VỤ ÁN “CHUYẾN BAY GIẢI CỨU” – ĐÔI DÒNG SUY NGHĨ

Fb Boristo Nguyen, 23-07-2023

Mấy hôm nay báo chí, mạng xã hội tràn ngập các tin, bài về phiên tòa “Chuyến bay giải cứu”, phiên tòa xét xử những kẻ làm giàu trên xương máu đồng loại trong lúc khó khăn dịch bệnh covid.

Tôi đã định không viết gì về vụ này. Không viết, phần vì không muốn nhớ lại những ngày dịch bệnh covid mệt mỏi, phần vì vẫn nghĩ: “cái nước mình nó thế”, ở ta việc quan chức tham nhũng, ăn chặn dân là “chuyện thường ngày ở huyện”, khó có gì thay đổi.

Nhưng nhìn những gì diễn ra tại phiên tòa: sự khốn nạn, tha hóa tột cùng của nhân cách, sự trơ trẽn của các bị cáo … tự dưng tôi lại muốn viết vài dòng.

Nhắc đến những ngày covid không thể không nhớ đến cảm giác bi hài lúc đó.

Bà con người Việt ở Nga (các nước khác cũng vậy) nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc đến cùng cực. Bạn thử hình dung cảnh một buổi chiều tối lạnh dưới 0 độ hàng trăm người già có, trẻ nhỏ có, người đang mang bệnh cũng có, phải trả nhà ra đường. Hay những người làm thuê mất việc, không còn tiền sống… Khốn khổ vô cùng. Rơi vào bĩ cực, tâm lý tự nhiên của con người là muốn quay về quê hương, nơi mà họ nghĩ rằng sẽ được đất mẹ cưu mang đùm bọc. Đó là bi!

Còn hài? Một mặt thì la liệt trên mặt báo: hết “Việt Nam ngạo nghễ bay vào tâm dịch giải cứu đồng bào” lại đến “không để ai bị sót lại phía sau” nhưng mặt khác thì “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?”, người Việt phải chui đường rừng vượt biên về … đất mẹ.

Hai từ “ngạo nghễ” xuất hiện tràn lan trên đài báo. Bài thơ “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?” được tung hô. Báo chí, mạng xã hội có không ít bài muốn xua đuổi, thậm chí là nhục mạ, không muốn cho đồng bào mình về nước.

Khi nhà nước tuyên bố tổ chức các chuyến bay giải cứu, ưu tiên cho những người khó khăn về trước, ai cũng mừng, cũng hi vọng. Nhưng rồi tưởng dzậy, hóa ra không phải dzậy. Giá vé cao một cách vô lí, đội lên gấp mấy lần so với ngày thường. Giá vé đắt mới là một chuyện, ít ra còn có lời giải thích nguyên nhân tuy chưa hẳn đã có lý. Để được một xuất bay “giải cứu” người dân phải mất thêm ít ra cũng chừng ấy nữa. Tiêu chí ưu tiên này được công bố nhưng trên thực tế người thực sự khó khăn, đáng được về thì không được về vì không có tiền. Người được về là người có tiền và chấp nhận mua xuất.

Nhiều nước cho máy bay đón công dân của mình về nước. Họ đón rất nhiều, trợ giúp tối đa thậm chí là bay miễn phí mà không rùm beng, ngạo nghễ. Còn ở ta? từ một chính sách tưởng chừng tốt đẹp lại bị biến thành cơ hội cho một đám người lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của đồng loại để làm giàu bất chính. Lúc bình thường, làm tiền của dân là không đúng nhưng cũng còn chấp nhận được. Thôi thì cái thời mình nó thế, cũng đành sống quen với nó. Nhưng khi người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn cùng cực mà vẫn đè ra làm tiền thì đấy là sự bất nhân vô độ.

Nghĩ mà thật buồn!

Lại nghĩ về cộng đồng người Việt ở Nga. Như một xã hội Việt thu nhỏ, tốt xấu đủ loại. Ngày thường thì cũng đủ chuyện không hay. Cuộc sống bôn ba nơi xứ người đầy khắc nghiệt, con người cũng dễ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, như nhiều người nhận xét, người Việt không mạnh về truyền thống hợp tác làm ăn, tương trợ lẫn nhau. Lúc bình thường là vậy nhưng khi dịch covid, trong hoạn nạn người Việt tại Nga là một cộng đồng đoàn kết, tương trợ nhau. Có rất nhiều nhóm tương trợ, mạnh thường quân đứng ra làm thiện nguyện, giúp đỡ những người khó khăn. Tôi vẫn nhớ, mỗi khi có trường hợp khó khăn, mọi người lại xúm vào quyên góp, giúp đỡ, cả vật chất lẫn tinh thần.

Thật tương phản với những kẻ mang tiếng là công bộc của dân mà lại đè dân ra làm tiền, nhất là trong những lúc dịch bệnh nặng nề của thời covid.

THẤY GÌ QUA PHIÊN TÒA “CHUYẾN BAY GIẢI CỨU”?

Phiên tòa chưa kết thúc nhưng sơ bộ cũng đã thấy một số vấn đề đáng lưu ý

1) Lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn để hút xương máu của đồng bào, làm giàu bất chính là tội khó thể tha thứ. Tội của “một bộ phận không nhỏ” thì chưa cần có vụ án mọi người cũng biết. Có chăng là qui mô, mức độ, thành phần và số lượng những kẻ bị lộ đưa ra xét xử giờ mới rõ.

Điều đáng nói hơn là những gì các bị cáo phát biểu, thể hiện trước tòa: tráo trở, chối tội, đổ lỗi cho nhau, trơ trẽn nói về lòng nhân ái, về những nỗ lực giải cứu công dân, “ngây thơ” về pháp luật … Nghe các bị cáo trình bày mà thấy ghê tởm, nhất là với các cựu quan chức, những kẻ mang danh là công bộc của dân, mở mồm toàn nói giọng đạo đức sáng ngời.

Để làm ví dụ, xin trích lại những lời phát biểu của các bị cáo. Bạn có cảm giác gì khi đọc những dòng này?

“Tôi và các cán bộ Cục Lãnh sự luôn dựa trên các tôn chỉ này để cố gắng. Tôi luôn đặt công tác bảo hộ công dân và lợi ích công dân lên trên tất cả, luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân, cần hỗ trợ đưa về sớm và hiệu quả nhất”. Đây là lời Nguyễn Thi Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự nhận hối lộ 32 lần, tổng 25 tỷ đồng, người bị các doanh nghiệp tố cáo làm khó dễ trong việc cấp phép bay để tống tiền doanh nghiệp. Trơ trẽn đến thế là cùng!

“Bị cáo vì cả nể, không phân biệt được ranh giới giữa pháp luật và tình cảm nên phạm tội”. Tô Anh Dũng, nhận hối lộ 21,5 tỷ vnd. Làm đến Thứ trưởng Ngoại giao mà còn “ngây thơ” về pháp luật đến như vậy. Hồn nhiên đến thế là cùng!

“Đây là quà biếu, là lộc doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay giải cứu, người ta có lòng nên người ta nghĩ đến anh em. Không ai nói với tôi là hối lộ”. Trần Văn Dự, nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng. Ông cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an này cũng hồn nhiên không kém!

“Tôi rất ân hận về hành vi của mình. Chỉ vì xuất phát từ việc thương người quá nên mới môi giới hối lộ”. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu PGĐ Công an Hà Nội, môi giới hối lộ hơn 2,6 triệu usd. Người đáng lẽ phải có trách nhiệm phòng chống tội phạm, bảo vệ kỷ cương, pháp luật chỉ vì thương người không phải ruột thịt mà sẵn sàng phạm tội, đạp lên luật pháp.

Rồi khóc lóc, rồi đổ lỗi cho nhau, rồi nói về lòng nhân ái … Thật tởm lợm!

Phiên tòa phơi bày hết bộ mặt thực của đám bị cáo.

2) Số bị cáo là 54 người. Ngoài Bộ Quốc phòng, sai phạm được Cơ quan an ninh bộ Công an tách riêng chuyển sang cho Cơ quan điều tra hình sự bộ Quốc phòng, 4 bộ và các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt cấp phép tổ chức chuyến bay đều có người dính vào vụ án: Bộ Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Hà Nội, Quảng Nam, ĐSQ VN tại Nhật Bản, Malaysia, Angola… Như vậy, tất cả các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép tổ chức chuyến bay cứu trợ đều có người nhúng chàm. Điều này nói lên sự tha hóa của hệ thống công quyền. Một vài người tham nhũng trước hết là lỗi ở chính họ, nhưng khi sờ đâu cũng có chuyện thì đó lại là vấn đề của cơ chế, hệ thống tổ chức xã hội. Nếu không đi vào tìm hiểu, giải quyết các nguyên nhân gốc thì lò có đốt mãi cũng khó mà hết củi.

3) Một góc nhìn khác về hành vi hối lộ và nhận hối lộ của các bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu”. Chuyện các doanh nghiệp hối lộ hay các quan chức nhà nước nhận hối lộ mọi người đã rõ. Tuy nhiên, với vụ án này hoàn toàn có thể nhìn theo một góc độ khác. Qua lời khai của nhiều bị cáo thì các doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, gây khó dễ và bị ép buộc nên phải đưa tiền đút lót. Hành vi của các bị cáo là quan chức về bản chất phải được coi là tống tiền chứ không đơn thuần là nhận hối lộ. Họ lợi dụng quyền lực nhà nước giao cho để tống tiền doanh nghiệp. Tội bị truy cứu phải nặng lên. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng có thể coi bị tống tiền. Đây chính là yếu tố giảm nhẹ cho họ. Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn trầm trọng thì họ phải chấp nhận “luật chơi” do những người có quyền đề ra. Mất tiền để được việc, để có doanh thu mà tồn tại. Xét cho cùng, những hành vi này có khác gì việc công dân phải chấp nhận mất thêm tiền để được xuất “giải cứu”? Hay những người dân này cũng bị quy thành hối lộ?

4. Cần phân biệt 2 loại chuyến bay giải cứu. Với loại thứ nhất, nhà nước giao cho các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways thực hiện chuyến bay, về đến Việt Nam khách được đưa vào khu cách li ăn ở miễn phí. Loại thứ hai là các chuyến bay combo, giá bao gồm cả vé máy bay và chi phí cách li tại khách sạn. Loại thứ hai thực chất là các chuyến bay thương mại do doanh nghiệp thực hiện. Phiên toà xét xử lần này hầu như mới chỉ động đến chuyện chạy xin giấy phép thực hiện các chuyến bay combo mà chưa động đến các chuyến bay giải cứu loại một. Xin giấy phép chỉ là một công đoạn. Quá trình xét duyệt ai được bay cũng là công đoạn không kém phần quan trọng. Nó đẩy giá, thu thêm tiền của người dân lên rất nhiều. Chuyện xét duyệt danh sách bay có rất nhiều vấn đề và làm người dân rất bức xúc, nhất là với các chuyến bay giải cứu loại một. Ngoài chuyện phải trả tiền vé đã cao hơn ngày thường, để được bay người dân còn phải chi không ít tiền để được quyền bay, hay nói đúng hơn là mua xuất “giải cứu”. Chuyện mua bán xuất “giải cứu” có lẽ ở nước nào cũng vậy. Như vậy, vụ án tại giai đoạn này mới chỉ động đến mối quan hệ giữa quan chức nhà nước với doanh nghiệp chứ hầu như chưa đụng đến mối quan hệ với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Hy vọng đại án sẽ tiếp tục mở rộng, ở giai đoạn tiếp theo sẽ không bỏ lọt kẻ có tội.

5. Các bị cáo được đem ra xét xử, “Chuyến bay giải cứu” được xếp vào trọng án. Đây là một nỗ lực của Đảng và Nhà nước nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Chính vì vậy mà phiên tòa rất được người dân quan tâm, hy vọng và mong có một phiên tòa xử đúng người, đúng tội. Mức độ, hình thức xử phạt phải đúng với tội mà kẻ phạm tội gây ra. Không dương cao đánh khẽ hay nương tay với một vài nhân vật nào đó. Có một điều tôi chưa thật hiểu. Cùng một lúc với “Chuyến bay giải cứu” là phiên tòa xử ông Trần Hùng, cựu cán bộ quản lý thị trường. Ông Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu và bị đề nghị mức án 9-10 năm tù. Chưa nói đúng sai, tòa sẽ đưa ra phán quyết nhưng tại vụ án “Chuyến bay giải cứu” nhiều người nhận hối lộ lớn hơn nhiều lại chỉ bị đề nghị mức án khá thấp, ví dụ như Chử Xuân Dũng (cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhận hơn 2 tỷ đồng, Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) nhận hơn 1,8 tỷ đổng, Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) nhận gần 1,8 tỷ đồng … lại chỉ bị đề nghị mức án có 4-5 năm tù. Ngoài số tiền nhận hối lộ, vụ án “Chuyến bay giải cứu”, về mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến xã hội chắc là lớn hơn nhiều vụ án “Sách giáo khoa giả” xét xử ông Trần Hùng. Tôi thực tình không hiểu.

23-07-2023