: cậu ở Liên Xô học ngành gì? Dạ, báo cáo thủ trưởng em học toán sư phạm. Cậu có biết về máy tính? Dạ, em cũng có biết qua qua. Trả lời vậy nhưng thực tình tại thời điểm đó kiến thức về máy tính của tôi là con số không tròn trĩnh. Ngoài một lần năm dự bị được đi thăm quan phòng máy tính Minsk 32 thời đại học tôi không được học một chút gì liên quan đến máy tính. Chưa nói đến kiến trúc máy tính, ngôn ngữ lập trình … ngay cả lý thuyết thuật toán cũng không được học. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng với tôi lúc đó không dễ một chút nào. Thú nhận mình không biết thì dễ bị trả ngược về đơn vị, vì vậy tôi đành nhận bừa là có biết đôi chút. Thủ trưởng hỏi tiếp: thế cậu biết gì về máy tính? Dạ, báo cáo thủ trưởng, em biết sơ đồ khối (sic). Câu trả lời thật ngớ ngẩn nhưng may mà thủ trưởng cho qua. Có thể vì tính ông hiền lành, mà cũng có thể do không phải là dân máy tính nên ông không biết nhiều về nó.

Tôi được phân về ban Tổng trạm của viện. Vào gặp thiếu tá Dợi trưởng ban tôi được đưa về nhóm lập trình cùng với các anh Đoan và Hùng. Ngoài nhóm lập trình ban Tổng trạm còn các anh Điệp, Khánh, Tuấn, Thọ, Trường, Ngô Gia Điền, chị Châu, anh Bích … là các kỹ sư điện tử. Anh Đoan đại úy, anh Hùng thượng úy. Tất cả đều có quân hàm từ thượng úy trở lên. Là lính binh nhì một sao, đang từ đơn vị nơi mà mấy tay trung sĩ, thượng sĩ cũng có quyền ra lệnh, cán bộ cấp trung đội, đại đội quyền sinh quyền sát, thích thì vác lính ra hành, nay rơi vào đơn vị toàn các sĩ quan quân hàm cao tôi không khỏi không có cảm giác bị ngợp.

Anh Dợi giới thiệu tôi với anh Đoan, anh Hùng. Anh Đoan hỏi: cậu có biết tiếng Anh? Anh hỏi mà không chờ câu trả lời, vứt cho tôi một đống tài liệu hướng dẫn sử dụng máy tính bằng tiếng Anh và bảo về nghiên cứu. Về nước, trước khi đi lính tôi có theo học tiếng Anh đôi ba tháng. Đi học theo phong trào, vui là chính chứ chưa có ý thức học nghiêm chỉnh. Nhiều hôm đến lớp do chưa quen với thời tiết nóng nực tôi ngủ từ đầu đến cuối buổi học, chẳng nhận được mấy chữ của thày. Nhìn tập tài liệu anh Đoan đưa mà phát hoảng, không biết tiếng Anh làm sao mà đọc? Lo thì lo nhưng không dám không tuân lệnh, tôi ôm tập tài liệu về nghiên cứu. Suốt cả tháng trời sau đó, ngày cũng như đêm tôi lọ mọ tra từ, học tiếng Anh, mày mò tìm hiểu và học cách lập trình cho máy. Cũng nhờ nỗ lực mà cuối cùng cũng mọi việc cũng suôn sẻ.

Khi sắp ra quân thì nhóm mới có thêm cô Hà còn phần lớn thời gian ở viện tôi làm việc với anh Đoan, anh Hùng. Cả hai đều là dân toán Tổng hợp Hà Nội. Tôi là lính còn các anh là sĩ quan nhưng coi tôi như đồng nghiệp. Anh Đoan người nhanh nhẹn và khéo tay, có tài cắt chữ bằng giấy. Một dạo đơn vị được giao thiết kế, lắp đặt bàn điều khiển chỉ huy cho các đơn vị. Cần phải khắc chữ lên mặt bàn điều khiển vì thời đó Việt Nam chưa có công nghệ in trên nhựa. Mặt bàn được làm từ các tấm phíp bakelite, khắc lên đó hoàn toàn không đơn giản. Đơn vị lại phải nhờ đến bàn tay khéo léo của anh. Những dịp Tết nhất hay lễ lạt, đơn vị mổ lợn, chúng tôi tham gia phụ giúp đun nước, cạo lông lợn, rửa rau… còn việc cắt tiết, pha thịt thì một tay anh làm tất. Nói thêm một chút, ông cụ bố vợ anh có quán cà phê Giảng ở Hàng Gai nổi tiếng lâu đời, cứu cánh cho gia đình các con cháu một thời. Thấy bảo về hưu anh chị vẫn nối tiếp theo nghề của ông cụ. Lần về nước tới, hy vọng có dịp đến thăm anh chị và thưởng thức lại vị cà phê nổi tiếng.

Ở viện, ngoài Lâm và Trung bạn cùng lứa tôi thân nhất với anh Hùng. Anh là người vui tính, hiền lành. Ngày anh lấy vợ tôi còn ra nhà anh ở 8 Yết Kiêu giúp dọn nhà, chuyển bị cho ngày cưới. Chị Bình vợ anh làm ở bệnh viện Việt Đức có cô em học nhạc viện, anh chị còn muốn gán cô em cho tôi. Sau khi ra quân tôi thỉnh thoảng có ghé chơi nhà anh chị ở phố Quang Trung. Lần cuối gặp anh cách đây cũng đã hai chục năm trong một lần về nước. Chúng tôi tình cờ gặp nhau tại một sự kiện về CNTT ở Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Lúc này anh đã chuyển ra ngoài, làm máy tính cho Tổng cục thuế. Sau đó vài năm thì nghe tin anh mất. Tiếc thương một người anh yêu quí đã đi xa.

Máy tính của đơn vị là chiến lợi phẩm thu được đem từ trong Nam ra. Trước 30-4-1975 máy được dùng để quản lý tổng kho Long Bình, kho vũ khí lớn nhất do Mỹ xây dựng. Đây là máy 4 địa chỉ, có 800 ô nhớ trong đó 400 ô vừa lưu lệnh vừa lưu dữ liệu, 400 ô còn lại chỉ lưu dữ liệu. Địa chỉ thứ nhất lưu mã lệnh, 2 địa chỉ tiếp theo là địa chỉ các ô nhớ chứa giá trị các toán tử của phép tính, điạ chỉ cuối là địa chỉ ô nhớ lưu trữ kết quả hay ô lệnh tiếp theo. Chuyện cũ trôi qua cũng đã gần 40 năm, không biết tôi nhớ còn đúng không. Thông tin nhập vào bằng bìa đục lỗ. Điều thú vị là việc định dạng in được điều khiển bằng cách bố trí lắp các giắc cắm theo những vị trí cần thiết khác nhau. Điều này không dễ chút nào nhất là khi cần in biểu bảng. Lập trình cho máy không bằng ngôn ngữ bậc cao mà bằng assembler, nói đúng hơn là ngôn ngữ máy, phải điều khiển tới từng ô nhớ và làm việc với các con số 0,1. Máy được để trong xe container máy lạnh, thiết bị đục lỗ và một số thiết bị ngoại vi khác đặt ở một phòng riêng. Ngoài nhóm lập trình còn các kỹ sư vô tuyến trợ giúp. Đó là các anh Khánh, anh Tuấn, … Phần do máy cũ lâu ngày, phần điện phập phù, điện áp lúc cao lúc thấp nên lâu lâu lại phát sinh vấn đề, các anh lại phải vác đồ nghề: đồng hồ đo điện, máy đo (oscilloscope) và mỏ hàn lên đo đạc, tìm nguyên nhân để sửa. Anh Khánh học Tiệp về, chuyên môn rất giỏi, nhà có cái ti vi cũ mang từ trong Nam ra mỗi lần hỏng tôi đều mang đến đơn vị nhờ anh sửa. Anh Tuấn dân BME bách khoa Hungary. Anh có chút tật, đôi khi không để ý anh để ngang mỏ hàn nên làm cháy chân tụ hay linh kiện điện tử. Giờ nghĩ lại, để đảm bảo cho máy tính thời đó (thiết kế, dây dợ loằng ngoằng) hoạt động một cách đều đặn chắc cũng không dễ chút nào.

Với máy tính thô sơ, tính năng yếu như vậy nhưng chúng tôi cũng đã khai thác sử dụng tốt, hoàn thành các nhiệm vụ do cấp trên giao phó. Trong giai đoạn ở Viện, chúng tôi đã thực hiện được 2 bài toán: quản lý nhân sự và khí tài của binh chủng. Mỗi khi cấp trên yêu cầu, mọi số liệu đều được sẵn sàng cung cấp. Bài toán được thực hiện lúc đó còn khá thô sơ, độ phức tạp không lớn nhưng đó là cái thời chưa có các phần mềm/hệ quản trị cơ sở dữ liệu, tính năng của máy rất yếu. Để làm được điều này chúng tôi đã phải rất nỗ lực và cố gắng. Không ít lần anh em phải túc trực, làm việc cả đêm. Tôi vẫn nhớ nhiều lần làm đêm được các chị trong ban nấu cháo gà bồi dưỡng. Đó là những ngày đáng nhớ, nghĩ lại không khỏi không có chút tự hào nho nhỏ.

Nhắc lại chuyện làm bài toán quản lý nhân sự tôi lại nhớ một kỷ niệm nhỏ. Ban đầu, khi làm bài toán quản lý cán bộ cho viện tôi được tiếp cận hồ sơ cán bộ để nghiên cứu (trước là lên mô hình tổ chức và sau là vào dữ liệu). Xem hồ sơ thấy ghi các anh chị A, B, C … là con các cụ X, Y, Z trùng tên với nhiều nhân vật lãnh đạo cao cấp của nhà nước và quân đội hay những nhân vật nổi tiếng. Tôi mới hỏi anh Hùng thì anh cười và nói: đúng rồi đấy, không phải trùng tên đâu. Sau mới biết, rất nhiều người là con em cán bộ cao cấp.

Viện KTTT thời đó ngoài Tổng trạm còn có các ban Vô tuyến, Qui chuẩn – Đo lường và tổ Cơ khí – Chế thử. Tôi hay sang chơi, uống nước chè và hóng hớt các đàn anh bên ban Vô tuyến: Hồ Đắc Thuyên, Võ Tấn, Cương, Quang Linh, Hà Luân, bọ Hiển, Lê Thắng… Anh Trung béo từ nhà máy M1 và Vượng về sau một chút. Ngoài Lê Thắng ít nói, suốt ngày lọ mọ với mỏ hàn và mấy cái bảng mạch điện tử các anh khác đều vui tính, dễ gần. Có một dạo anh Thuyên (RIP Anh!) còn rủ anh Hùng (máy tính), chị Hồ Nam (qui chuẩn) và tôi tham gia nhóm 4 người, mỗi tuần đôi buổi đến nhà anh ở Lê Thánh Tông học tiếng Anh. Viện là một tập thể đoàn kết, tuy rất nhiều người con cán bộ cao cấp nhưng tuyệt nhiên không thấy ai cậy thế, tất cả đều sống khiêm nhường, đối xử với nhau tử tế và bình đẳng. Tôi vẫn nói: mình may mắn được rơi vào một đơn vị mà có những người anh ra anh, chị ra chị.

Nhân anh Trung béo đăng tút nhắc về nhóm máy tính của viện KTTT năm xưa tôi lại nhớ về những ngày ở viện, những lần chạy máy cả đêm để kịp hoàn thành nhiệm vụ trên giao, những buổi đi lắp máy (kế hoạch 3) ở nhà máy hóa chất Đức Giang, nhớ lần chi đoàn thanh niên viện cùng trường Đoàn đi dã ngoại tại chùa Trăm gian, chạy máy nổ nhảy múa cả đêm và cả một vài Tết sau khi xuất ngũ vẫn được viện chia quà (thu hoạch từ kế hoạch 3)… Và tất nhiên là nhớ những con người, các anh các chị ở viện mà tôi may mắn đã được cùng sống và làm việc.

Nhớ lắm một thời viện KTTT.

Moscow, 08-05-2022.

XIN ĐƯỢC VIỆC NHỜ HỌC NHẠC – THÊM MỘT CÂU CHUYỆN VỀ GIÁO DỤC CỦA NGA

Ở Việt Nam, việc sắm đàn, thuê thày đến nhà dạy nhạc cho con nay đã thành trào lưu của không ít gia đình. Đời sống khá lên, nhu cầu tinh thần cũng tăng. Tôi không biết các gia đình cho con học thêm đàn, lý do xuất phát từ đâu? Từ nhu cầu thực sự, từ việc hiểu biết ích lợi của việc học đàn hay đơn thuần chỉ là theo phong trào, “phú quý sinh lễ nghĩa”?

Trong bài trả lời phỏng vấn của BBC ngày 13-12-2021 nhân sự kiện 30 năm Liên Xô tan rã tôi có kể về giai đoạn khủng hoảng, cuộc sống những năm 90 vô cùng khó khăn, tại Moscow vẫn có hơn 150 trường nhạc sơ cấp thiếu nhi hoạt động, trẻ em được học đàn miễn phí. Có được điều này là do nước Nga được thừa hưởng truyền thống văn hóa và hệ thống giáo dục của Liên Xô cũ. Ngay ở các nước phương Tây nơi được coi là giàu có, không phải ai muốn học đàn cũng có điều kiện.

Vậy học đàn có lợi ích gì? Chắc chuyện cho con học đàn, không bổ âm cũng bổ dương, thì ai cũng thấy. Học đàn là tiếp cận với cái đẹp, trẻ gần gũi, sống với cái đẹp thì tâm hồn sẽ trong sáng, nhân bản hơn. Khi con người rung động trước cái đẹp là lúc cái xấu sẽ bị đè xuống. Chân-thiện-mỹ gắn liền với nhau, cái này bồi đắp cho cái kia. Đây chính là một trong những cách để níu giữ để đạo đức xã hội khỏi trượt dài trên con đường tha hóa. Dạy nhạc cho trẻ cũng là để dạy người, hình thành nhân cách.

Âm nhạc cho trẻ còn nhiều hơn thế. Tôi vẫn nhớ ấn tượng của mình khi được nghe một bác giáo sư viện 103 thao thao bất tuyệt kể về việc cho con học đàn piano và lợi ích của nó. Năm đó, 1987, tôi đi hội nghị, còn bác đi chuyên gia Algeria ghé qua Đức, 2 người gặp nhau ở nhà khách sứ quán.

Việc học nhạc sẽ giúp trẻ phát triển tai nhạc, giúp ích cho việc học ngoại ngữ. Hơn thế, âm nhạc giúp ích rất nhiều cho việc phát triển khả năng sáng tạo, điều rất cần trong cuộc sống. Qua quan sát việc học nhạc của các con, tôi cảm nhận rõ điều này. Quan trọng không phải là chơi đàn giỏi, kĩ thuật cao hay không. Quan trọng là trẻ được hòa vào môi trường âm nhạc, cảm nhận được nó, âm nhạc ngấm vào người. Các trường nhạc thiếu nhi của Nga là môi trường rất tốt cho việc này. Họ không chỉ dạy đánh đàn, nhạc lí/kí xướng âm mà cả lịch sử âm nhạc, biểu diễn, hát đồng ca… rất bài bản. Đó là lợi thế so với việc mời thày về dạy tại nhà, chỉ dạy đánh đàn thôi không đủ.

Khủng hoảng tài chính 2009 ảnh hưởng rất lớn đến chuyện công ăn việc làm. Ở Anh lúc đó 1/6 số người đang ở độ tuổi lao động thất nghiệp. Nhiều người đang có việc mất việc. Sinh viên ra trường xin việc rất khó, nhất là ngành marketing. Khác với Mỹ, các nhà tuyển dụng nhân sự hướng đến toàn cầu, muốn đa dạng nền văn hóa, ở Anh ít muốn nhận người nước ngoài vì lý do không hiểu biết sâu sắc văn hóa đất nước thì không thể làm marketing. Nhưng chính nhờ âm nhạc mà con gái tôi xin được việc tại một tập nổi tiếng về mỹ phẩm. Không phải vì nhờ đánh đàn hay mà nhờ ở khả năng thể hiện sự sáng tạo, ích lợi từ những năm tháng học nhạc tại Nga.

Ở các nước phương Tây, để xin việc, ngoài có CV đẹp, làm tốt các bài test, biết rõ về công ty và vị trí công việc xin làm, ứng viên phải chứng minh mình có đủ kinh nghiệm, khả năng làm tốt công việc đó. Một câu hỏi nhà tuyển dụng hay đặt ra: ứng viên có khả năng gì, tại sao công ty phải nhận họ? Cách trả lời: tôi giỏi, tôi thạo cái này, biết cái kia không phải là cách trả lời tốt (và dễ bị loại). Để thuyết phục nhà tuyển dụng, không đơn thuần chỉ là tuyên bố mà cần phải chứng minh. Trong business, đặc biệt ngành là marketing, khả năng sáng tạo rất cần thiết và luôn được đánh giá cao. Thực tế luôn gặp những tình huống, những vấn đề phải xử lý không có trong sách vở. Người có khả năng sáng tạo dễ đưa ra được những giải pháp bất ngờ, những ý tưởng độc đáo.

Trả lời cho câu hỏi: tại sao công ty phải chọn anh/chị, con gái tôi vẽ sẵn các mảnh ghép cho bức tranh mozaica (loại tranh vẽ được tạo từ các mảnh ghép) thể hiện công ty: mảnh về những đặc điểm của công ty, mảnh yếu tố thị trường, mảnh đặc thù của nhãn hàng sẽ phụ trách, những khó khăn, những khiếm khuyết của công ty… Bức tranh ghép khá đẹp, với đầy đủ các tính chất, thông tin về công ty, về vị trí công việc … nhưng khuyết một mảnh ở giữa. Khi đươc hỏi tại sao tranh lại khuyết hụt như vậy, cô con gái mới rút trong túi ra mảnh cuối cùng rồi ghép vào: đây là tôi, tôi có những khả năng abc thế này, tôi sẽ giúp công ty giải quyết được những vấn đề, mảng công việc này…

Cách trả lời đã gây ấn tượng mạnh đến những người tuyển dụng và kết quả là được nhận việc. Khả năng sáng tạo được chứng minh bằng ý tưởng, việc làm cụ thể chứ không phải chỉ bằng lời tuyên bố. Nó không chỉ giúp ích cho lần xin việc đó mà còn giúp ích rất nhiều cho công việc về sau. Đó chính là một trong những lợi ích của những năm tháng theo học đàn khi còn nhỏ tại Nga.

Moscow, 26-12-2021

MỘT LẦN GẶP HỎA HOẠN – CÂU CHUYỆN VỀ GIÁO DỤC CỦA NGA

Fb Boristo Nguyen, 22-12-2021

Một đêm mùa đông, năm 2005, khi đang ngủ say thì chó nhà hàng xóm sủa ầm ĩ làm chúng tôi thức dậy. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ thì thấy khói, lửa ngùn ngụt bốc lên từ tầng dưới. Chung cư có hỏa hoạn. Lúc xong chuyện mới biết nguyên nhân là do một bà người Nga hút thuốc, say rượu ngủ để tàn thuốc rơi xuống thảm gây cháy. Nhà bà ở tầng 7, cùng cầu thang, dưới chúng tôi 2 tầng. Mỗi tầng có 4 căn hộ. Tuy ở Nga cửa sổ kính 2 lớp và cửa ra vào bằng sắt bọc da khá kín nhưng khói vẫn từ từ lọt qua cửa vào nhà. Chúng tôi hốt hoảng, vội đánh thức cậu con trai (cô chị lúc này đã đi học xa), vội vàng mặc quần áo ấm. Tôi quyết định, lấy khăn tẩm nước bịt chặt mũi cho mỗi người rồi mở cửa chạy nhanh xuống tầng dưới thoát thân. Tôi sẽ xông ra trước, 2 mẹ con ra theo, nhưng vừa mới hơi hé cửa thì khói đã xộc vào nhà nên phải vội đóng lại. Bên ngoài khói đậm đặc, mù mịt.

Chúng tôi đang hoang mang chưa biết tính tiếp thế nào thì cậu con đang học lớp 2 mới nói: bố mẹ phải lấy nước dội vào các cửa, nền nhà, lấy mút chèn và dán băng dính dọc theo các khe cửa sổ, cửa ra vào để khói không lọt được vào nhà, sau đó mỗi người dùng khăn nhúng nước bịt chặt mũi và ra ngoài ban công đứng chờ cứu hỏa. Cũng may nhà chúng tôi thuê, căn hộ 3 buồng, ban công ở phía đầu hồi, khác hướng với đám lửa và khói bốc lên. Cả nhà đứng ngoài trời mấy tiếng cho đến khi cứu hỏa lên đưa chúng tôi xuống đất an toàn. Đám cháy xảy ra giữa đêm lúc 2-3 giờ sáng, trời mùa đông băng tuyết nhưng chúng tôi không cảm thấy lạnh. Có lẽ cái tâm trạng đứng trước nguy hiểm làm quên đi chuyện rét lạnh?

Cuối cùng thì đám cháy được dập tắt, không ai việc gì. Nghĩ lại, lúc đó mà kéo nhau chạy xuống thì chắc hôm nay đang ngao du ở cõi nào chứ không còn ngồi viết những dòng này. Sau tìm hiểu mới biết, rất nhiều người chết vì khói chứ chưa phải vì lửa. Để khói xộc vào mũi là bất tỉnh. Mấy tháng sau đó kí túc xá một trường đại học ở Moscow cũng xảy ra hỏa hoạn, tổn thất rất nhiều. Kí túc xá này nhà 4 tầng kiểu cũ, hành lang dài dọc theo các phòng nên khói không đậm đặc, hút lên trên như chung cư chúng tôi nhưng vì nửa đêm, sinh viên ngủ say nên bất tỉnh vì khói.

Nhờ trời mà nhà hàng xóm nuôi chó nên đánh thức chúng tôi, và cũng nhờ có sự mách bảo của cậu con mà chúng tôi có một kết thúc tốt đẹp. Tôi hỏi con, sao con biết phải làm như vậy? Con trả lời: ở trường cô giáo dạy.

Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đưa con gái đến trường. Sau lễ khai giảng, phụ huynh được vào dự giờ tiết đầu lớp của con mình. Bài học đầu tiên, cô giáo dạy các cháu cách đi qua đường, nguyên tắc hoạt động của đèn xanh đèn đỏ, những động tác an toàn cần tuân thủ.

Mục tiêu của giáo dục, nội dung chương trình giáo dục phổ thông, dạy gì cho học sinh là những vấn đề phức tạp, có thể có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tôi không có ý định bàn về những vấn đề này ở đây. Tôi chỉ đưa ra ví dụ về những gì nhà trường Nga đã dạy cho trẻ, không biết có gì khác với nhà trường Việt Nam?

Moscow, 22-12-2021

TẠI SAO TÔI LÀM LUẬN ÁN TSKH?

Fb Boristo Nguyen, 20-12-2021

Lẽ ra tôi đã không theo đuổi việc làm luận án TSKH. Phần biết trí lực mình vừa phải, “tri túc chi chỉ” biết mình ở đâu, nên dừng lại khi nào. Phần khác, tôi là người không nhiều tham vọng, danh lợi xét cho cùng cũng chỉ là vật phù du. Ngày trước, như mọi người dạy đại học hay làm ở viện nghiên cứu tôi cũng chỉ mong có suất thi nghiên cứu sinh. Có suất rồi thì cố mà thi cho đỗ. Đỗ và được đi thì làm cho được cái bằng TS (PTS của Nga) rồi về, thế là mỹ mãn. “Giấc mơ con” hợp với cuộc đời con.

Dự định bảo vệ xong sẽ quay về nước đi làm nhưng rồi mình muốn mà trời không muốn. Năm trước khi bảo vệ TS, chúng tôi sinh con thứ 2, không may cháu bị bệnh trật khớp háng bẩm sinh. Quá trình chữa chạy cho đến khi hoàn chỉnh kéo dài mất 2 năm. Thế là kế hoạch phải thay đổi, sau bảo vệ tôi chưa thể về đúng hạn và chấp nhận cơ quan cho thôi việc. Đó là lý do tại sao tôi lại liều làm tiếp bậc 2. Nói là liều vì độ rủi ro rất cao, cơ hội thành công rất thấp. Nhưng một khi đã máu thì bố cháu quyết liều.

Trật khớp háng bẩm sinh là bệnh khá hiếm (1/800-3000 người). Trẻ bị bệnh này bên ngoài không có biểu hiện nhưng nếu không phát hiện kịp thời và chữa khỏi thì sau bị khèo, đi lại khó khăn. Ở Nga, tất cả trẻ đầy tháng đều được đưa đi khám kiểm các chuyên khoa để đánh giá hiện trạng sức khỏe, có gì không bình thường thì còn kịp chữa chạy. Ở phòng chuyên khoa chỉnh hình bà bác sĩ khám không thấy dấu ngấn ở mông nên nghi và cho đi chụp phim. Kết quả đúng như dự đoán. Thế là suốt 2 năm trời, năm đầu tuần đôi ba lần đưa con đi chữa chạy, sau thưa hơn. Chạy điện/vật lý trị liệu, massage chữa bệnh… và dùng thanh nẹp ngang buộc 2 đầu với cổ chân để cố định. Tùy theo tiến triển mà lâu lâu lại tăng độ dài của nẹp. Con khổ, bố mẹ cũng chẳng sướng gì. Bạn thử hình dung bị nẹp như vậy cả năm thì khó chịu thế nào? Đấy là chưa nói đến làm sao mặc quần, rồi lúc còn bé tắm cho con trong chậu, cả đầu và chân phải nâng cao trên mặt nước?

Với sự chữa trị tận tình của bà bác sĩ chỉnh hình và các nhân viên y tế khác, những người đầy tâm đức, con chúng tôi đã hoàn toàn khỏi, đi lại bình thường. Việc chữa chạy thành công mỹ mãn, chỉ bằng phương pháp kích thích tự nhiên mà không qua phẫu thuật.

Toàn bộ việc chữa bệnh là miễn phí, gia đình thích thì cảm ơn chứ không ai đòi hỏi. Chuyện xảy ra cuối những năm 90, khi nước Nga khó khăn thế nào chắc mọi người cũng đã biết.

Hỏi làm sao tôi không yêu và biết ơn nước Nga?

TRÒN 20 NĂM NGÀY BẢO VỆ LUẬN ÁN TSKH

Fb Boristo Nguyen, 17-12-2021

Đúng ngày này 20 năm trước, 17-12-2001, tại Viện Truyền tin, Viện HLKH Nga, tôi đã bảo vệ luận án TSKH. 25 GS TSKH có mặt, thành viên hội đồng, đứng đầu là viện sĩ N.A. Kuznetsov đã bỏ phiếu thuận 100%, công nhận luận án đủ trình độ học vị TSKH. Đây là lần đầu tiên có người nước ngoài bảo vệ tại Viện Truyền tin, trước đó tôi cũng chỉ đôi lần đến trình bày seminar tại viện. Mã ngành 05.13.17 – Cơ sở lý thuyết của Tin học. Tên đề tài: Các mô hình Markov của hệ thống phục vụ đám đông với 1 máy chủ (server) và bộ nhớ có dung lượng hữu hạn.

Đây là ngày kết thúc chặng đường 8 năm dài, 4 năm làm TS và 4 năm làm TSKH, chặng đường vô cùng vất vả, vừa học vừa phải lo kiếm sống, rồi chữa bệnh cho con. Dù việc làm luận án là mục tiêu số một nhưng trong những năm 90x khó khăn của nước Nga, không thể tồn tại nếu không kiếm sống, mà không tồn tại thì đừng nói đến chuyện làm khoa học. 4 năm cuối là khoảng thời gian lúc nào cũng cảm thấy hụt hơi, chạy đua với thời gian cho kịp thời hạn nộp bài hội nghị, đủ bài đăng báo.

Bảo vệ thành công, trong lòng cũng có một chút tự hào: là người có trí óc không có gì đặc biệt, không bằng một số bạn bè nhưng bằng sự nỗ lực hết mình, tôi đã thực hiện được mục tiêu đặt ra cho mình. Và tôi nghĩ: khi con người rất muốn một cái gì đó và quyết tâm đến cùng để thực hiện thì chắc chắn sẽ đạt được. Đó là kinh nghiệm bản thân, và cũng là niềm tin của riêng mình.

Tôi không nhớ, hôm bảo vệ có hoa hay không? Nếu có chắc cũng chỉ hai ba bông cắm trong lọ nhỏ.

Nhưng tôi nhớ một chi tiết nhỏ. Theo truyền thống, sau khi Chủ tịch Hội đồng tuyên bố bảo vệ thành công, nói lời chúc mừng người bảo vệ lên phát biểu lời cuối cùng. Tôi cám ơn Hội đồng, cám ơn những người thày đã từng giúp đỡ… và sau đó tôi đã nói thế này: “Hôm nay, giáo sư Ushakov (khoa VMK/Toán học tính toán và điều khiển học, MGU, 1 trong 3 phản biện chính) có đưa ra câu hỏi và được nhiều người quan tâm: liệu những mô hình tôi đưa ra phức tạp như vậy có thể ứng dụng và đem lại hiệu quả gì trong thực tiễn?* Tôi đã đưa ra câu trả lời và được hội đồng chấp nhận. Giờ xin nói thật: những mô hình tôi đưa ra chẳng có một ứng dụng gì cả, trừ một điều duy nhất. Giờ này, cách xa cả vạn cây số, cha mẹ tôi đang ngóng chờ tin con trai mình bảo vệ. Bảo vệ thành công, đó là món quà tặng bố mẹ tôi, là niềm vui đối với họ. Tôi đã chứng minh là con của họ có thể làm được những điều gì đó. Bây giờ là thời buổi vô cùng khó khăn, khoa học là điều xa xỉ, tôi không biết ngày mai mình có thể đi tiếp con đường khoa học nữa hay không nhưng hôm nay tôi đã làm được một điều có ý nghĩa với tôi, tặng được một món quà tặng tinh thần cho cha mẹ“.

Viện sĩ Kuznetsov, Chủ tịch Hội đồng nói: “Phong, đây mới thực là câu nói hay nhất của cậu ngày hôm nay.

Mới đó mà đã 20 năm!

* Mã ngành 05.13.17 có thể bảo vệ theo nhóm ngành Toán-Lý hay Khoa học-Kỹ thuật. Về cơ bản yêu cầu như nhau, chỉ khác nhau nếu bảo vệ theo KHKT thì ngoài lý thuyết, chạy chương trình kiểm nghiệm thuật toán còn phải có xác nhận kết quả được đưa vảo ứng dụng thực tế.

Thông báo bảo vệ
Ảnh chụp buổi bảo vệ
Bằng TSKH

TÔI ĐI HỘI NGHỊ Ở ĐỨC – NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ

Fb Boristo Nguyen, 08-11-2021

Hôm rồi, Moscow trời mù mịt vì sương mù, “tầm nhìn xa” chắc chỉ dư trăm mét. Bao năm mới có đợt trời mù như vậy, tôi lại nhớ đến chuyến bay bão táp từ Berlin về Moscow cũng cùng khoảng thời gian, năm 1987. Năm đó, Moscow và nhiều thành phố khác sương mù còn nặng hơn nhiều và kéo dài ngày …

Tháng Mười năm 1987 tôi được cử đi dự hội nghị khoa học về đưa Tin học vào nhà trường phổ thông. Hội nghị tổ chức tại Halle, Đông Đức, dưới sự bảo trợ của SEV và Viện HLKH CHDC Đức. Vé máy bay, ăn ở do nước chủ nhà tài trợ. Mọi thủ tục, đặt vé máy bay và nhất là liên lạc với bạn đều phải qua Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục. Dạo đó chưa có đường bay thẳng, tôi phải bay transit qua Nga, dừng lại ở Moscow 2 ngày.

Chuyển bị và lên đường. Đó là những năm vô cùng khó khăn, mỗi người đi công tác nước ngoài đều cố gắng mang hàng sang bán rồi dành dụm mua đồ về. Tôi cũng vậy. Cái khó là tiền không có. Lương ba cọc ba đồng, vợ chửa bục mặt mà vẫn phải ngồi xe chồng đèo đi dạy thêm tiếng Nga với thù lao không đáng kể. Chạy quanh khắp nơi vay người thân được 2-3 chỉ vàng, bán đi mua cũng được ít son phấn, phông cành mai, áo cá sấu, đôi quần bò Thái. Dạo đó, tôi cũng bắt trước mọi người mua theo chứ đâu đã có ý thức về hàng thật, hàng nhái. Sau này nghĩ lại, toàn là hàng rởm. Được cái thời đó Liên Xô thiếu hàng, thật rởm mua tất. Có cậu em con bà cô mới đi Nga về còn thừa cho mượn mấy cái đồng hồ. Thấy bảo đồng hồ gắn 12 hạt đá quí, mang sang Nga bán chạy lắm. Hàng tôi mang vừa phải, không đến mức phải độn một đống áo phông, mặc mấy quần bò như nhiều người khác. Tuy vậy, mỗi lần qua cửa hai quan cũng là một lần thót tim. Nhưng rồi đều trót lọt, cả ở sân bay Nội Bài lẫn Sheremetevo. Chỉ buồn sang đến nơi, về đến nhà người anh đang làm NCS ở Moscow, đồng hồ chiếc thì kim bị kẹt không chạy, chiếc thì đá rụng, không bán được. Chán hẳn.

Đến Đức, bơ vơ không ai đón. Hai hôm sau tôi để đồ lại nhờ người anh giải quyết giúp rồi bay tiếp đi Đức. Theo kế hoạch khi đến Berlin bạn sẽ đón tại sân bay rồi đưa đi tiếp Halle, người của Vụ Hợp tác quốc tế nói với tôi như vậy.

Bay đến nơi, xong thủ tục biên phòng tôi ra ngoài tìm người đón. Nhìn quanh, hỏi lung tung cũng chẳng thấy ai đón nên cũng bắt đầu lo. Chờ cả tiếng vẫn chẳng ai đến đón. Hai ba tiếng sau cũng vậy. Lúc này thì lo thật sự. Tiền không có, địa chỉ liên lạc cũng không, lại đất khách quê người. Sau một hồi định thần, tôi mới đi tìm cuốn sách vàng tra cứu thông tin, tìm được địa chỉ đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Nghĩ lại mới thương các bạn trẻ từ các vùng quê sang Nga kiếm ăn cùng cảnh ngộ. Xuống sân bay không ai đón, không biết đi đâu về đâu, tiếng tăm không biết, ngơ ngơ ngác ngác.

Có được địa chỉ đại sứ quán, tôi đi bus vào thành phố rồi đi tiếp tàu điện về đại sứ quán. Tất nhiên là đi lậu vé vì không có tiền. May mà trót lọt, không bị kiểm tra.

Đến được sứ quán, nghĩ như về được nhà đã mừng. Nhưng không hẳn vậy. Hôm đó chiều thứ 7, sứ quán vắng tanh, bấm chuông gõ cửa mãi mới có người ra mở cổng. Người mở cửa là anh X, lâu ngày không nhớ tên, chỉ nhớ anh phụ trách về khoa học hay văn hóa gì đó của đại sứ quán. Tôi trình bày hoàn cảnh, nhờ giúp đỡ. Nói mãi mà anh vẫn lắc đầu: sứ quán không thể giúp được gì. Đường cùng, tôi chơi bài Chí Phèo. giở hộ chiếu và chỉ vào trang đầu mà nói: Đây này, trong hộ chiếu có ghi rõ nhà nước yêu cầu các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm giúp đỡ công dân mình. Ở đời, gặp người rơi vào hoàn cảnh cơ nhỡ, là con người người ta còn giúp đỡ nhau. Tôi là cán bộ nhà nước đi công tác, không may như vậy các anh lại không giúp, giờ tôi biết đi đâu về đâu?. Nghe vậy anh X đổi giọng. Anh nói: có rất nhiều cán bộ từ trong nước sang do làm ăn tắc trách ở nhà mà bị rơi vào hoàn cảnh như tôi, sứ quán không có tiền để giúp hết mọi người. Anh rút 10 mác đưa tôi và bảo là tiền cá nhân coi như anh giúp, biếu tôi. Tôi nói: em sẽ nhất định quay lại trả anh. Sau đó anh dẫn tôi đi tàu điện về nhà khách sứ quán. Tôi cảm động và coi anh là ân nhân của mình.

Hú hồn.

Nhà khách sứ quán, đội quân chuyên gia châu Phi. Đến được nhà khách sứ quán là yên tâm. Thời kì này, nhà nước cho phép các cơ quan làm kế hoạch 3. Đại sứ quán cũng vậy, họ cho người ngoài thuê, mỗi tối 3 mác, 4 người một phòng. Hôm đó, nhà khách đông kín người, toàn dân chuyên gia châu Phi qua tá túc. Tôi được phân vào phòng ở cùng với mấy bác chuyên gia Algeria. Họ tranh thủ ngày nghỉ kéo nhau sang Đông Âu, ròng ròng qua mấy nước vừa đi chơi vừa kết hợp buôn. Toàn các trí thức có hạng của Việt Nam. Thương các cụ có tuổi mà vẫn phải đi xa nhà, lọ mọ kiếm ăn.

Mọi người đón tiếp tôi vui vẻ, coi như cùng hội. Tôi vẫn nhớ chuyện trao đổi với một giáo sư nổi tiếng của bệnh viện 103. Cụ say sưa kể về tác dụng của việc học đàn piano. Các con cụ đều cho học đàn nghiêm chỉnh dù không đứa nào theo nghề nhạc. Cũng vì ấn tượng bởi câu chuyện này, vài năm sau khi quay lại Nga chúng tôi đã cố gắng cho các con mình theo học trường nhạc, dù đó là thời khó khăn, loạn lạc của nước Nga. Và đúng là việc học đàn giúp ích rất nhiều trong đời.

Ngày chủ nhật tôi tranh thủ đi chơi thành phố. Berlin cũng không có gì đặc biệt. Sáng thứ 2, vừa ăn sáng xong thì có người gõ cửa vào nhà khách và hỏi oang oang: các bác cho hỏi bác nào từ Việt Nam sang dự hội nghị? Khi mọi người chỉ tôi, cậu ấy trố mắt: Việt Nam mình giờ tiến bộ nhỉ, cho cả người trẻ như anh đi dự hội nghị nước ngoài? Khi ấy tôi cũng đã 30 tuổi. Lúc sau quen trở nên thân tình, tôi mới hỏi: sao lại hỏi vậy? Cậu trả lời: lâu nay em thấy ở nhà đưa sang đây toàn các cụ chuyển bị về hưu, cho đi một chuyến dối già.

Cậu người tên là Hà, trước học ở Đức rồi lấy vợ và ở lại. Hà làm cho trung tâm phiên dịch Berlin, được ban tổ chức hội nghị thuê đón tôi. Hà nói, phía Đức chẳng thấy đầu Việt Nam thông tin về ngày giờ sang, may có anh ở ĐSQ gọi điện thông báo nên họ mới biết. Thôi thì Việt Nam mình nó thế, biết làm sao được?

Hội nghị ở Halle, được mua áo lông. Hà đưa tôi ra ga, mua vé và tiễn tôi, hẹn gặp lại khi quay về Berlin. Tàu đến Halle, vừa xuống tàu thì một cậu Hà khác đã đứng sẵn, đón và đưa tôi về nơi nghỉ. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, nói chung là suôn sẻ. Việt Nam lúc đó cũng mới đi những bước đầu tiên trong việc đưa Tin học vào nhà trường. Mọi cái đang còn manh nha, khởi đầu. Qua hội nghị, tôi cũng hiểu và biết thêm về việc đưa Tin học vào nhà trường của các nước Đông Âu, như một môn học và như công cụ dạy học. Báo cáo của tôi cũng được mọi người quan tâm, được đề cử vào nhóm điều phối về việc đưa Tin học vào nhà trường, được mời dự hội nghị năm tiếp theo tại Sophia, Bulgary. Nhưng đấy không phải là chuyện muốn nói ở bài viết này.

Ngày thứ hai của hội nghị, lúc giải lao, một người của ban tổ chức bảo tôi cùng đi vào trung tâm. Hà cũng đi cùng. Anh bạn người Đức đưa tôi vào siêu thị, kiểu như cửa hàng Bách hóa tổng hợp của thành phố. Anh nói, ban tổ chức tặng, cho phép tôi mua một món quà nhưng không quá 500 mác. Chỉ được mua một thứ. Cửa hàng rất lớn, quần áo, dày dép đủ loại. Hà nói với tôi: anh cứ mua 2 cái áo lông màu cứt ngựa, mỗi cái hơn 90 mác, cái để mặc, cái mang về Việt Nam bán. Thời đó, áo lông Đức đang mốt, nếu nhớ không nhầm mỗi cái khoảng nửa chỉ vàng. Tôi nói: sao bảo chỉ được mua một thứ thôi mà? Hà nói: em thấy Việt Nam mình sang đây ai cũng vậy, nì nèo một lúc họ cũng thông cảm, có người còn làm 3 cái. Nghe cũng thích nhưng tính tôi cả đời không thích xin ai nên không theo, chỉ mua một cái áo khoác lông màu sáng, gần 200 mác.

Khi trả tiền xong anh bạn người Đức mới nói với tôi: cám ơn ông, ông là người Việt đầu tiên đã không làm khó cho tôi. Vừa cảm thấy mình được tôn trọng nhưng cũng cảm thấy tủi cho người Việt mình.

Trở lại Berlin. Bất ngờ gặp lại Bob, cậu bạn cùng phòng thời sinh viên. Hết hội nghị tôi quay lại Berlin. Hà đón tôi và đưa về nghỉ tại khách sạn Alexanderplatz. Khách sạn nằm ngay tại quảng trường trung tâm Alexander. Thời đó, được ở khách sạn này là hơi bị sang. Nhận phòng, rửa mặt xong tôi xuống sảnh khách sạn khách sạn để gọi điện thoại cho người đến nhận quà. Đang gọi thì nghe thấy giọng nói quen quen ở cabin bên cạnh, ngờ ngợ mà không nhớ giọng của ai. Gọi điện thoại xong, tôi ngó qua thì người bên kia cũng ngó lại. Ôi Bob!. Ôi Phong! Sao mày lại ở đây? Thế là chúng tôi ôm chầm lấy nhau.

Bob sống cùng phòng với tôi 2 năm cuối, sau 6 năm tình cờ gặp lại nhau tại Berlin. Quá thật bất ngờ. Hỏi thăm nhau vài câu, Bob vội kéo tôi ra xe và đưa về nhà chơi. Dọc đường, Bob cho xe dừng lại và tạt vào một cửa hàng bách hóa tổng hợp. Bob cứ hỏi: mày thích gì? Vợ mày thích gì? Tao mua cái này cho con mày nhé? Bob vơ vội vơ vàng một đống đồ, bảo: tao mua tặng mày. Hôm đó là chiều thứ 6, cửa hàng sắp đóng cửa, ngày nghỉ ở Đức tất cả đều không làm việc. Sau đó, Bob đưa tôi về nhà, giới thiệu vợ: có nhớ cô này không, trước đây chắc mày đã gặp? Thấy tôi hơi ngơ ngác, Bob bảo: đây là cô vợ hai. Cô ngày trước hay sang phòng bọn mình là vợ đầu, bỏ tao rồi.

Bob người Armenia, dân khoa Anh, rất giỏi buôn bán. Thời sinh viên hắn cưa được cô người Đức sang thực tập tiếng bên trường Tổng hợp. Được một năm, cô bạn quay về Đức và hắn thường xuyên qua đó. Mỗi lần lại thấy hắn gói gém mấy cái tranh thánh rất kĩ để mang đi, tôi cũng không hiểu để làm gì. Thời Liên Xô, tôn giáo không được hoan nghênh, nhiều nhà thờ gần như bỏ hoang nên việc kiếm tranh thánh chắc không khó. Giờ nghe kể mới hiểu là ngay từ thời đó hắn đã biết buôn tranh thánh. Bob đi trước thời đại rất nhiều năm. Giờ tranh thánh giá vô cùng đắt, không biết bao nhiêu mà kể.

Bob kể: tốt nghiệp rồi tao sang Đức, cưới cô vợ mà mày biết. Thời đó mấy ai biết buôn bán, nhất là buôn tranh thánh, ngạch hàng độc này. Tao giàu lên nhanh chóng, chắc cũng thuộc diện giàu nhất Berlin. Nhưng là thằng nước ngoài mà giàu quá thì dễ bị gen ghét, đố kị. Tôi hỏi: tưởng chỉ dân châu Á bọn tao mới có tính đố kị? Bob nói: không, dân Đức cũng vậy thôi. Khi chưa giàu thì không sao, giàu lên là hàng xóm nó ghét, rồi nó báo chính quyền. Mà chính quyền cũng đểu, lúc đầu họ không sờ đến, coi như không có chuyện gì rồi đến lúc đủ béo là họ đến thu tất. Bob bị tịch biên tài sản, đi bóc lịch một thời gian, vợ bỏ. Mất tất. Nhưng Bob giỏi, ra tù lấy vợ rồi làm lại từ đầu. Giờ kinh tế cũng khá. Bob nói, tao bây giờ khôn rồi, mọi thứ kín đáo chứ không phô trương như trước.

Sau đó vài tháng, qua người quen đi công tác Bob còn gửi đôi dày tặng con gái đầu lòng mới sinh của chúng tôi.

Chiều đông năm 1993, một lần trên đường về nhà tôi lại tình cờ gặp Bob trong tàu điện ngầm. Hai thằng đi với nhau mấy bến rồi chia tay. Hắn cười nói: tao bây giờ đổi nghề sang làm chuyên gia lobby rồi. Bob còn nói, dân Việt bọn mày bên Đức mafia quá, báo chí đưa tin rất nhiều. Bob sang Nga công chuyện, trước khi về tranh thủ tạt qua nhà thăm người họ hàng. Tiếc là gặp nhau vội vã, lúng túng thế nào mà không ghi lại điện thoai của nhau nên từ đó mất liên lạc.

Đúng là trái đất nhỏ thật!

Uống cà phê ở Posdam. Thứ 7, Hà đến đón tôi đưa đi chơi Posdam, thành phố cách Berlin không xa. Posdam nhỏ nhưng rất đẹp, cả thành phố như một công viên với khá nhiều lâu đài. Chúng tôi thăm cung điện Sanssouci, dạo công viên, ruộng nho bậc thang. Lúc này mua thu đang ở giai đoạn rực rỡ. Tôi đặc biệt ấn tượng mùa thu vàng ở đây. Sau đó Hà đưa tôi đi thăm lâu đài Cecilienhof nơi năm 1945 diễn ra hội nghị Posdam. Lãnh tụ 3 nước Đồng minh Anh, Mỹ, Nga: Churchill, Truman và Stalin đã ký kết hiệp định phân chia nước Đức, kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2. Tôi vẫn nhớ cái gian phòng với bàn họp tròn và cái ghế Stalin ngồi mà người ta nói với tôi về sau có người hâm mộ dã khoét trộm đi một miếng.

Thăm quan xong, Hà rủ tôi vào quán ăn trưa rồi uống cà phê. Quán nằm ngay tại lâu đài. Vào quán, xem menu tôi thấy hoa cả mắt vì toàn món rất đắt. Hà nói: quán này đắt vì phục vụ cho dân nhà giàu, nhưng anh đừng ngại. Tiền của viện HLKH Đức, chúng ta được tiêu thoải mái nhưng không được lấy tiền mang về. Xem menu, nhờ Hà giải thích qua tôi lấy đại một hai món rẻ nhất. Vẫn nhớ cái món súp trong cái cốc nhỏ được giới thiệu là làm từ sữa chim, giá 27 mác. Đắt thế chắc là quí và ngon lắm. Húp xoẹt cái là hết, cũng chẳng có gì đặc biệt, tựa như món súp nước gà ninh. Cứ tiếc, 27 mác này giá mà được đổi sang mua vài cái xích xe đạp, mang về nhà bán thì có thêm ít tiền nuôi con.

Dân Việt mình thời đó ra nước ngoài khổ thế đấy.

Berlin-Moscow, chuyến bay bão táp. Tạm biệt nước Đức tôi bay về nước, transit qua Moscow. Đáng lẽ bay từ đầu giờ chiều mà chờ mãi mới được bay. Bay đến nơi thì trời đã tối đen. Máy bay cứ vòng đi vòng lại mãi mà không hạ cánh. Hành khách không hiểu vì sao mãi đến khi mọi người bắt đầu hoang mang, nhốn nháo thì mới được thông báo là do trời mù, báy bay phải hạ cánh xuống sân bay Leningrad. Máy bay hạ cánh, phải gần 2 tiếng sau mới được rời máy bay để xe đưa vào sân bay. Trước đó các cô tiếp viên hàng không đi phát cho mỗi người một quả táo. Sau mới biết chờ lâu vậy là vì trời mù rất nhiều máy bay phải bay dạt về Leningrad. Nghe nói có đến hàng trăm chiếc. Vào được đến sân bay thì thấy cả biển người chen chúc, Tất cả tê liệt trừ bộ phận biên phòng. Biên phòng cho qua rất nhanh, mỗi người chắc không đến một phút. Họ chỉ lật nhanh hộ chiếu, xem mặt rồi đóng dấu cho qua. Hải quan thì biến mất, không một bóng người. Trời rét, hàng quán thì không, chúng tôi vật vạ hơn một ngày trời, vừa rét vừa đói khát. Không có tiền mang theo như tôi đã đành, người có tiền cũng vậy, chẳng có gì mà mua. May có quả táo chống đói được đôi chút.

Hơn một ngày trời, nửa đêm ngày hôm sau thì thấy xe bus ùn ùn từ thành phố đi tới để đưa mọi người ra ga tàu hỏa. Dân tình chen đạp nhau để lên xe, đến ga lại chen nhau lên tàu. Không rõ sẽ có mấy chuyến nhưng ai cũng sợ không có chuyến sau nên đều cố chen để lên được chuyến tàu đầu tiên. Tôi cũng nhanh chân chiếm được một chỗ tầng 2 trong khoang 6 người. Tàu Liên Xô thời trước, muốn có ga trải giường, vỏ chăn gối phải mất tiền 1 rub. Vì không có tiền nên tôi không có chăn đệm. Tôi nói với cô tiếp viên: đây là lỗi của hàng không, các cô có thể cho tôi chăn đệm được không? Cô trả lời: hàng không là chuyện của hàng không, đường sắt là đường sắt, chúng tôi không chịu trách nhiệm của hàng không. Đành phải chịu. Thế là tôi mặc nguyên quần áo dài, leo lên giường nằm co ro, vừa đói vừa rét. Cùng khoang với tôi và khoang bên cạnh là nhóm vận động viên của đổi tuyển trượt tuyết Liên Xô mới đi tập huấn nước ngoài về. Họ giở đồ hộp, bánh mì ra ăn và mời tôi ăn cùng. Vừa đút vào mồm miếng bánh mì phết trứng cá thì miệng muốn ói, phải chạy vội ra toilet rồi nôn thốc nôn tháo. Nôn toàn ra mật xanh mật vàng, nôn khô vì trong bụng có gì đâu mà nôn. Có lẽ vì quá đói, vì mùi tanh của trứng cá nên bị như vậy. Thấy vậy, mấy cậu người Nga mua cốc chè đường nóng bảo tôi uống, một hồi sau mới đỡ mệt.

Về đến Moscow, tôi nghỉ lại mấy ngày tại phòng kí túc xá của người anh tại trường hóa Medelev, vừa lo mua hàng đóng gói, vừa rình khi có chuyến thì bay về. Đợt ấy Moscow trời mù mịt, kéo dài cả tuần, lâu lâu mới có một vài chuyến bay thoát. Không hiểu vì thỉnh thoảng có lúc sương tan hay họ có những công nghệ làm tan sương. Cuối cùng thi tôi cũng bay về được Việt Nam an toàn.

Có lẽ thu hoạch lớn nhất của chuyến đi là tôi mua và mang về được hơn chục hộp sữa Similac, chuẩnn bị cho cô con gái đầu lòng sắp ra đời.

Moscow 08-11-2021, cuối thu năm Covid thứ 2.

RẨY ĐẦM

Nhảy đầm kém thiếu văn minh.

Là quên Tổ quốc, là khinh ông bà.

Nhân comment của Mai Xuân Lộc trong note “BẠN BÈ THỜI ĐẠI HỌC” có nhắc đến Tuấn thỏ, người bạn cùng khóa đã mất, tôi lại nhớ đến một kỉ niệm nhỏ với Tuấn.

Năm 1975 bọn tôi sang Liên Xô, học một năm dự bị tại Kishinev. Ở Liên Xô tôi chưa thấy nơi nào người Việt đông và chăm học như tại tổng hợp Kishinev. Không khí thi đua học tập cao đến mức mà bị điểm 4 (khá) cũng có thể đã bị đưa ra chi đoàn nhắc nhở vì làm ảnh hưởng thành tích của đơn vị. Chẳng bù cho sau này khi về Varonezh, hay nhiều nơi khác mà tôi đã từng đến, chơi toàn tập, bỏ học là chuyện bình thường. Có lẽ vì vậy KGU có hội cựu sinh viên rất mạnh và nhiều người thành đạt.

Một năm học tiếng tại Thanh Xuân do phương pháp dạy học quá cũ, nặng về ngữ pháp mà thiếu thực hành nên tiếng Nga của chúng tôi đa phần vẫn ú ớ. Nói không được, nghe cũng không. Phần vì nhu cầu tự thân cần biết tốt tiếng Nga, phần vì không khí đua nhau học tập nên suốt năm dự bị chúng tôi chỉ lo học. Đây là năm học hành nghiêm chỉnh nhất trong quãng đời đại học của tôi.

Hết khóa dự bị, trước khi chuyển đi các thành phố khác chúng tôi được đi nghỉ cách không xa Kishinev. Lần đầu tiên trong đời được đi nhà nghỉ, cơm ngày 3 bữa, chơi cả ngày lại còn được đi thăm quan nên ai cũng thích. Có nhiều điều tôi vẫn nhớ về kì nghỉ này nhưng nhớ hơn cả là chuyện nhảy đầm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được biết thế nào là nhảy đầm, văn hóa của tây.

Tối tối, ngay dưới sân nhà chúng tôi ở người ta tổ chức nhảy đầm. Nhạc nổi lên, dân tình bắt đầu nhảy. Khi thì nhạc mạnh disco, trống đánh rầm rầm, lúc lại nhạc trữ tình êm ái hay những điệu valse quyến rũ. Lúc nhạc mạnh dân tình lắc người, đánh mông, theo tiếng trống, tiếng đàn chát xình chát bùm bùm, lúc thì các đôi lướt xoay vòng theo những điệu valse hay đơn giản là đứng ôm nhau lắc lư. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác khi nghe bản nhạc Valse trắng, nhìn những cô thiếu nữ đi mời các bạn trai nhảy. Bài hát mới hay làm sao, cả lời lẫn nhạc.

Музыка вновь слышна / Nhạc lại vang lên

Встал пианист и танец назвал / Người nghệ sĩ dương cầm đứng dậy và gọi tên điệu nhảy

И на глазах у всех  / Và trước mặt mọi người

К вам я сейчас иду через зал. / Em đi qua gian phòng, tiến lại phía anh

Припев: / Điệp khúc

Я пригласить хочу на танец / Em muốn mời anh cùng nhảy

Вас, и только Вас / Muốn mời anh, và chỉ mời anh thôi

И не случайно этот танец вальс / Không phải tình cờ đây là điệu valse

Вихрем закружит белый танец / Điệu valse trắng quay cuồng như cơn lốc

Ох, и услужит белый танец / Và điệu valse trắng này sẽ giúp

Если подружит белый танец нас. / Sẽ giúp chúng ta kết bạn với nhau

Вальс над землей плывет / Điệu valse trôi bồng bềnh trên mặt đất

Добрый, как друг и белый, как снег / Hiền như người bạn, và trắng như tuyết

Может быть, этот вальс / Và có thể chính điệu valse này

Нам предстоит запомнить навек. / Sẽ làm chúng ta nhớ mãi suốt đời

Nhưng

Tất cả đấy chỉ là cho tây. Người Việt không một ai ra sân nhảy. Không phải vì không thích mà đơn giản là nếu ra nhảy thì chỉ sau vài hôm sẽ có vé về quê với mẹ. Mà là vé miễn phí, không mất tiền. Mọi người đều thích nhưng sợ không một ai dám. Giờ nhớ lại cảnh lúc đó thấy cũng buồn cười. Dưới sân thì dân tình nhảy múa, phía trên cửa sổ các phòng lố nhố đầu người Việt, ở cửa ra vào thì một tốp người Việt chen nhau đứng nhìn xem người ta khiêu vũ. Mấy bà già tây phục vụ cứ động viên: chúng mày ra nhảy đi chứ, vui mà. Nhưng mọi người đùn đẩy nhau, không ai dám ra. Mấy bà già trố mắt không hiểu làm sao.

Bạn cứ thử hình dung cái cảnh một bên những chàng trai Việt ở độ tuổi đôi mươi, sức sống hừng hực phải tự giam mình trong nhà, bên kia là mọi người đang khiêu vũ, những cô gái Nga da trắng mắt nâu đang ở tuổi đang xuân xinh đẹp, váy áo thướt tha. Thích lắm chứ, và cũng thèm lắm chứ, nhưng cho kẹo cũng không dám bước qua … rặng mồng tơi.

Hai hôm sau, lúc đang đi chơi thì Tuấn Thỏ bảo tôi: bọn tao có máy cát xét, lại có mấy băng nhạc Sài gòn hay bọn mình thử rủ mấy đứa Nga đi nhảy? Tôi nói, sợ bỏ mẹ, lỡ đơn vị biết thì chết. Tuấn bảo, đi xa xa một chút, quanh khu nhà nghỉ là rừng, không ai biết đâu. Ok, tôi đồng ý. Không nhớ bằng cách nào, chúng tôi mời được hai ba em che chẻ đồng ý, thế là cơm tối xong mấy thằng nháy mắt rủ mấy em đi nhảy. Cạnh nhà nghỉ của chúng tôi là trại hè thiếu nhi, tiếp theo là rừng. Cẩn thận, chúng tôi đi quá trại hè, dừng lại tại bãi cỏ đầu bìa rừng, bật nhạc lên rồi nhảy. Cũng dậm chân lắc mông, cũng ôm nhau quay tròn hay đứng yên lắc lư theo nhạc. Chỉ có điều, trên nền nhạc vàng. Toàn những bài kiểu

Thành phố buồn

Nhớ không em

Cơn gió chiều

Lạnh buốt tâm hồn

Hay

Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! Bang! 

Anh bắn ngay em: Bang! Bang!
Em ngã trên sân: Bang! Bang!

Mấy hôm sau đó, cứ sau cơm tối là ba thằng* bọn tôi lại lẻn cùng mấy cô kéo nhau ra rừng … rẩy đầm. Rẩy say sưa trên nền nhạc … vàng.

Sau đợt đó tôi chuyển về Varonezh còn Tuấn chuyển về Kiev, từ đó hai thằng không gặp lại nhau. Chỉ buồn là hắn mất sớm. Nhớ về Tuấn lại nhớ về kỉ niệm của một thời tuổi trẻ.

* Người thứ 3 do lâu ngày tôi không nhớ rõ, có lẽ là Sơn trường Rừng.

Moscow, 23-9-2021

Mùa thu năm covid thứ 2

BẠN BÈ THỜI ĐẠI HỌC

Fb Boristo Nguyen, 21-09-2021

Thời tôi học Varonezh có 8 trường đại học. Người Việt học tại các trường: Sư phạm, Rừng, Tổng hợp và Công nghệ. Sau vài năm có thêm trường nghề bên kia sông. Trường Sư phạm người Việt chỉ có 2 khóa, khóa tôi và khóa trên một năm, học các khoa Toán-lý, Anh văn và Địa. Nói chung mọi người đều hiền lành, sống với nhau tử tế, duy chỉ có một điều, nam nữ ít giao lưu, qua lại. Trường hơn 40 người mà chỉ có một đôi sau này thành vợ thành chồng. Giờ nghĩ lại cũng chẳng rõ vì sao? Vì chị em thì lo học hành phấn đấu còn anh em ở tuổi mải chơi mải nghịch, chưa có ý thức … cưa các bạn gái? Tôi không biết.

Note này viết riêng về cánh nam giới, những người bạn thời sinh viên của tôi. Viết về cánh đàn ông thì ba lăng nhăng thế nào cũng được. Viết về chị em thì phải dày công, cẩn thận không dễ bị mắng, kể cả khen mà khen không đúng … ý các nàng, hehe.

Nam giới chúng tôi ở cùng một kí túc dành cho sinh viên nam. Cả thảy có 15 người.

Nhiều tuổi nhất là anh Vụ, đơn vị trưởng, hiệu trưởng cấp 2 đi học. Anh kể: tao tảo hôn, lấy vợ sớm khi còn ít tuổi nên khi cưới đã biết gì đâu. Cha mẹ bảo lấy vợ để nhà có thêm người làm. Không biết gì nhưng anh cũng kịp có 3 cô con gái, đi học xa một mình vợ ở nhà nuôi con. Anh nói: khi lấy thì chẳng yêu đương gì, nhưng sau nhiều năm tình cảm mới xuất hiện, thương vợ vất vả vì chồng con. Tưởng có 3 cô gái rượu thế là đủ ai ngờ sau lần về phép vợ lại sinh thêm con gái, thế là tứ nữ bất bần.

Thời chúng tôi nhiều người đá bóng khá, nhưng đá hay hơn cả có lẽ là Thuận Hòa và Hòa Bình. Thuận Hòa học khoa Địa, người to khỏe, có kĩ thuật khá và đá tiền vệ. Hòa có khả năng nhìn và đá bao sân tốt. Các lần đá giải sinh viên thành phố Hòa là một trong mấy cầu thủ chủ chốt. Trần Hòa Bình thì đá tốc độ, rê khéo. Khéo đến nỗi mà có lần một mình một bóng, mình tựa lừa mình để ngã gãy chân bó bột cả tháng. Hòa Bình vốn là dân A0, chuyên toán Tổng hợp, nhưng những năm đi học trong người chỉ có mấy cuốn vở 2 xu (vở tập viết cho trẻ lớp 1), ghi cho đủ các môn. Hắn rất chăm đi thư viện, không phải để học mà để đọc báo thể thao: Bóng đá- Hockey, Thể thao Sô viết. Kết quả của mấy năm đại học kiến thức về toán có vẻ không hơn so với thời phổ thông nhưng ngược lại biết rất nhiều về thể thao. Cầu thủ thế giới ai cặp bồ với ai, bị ghẻ ở đâu hắn thuộc rành rành. Chính vì vậy mà hắn bỏ nghề, chuyển sang làm bình luận viên bóng đá. Người hâm mộ bóng đá thành phố HCM chắc hẳn chưa quên cái tên Trần Hòa Bình, bình luận viên bóng đá nổi tiếng thời trước. Hắn là người đầu tiên tường thuật World Cup trên HTV. Nghe tây đồn hắn có lần văng cả … thơ tiếng Nga trên truyền hình, chẳng biết có đúng không.

Khoa toán còn có Thái Hỷ, Lương, Tài Đức, Chính, Bích Huy và anh Luận. Khoa Lý có Giáo. Chính ham chơi cờ, về nước dạy học ở Hải Phòng. Tài Đức con bác Hồ Trúc là người đức độ, hiền lành, đúng là con nhà gia giáo. Anh Luận tôi vẫn nhớ có lần đi thi thày hỏi các câu đều tịt, không trả lời được. Hiện tượng này khá phổ biến với lối học của chúng tôi thời đó. Chơi cả học kỳ, đến kỳ thi mới học ngày học đêm hầu như không ngủ. Mỗi môn thi có mấy ngày chuyển bị, cố nhồi hết vào đầu. Đi thi, nhiều khi rơi vào trạng thái đơ, quên hết. Nếu được ai đó nhắc cho một câu thì lại nhớ, không thì bó tay đầu hàng. Hôm đó, anh Luận cũng chắc cũng rơi vào trạng thái như vậy. Thày hỏi không trả lời được thì chỉ mong được điểm 3 để qua nhưng thày cho về sau thi lại. Về ngủ một giấc, dậy đá bóng rồi anh cảm thấy đầu óc minh mẫn nên quay lại trường xin thi lại. Lần này thì thầy truy, hỏi đâu nhớ đấy và được điểm 4. Hỷ ở cùng phòng với tôi mấy năm, sau khi bảo vệ NCS một số năm có giữ vị trí kha khá trong TP HCM. Mỗi lần về nước bạn bè gặp nhau, Hỷ vẫn vậy, không có dáng là người công bộc của dân.

Khoa Anh có An Trung, Trần Hòa, Nhật và anh Hiền. Khoa Địa ngoài Thuận Hòa còn có Phúc. Phúc là người khá đặc biệt. Hắn thi khối A (toán, lý, hóa) nhưng bị xếp đi học địa nên chán hay bỏ học nên phải về nước, tốt nghiệp sớm. Hết năm thứ nhất tôi với Phúc đi lao động hè cùng đội xây dựng sinh viên. Tôi vẫn nhớ cái cảnh 2 đứa phải vứt những quận giấy dầu từ trên xe tải xuống đất. Phúc gầy nhong nheo, mỗi lần ném là một lần liêu xiêu, có lần cả quận giấy dầu lẫn người cùng văng xuống đất. Ấy vậy mà trong khoản uống rượu Phúc đua không kém gì tây. Có lần hết rượu mọi người vác cồn ra uống. Một chén nhỏ cồn, một cốc nước lã, bánh mỳ đen, mỡ muối, hành tươi, cà chua, dưa chuột muối. Làm một tợp cồn vào họng, uống một cốc nước rồi hít bánh mỳ đen, làm miếng dưa chuột muối. Chắc chỉ có người Nga thời đó mới uống được như vậy. Tôi chẳng dám nhưng Phúc làm được. Đợt lao động hè năm đó tôi được hơn 200 rub, cho Phúc vay mua máy nghe nhạc. Phúc phải về nước nên coi như món quà tặng bạn. Phúc mất sớm, nhớ thương bạn.

Trường Rừng tôi thân với Sơn, Quang và Khúc Quang Huy. Chúng tôi cùng năm, tôi với Sơn, Quang lại cùng dự bị Kishinev. Sơn có tiếng là tay chơi, học được vài năm rồi cũng phải về nước. Thông thường, người ta đi học mỗi năm lên một lớp. Sơn về nước học lại đại học, nghe nói hắn không những không lên lớp mà còn tụt xuống lớp dưới. Năm 2003 tôi về nước, bạn bè gặp nhau, Sơn có đến nhưng lúc đó cũng đã rất yếu. Hắn đến, không tham gia nhậu mà chỉ giở những tấm ảnh cũ, kể nhớ lại một thời sinh viên sôi nổi. Huy đá bóng sân to, hậu vệ khá cứng. Hắn uống rượu khỏe, giờ U70 mà vẫn phong độ, một minh chứng cho câu nói “Đẳng cấp là mãi mãi”. Giữ được phong độ như vậy chắc do luyện tập thường xuyên, uống đều. Trong thể thao, ăn nhau ở sự kiên trì luyện tập. Mà cha này cũng lạ, về già mới phát hiện ra mình có năng khiếu thơ. Càng uống rượu thơ càng hay, khối nàng ngày xưa thì chê, giờ đọc thơ hắn lại chết mê chết mệt. Giỏi thơ cũng có cái lợi.

Quang là bạn thân, giữa chúng tôi có nhiều kỉ niệm. Nhắc đến Quang tôi lại nhớ những ngày khi về nước đi lấy hàng gửi tàu thủy ở Hải Phòng. Kiếm được tiền, mua được hàng để đóng thùng gửi về khá vất vả nhưng hàng về đến nơi ngoài mấy cái xe đạp và đồ đạc cá nhân Hải quan thu mua sạch. Hai thằng cơm đường cháo chợ, lăn lộn cả tuần để tìm cách giải quyết nhưng không kết quả. Cũng vì vụ này mà có người chắc không vui. Tự dưng phải làm ơn nên oán. Quang là người hiền lành, không được may mắn lắm. Thường ở đời nguời hiền quá hay vất vả.

Bạn bè thời sinh viên có người thân nhiều người thân ít, với tôi Nguyễn Bích Huy luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Tôi rất quí hắn. Mọi người cũng vậy. Huy được quý vì hiền lành, chân tình, sống luôn luôn nhường nhìn. Nếu cần một người tin cậy để ủy thác việc quan trọng tôi sẽ chọn Huy. Huy học rất giỏi, bạn bè công nhận là giỏi nhất trường (khoa toán). Thấy bảo khi học phổ thông hay lên quân sự học dự bị Huy cũng chưa có gì nổi trội so với nhiều ngôi sao trên 196. Có thể vậy. Nhưng vào đại học, hắn say mê học và nghiên cứu, bứt vượt lên trên mọi người dù trường tôi dân chuyên toán, Tổng hợp hay Sư phạm không phải ít. Năm thứ nhất, Huy đạt giải nhất kì thi học sinh giỏi sinh viên khoa toán các trường đại học tổng hợp và sư phạm toàn Nga. Tốt nghiệp được giữ lại chuyển tiếp NCS. Tôi nghĩ thành tích này không phải ai cũng có được. Về nước Huy dạy khoa toán trường ĐHSP TP HCM, một thời làm trưởng khoa nhưng sau xin thôi. Với lí lịch gia đình, có bằng PTS sớm, nếu muốn thì con đường quan lộ chắc không khó nhưng là người hiền lành, chân chất thì đấy không phải là con đường mà hắn muốn đi. Tạng của Huy chỉ hợp nghề thày đồ dạy học.

Mà tiểu sử của Huy cũng khá đặc biệt, tôi không chắc có trường hợp thứ 2. Dạo đi học, mọi người vẫn nói là hắn đẻ trong tù, là nhân vật được kể trong Vượt Côn Đảo của Phùng Quán hay Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận gì đó. Tôi có hỏi lại thì không phải nhưng đúng là hắn đẻ tại nhà tù Biên Hòa, được mấy tháng thì chuyển ra Côn Đảo ở cho đến năm 1960 khi tròn 3 tuổi, . Sau đó có thời gian Huy theo mẹ phải lánh sang Campuchia khi căn cứ cách mạng bị lùng quét. Tôi hỏi đùa: cậu đi làm cách mạng từ trong bụng mẹ thì phải được cấp giấy chứng nhận “lão thành cách mạng” chứ? Hắn cười, trả lời: mình không ghi vào lý lịch.

Tôi còn nợ Huy một điều mà mãi sau này hắn mới nhắc. Cứ tưởng hắn “chỉ biết học thôi chẳng biết gì” ai ngờ lại là người rất lãng mạn. Ngày trước có lần hắn nhờ tôi giúp làm quen với nàng thơ nhưng tôi không để ý. Thú thật, tôi hoàn toàn không nhớ về chuyện này. Ngày ấy nếu tôi không vô tâm thì giờ đây đã có một chàng Puskin với nàng Natasa và những bài thơ tình bất hủ.

Moscow 21-09-2021

Mùa thu, năm covid thứ 2.

NHỮNG NGƯỜI BẠN SINH VIÊN LÀO

Fb Boristo Nguyen, 12-9-2021

Hết năm dự bị tại Kishinev chúng tôi được chuyển về Varonezh học tiếp đại học. Hôm đầu tiên, sau khi nhập phòng tôi có nói chuyện với một số sinh viên năm trên của trường. Hỏi han mọi người về trường lớp, thành phố, tôi có hỏ: “Nghe nói thành phố mình cũng có sinh viên Lào thì phải?”. Một ông bạn trả lời: “Tao là Lào đây”. Tôi nói: “Ông nói đùa, tôi dek tin. Ông mà là người Lào?”. Hóa ra hắn là Lào thật. Từ khuôn mặt, dáng vẻ đến ngữ điệu, giọng nói đều giống hệt người Việt, nếu không biết trước thì không nghĩ hắn là người Lào. Hắn tên là Sa Vàng, sinh viên trường Tổng hợp qua chơi. Nghe nói Sa Vàng là con một nhân vật cao cấp, rất nổi tiếng của Lào. Tiếng Việt của hắn như người Việt. Cũng phải thôi vì từ bé hắn đã được gửi sang Việt Nam học trường nội trú với người Việt, từng đi thi và đoạt giải học sinh giỏi văn tỉnh.

Trường chúng tôi có 2 sinh viên Lào, anh Khiển và Phô xin chào. Bên Tổng hợp ngoài Sa Vàng còn có Tây sồ, mấy năm sau có thêm một số sinh viên nữa. Anh Khiển, Phô và Sa Vàng thuộc Lào Phathet (phe cộng sản thân Việt Nam) còn Tây Sồ do phía Lào Viên Chăn gửi sang Liên Xô học. Quan hệ sinh viên hai nước rất tốt, chơi với nhau rất thân. Người Lào tính tình đơn giản, không lắt léo, dễ chơi. Anh Khiển nhiều tuổi, hiền lành, người hơi cổ. Phô to cao, giỏi võ. Cả 2 đều học toán. Tây Sồ đá bóng rất giỏi, vốn là cựu cầu thủ tuyển Viên Chăn. Varonezh có 8 trường đại học, hàng năm đều tổ chức giải bóng đá sinh viên gồm 8 đội: châu Phi, Ả rập, Mỹ Latin, Đức, Đông Âu, Việt-Lào và 2 khoa vô địch của 2 trường đại học. Liên quân Việt-Lào năm nào cũng vào chung kết nhưng toàn thua liên quân châu Phi vì họ đã to khỏe lại đá rất gấu. Tây Sồ là một trong những cầu chủ chốt của Liên quân Việt-Lào.

Nói đến các bạn Lào, lại nhớ đến “lộc” của tôi mà các bạn vô tình “được” hưởng. Thời sinh viên do ngu dại của tuổi trẻ, không biết kiềm chế mà có lần tôi tham gia đánh nhau với tây (đám choai choai) và đánh hơi nặng. Vụ này chắc cũng gây tai tiếng, lan ra nhiều người biết. Sau vụ đó một thời gian có một lần mấy cậu sinh viên Lào bên trường Tổng hơp (năm dưới) đang ngồi chơi trong công viên Maisky, gần kí túc xá trường. Đang ngồi thì có mấy cậu thanh niên đi qua, hỏi: có phải chúng mày là người Việt Nam không? Chưa kịp trả lời thì một đứa đã dùng gậy vụt mạnh vào tay một anh bạn Lào. May mà mà cậu này giỏi võ (đai đen) nên đỡ được chứ người bình thường chắc không gãy tay cũng rạn xương. Chúng nhầm Lào ra Việt.

Hơn chục năm trước tôi có đi du lịch qua Lào, thăm Luang Prabang. Một thành phố thanh bình, rất dễ thương. Người dân rất dễ mến và cảm tình với Việt Nam. Anh bạn hướng dẫn viên người Lào có nói với tôi: người Lào rất quí Việt Nam, cảm thấy Việt Nam gần gũi như anh em ruột thịt. Nhưng với cái đà Trung Quốc bỏ tiền, đầu tư ồ ạt vào Lào như thế này tao sợ sớm muộn rồi Lào cũng ngả theo Trung Quốc. Việt Nam phải làm cái gì đi chứ!

Moscow, 12-9-2021, Mùa thu năm covid thứ 2.