LIỂU BẠN TÔI

Fb Boristo Nguyen, 02-03-2024

Trong đời, tôi may mắn gặp được nhiều người và có không ít bạn nhưng để gọi là bạn ruột chắc cũng chỉ vài ba người. Liểu nằm trong số đó, nếu không nói là người bạn thân thiết nhất. Gần gũi, tâm giao và chung nhiều kỉ niệm. Một người bạn chân thành, có thể tin cậy tuyệt đối.

Tôi với Liểu quen nhau đúng 50 năm trước, khi hai đứa được gọi vào Thanh Xuân học dự bị ngoại ngữ. Liểu học A1, lớp dành cho học sinh chuyên toán. Tôi học A5, lớp bình thường. Từ quen rồi trở thành thân, rồi cả hai gia đình trở nên quen biết và thân thiết từ khi nào không rõ.

Sang Nga, tôi về Varonezh học toán còn Liểu học địa chất ở Moscow. Mỗi đứa một thành phố nhưng hầu như năm nào cũng gặp nhau. Tôi với Liểu có chung quá nhiều kỉ niệm. Trong status này xin chỉ nhắc lại một vài kỉ niệm để ghi lại một tình bạn tròn nửa thế kỉ.

Thời sinh viên, đông hay hè, cứ mỗi kì nghỉ là tôi lại lượn đi chơi các thành phố. Nơi đến nhiều nhất là chỗ Liểu. Cả kí túc xá (KTX) cũ ở Studentreskaya lẫn mới tại Volgina đều trở thành gần gũi. Nhớ cái mùa đông năm nào, tại phòng Liểu, tôi với Dũng (lớp A1, đã mất) cả ngày bật máy quay đĩa, tua đi tua lại mấy bài hát tiếng Pháp của Mireille Mathieu để chép lời: Pourquoi le monde est sans amour, Donne ton coeur, donne ta vie … Nhớ những lần đá bóng dưới tuyết cạnh KTX hay đến khu trường học đá trong nhà; lần cùng các anh năm trên lấy thuốc diêm làm pháo đốt liên hoan đón Tết. Nhớ quán bia Sài Gòn, nhớ những lần mải ngồi uống rượu quên giờ hai thằng vội chạy ra ga tàu cho kịp chuyến để về lại Varonhez.

Liểu có món ăn truyền thống, cắt miếng thịt bò bỏ nồi, cho ketchup (nước xốt cà chua đóng hộp) và magarine (bơ thực vật) cả cục rồi nửa hầm, nửa xào ăn với bánh mì. Mùa đông năm 1978 GS Phan Sĩ Tấn, chủ nhiệm khoa Mác Lê ĐHSP HN, hàng xóm nhà tôi đi công tác Đông Âu có ghé qua Nga. Chúng tôi mời ông đến chơi. Mấy chú cháu ngồi uống bia, ăn thịt bò hắn làm. Lúc đó quan hệ Việt Trung căng thẳng, ông có kể cho chúng tôi tình hình đất nước, nói nhiều về bàn tay phá hoại Bắc Kinh. Cái gì xấu của Việt Nam cũng do Bắc Kinh. Tôi có nói: đúng là TQ phá nhưng có không ít là lỗi là ở chính chúng ta. Hai nhà hàng xóm lâu đời, cùng chung một môi trường, hoàn cảnh sống thì ắt có nhiều giống nhau. Nhiều cái tưởng là do TQ nhưng lại chính là của mình mà không nhận ra. Khi về nước gặp bố tôi, ông khen tôi có cách nhìn khác.

Nhớ lần cùng nhau đi mấy nước cộng hòa Baltic. Mùa đông năm đó trường địa chất Moscow tổ chức cho sinh viên đi thăm quan 3 thành phố Vilnius, Riga và Talin. Tôi bám theo đoàn đi cùng. Đến Vilnius đúng 30 Tết, cả lũ tổ chức đón Tết, ăn chơi đập phá hơi quá tay. Đến Riga gần cạn tiền, ăn bữa đực bữa cái. Ưu tiên sinh viên ngoại quốc, bạn cố mua được vé cho chúng tôi vào vào Nhà thờ lớn Riga (Rīgas Doms) nghe nhạc. Trong nhà thờ có chiếc đàn organ cổ nhất nhì châu Âu. Bụng thì đói, nhạc organ cổ điển thì não nề, cả lũ cố mà nghe, mà thưởng thức nhưng rồi cũng đầu hàng, bỏ về giữa chừng. Đến Talin, thành phố vô cùng xinh đẹp nhưng chẳng còn tâm trí đâu để đi thăm quan, chỉ lo kiếm cái để đút vào bụng. Một chuyến đi đáng nhớ.

Thời đó Đông Tây hai ngả chia cắt. Quần áo, hàng hóa tư bản là vô cùng hiếm. Có được cái quần bò xịn Levi’s hay Montana mang từ “bển” về mặc ra đường là oách lắm. Sinh viên Việt Nam đi sang Đông Âu còn khó, chưa nói đến sang các nước phương Tây. Quần áo tư bản đa phần do mấy cậu sinh viên châu Phi hay Ả Rập sang các nước buôn về. Muốn có cái quần bò mặc chúng tôi phải đi làm thêm hay tiêu pha dè sẻn để tiết kiệm để có tiền mua. Liểu được bạn bè quý (chắc hay giúp họ làm bài?) nên hay được cho quần áo mác ngoại, nhưng rồi bạn bè các thành phố đến chơi lại sang tên cho họ.

Liểu học thẳng, tốt nghiệp về trước một năm. Tôi về nước hôm trước, hôm sau Liểu đã có mặt ở nhà tôi. Những ngày tháng tiếp theo chúng tôi thường xuyên qua lại, gặp gỡ nhau. Ngày đó, như nhiều cán bộ khác, phòng làm việc cũng là nơi ở. Trưa, hay tối mọi người lại kê bàn làm việc lấy làm chỗ nghỉ. Giờ cũng chẳng nhớ đã bao nhiêu lần tôi đến chơi và nằm bàn ngủ lại tại nhà Pilot của viện Trái đất, nơi Liểu làm việc.

Bây giờ, trứng vịt lộn không phải là món gì đặc biệt nhưng thú thật cho đến tận khi tốt nghiệp từ Nga về tôi chưa từng được biết mùi vị nó thế nào. Lần đó, Liểu qua nhà rủ tôi vào phố chơi và đãi trứng vịt lộn. Chúng tôi đạp xe lang thang dạo phố và ghé ăn ở phố Gầm Cầu cách không xa chợ Đồng Xuân. Đây là quán vỉa hè, có mấy cái bàn gỗ nhỏ để đặt đồ ăn và ghế ngồi cho khách. Bà chủ quán vớt trứng từ nồi luộc cho vào bát mỗi đứa. Liểu bày tôi cách gõ cạnh thìa vào trứng để bóc vỏ. Ngắt mấy cọng rau răm, bốc thêm ít gừng thái chỉ và rắc muối tiêu ăn với trứng. Trứng không già quá, không non quá. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là trứng vịt lộn. Giờ không còn nhiều cảm xúc chứ hồi đó cảm giác ăn ngon phết.

Khoảng năm 1984-1985 khi tôi còn đang ở lính thì Dũng (A1) từ Quảng Ninh lên chơi, Đúng hôm đó Hà Nội trời mưa lụt rất lớn. Dũng Liểu đèo nhau lội nước đến thăm tôi. Chúng tôi kéo nhau ra quán thịt chó tại đê La Thành không xa đơn vị ở làng Láng. Chỉ vài lạng thịt hấp, đĩa dồi chó nướng, chai rượu nút lá chuối và ít lạc rang húng líu. Trời mưa gió, quán tranh vách lá, cả quán chỉ có ba đứa chúng tôi. Không nhớ là cụ Tản Đà hay ai đó có viết, để cần có một bữa ăn ngon phải hội đủ các yếu tố: tâm thế ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, bạn ngồi ăn ngon, bát đũa ăn ngon và món ăn ngon. Hôm đó, quán thì đơn sơ, trời thì mưa gió, món ăn thì đạm bạc nhưng không hiểu sao với tôi, đó là một bữa ăn ngon đáng nhớ trong đời. Có lẽ ở chúng tôi hôm đó hội tụ đủ tất cả những điều mà cụ Tản Đà nói.

Một kỷ niệm chung không thể không nhắc lại. Đó là lần tôi và Thuận (bạn đi Rumani cùng khóa, cùng làm viện Trái đất với Liểu), hai đứa chúng tôi được tháp tùng bố Liểu và gia đình đi hỏi vợ cho bạn. Cô Nga, vợ Liểu đã xinh lại gái làng Ngọc Hà. Liểu dân Thái Bình lên, dám cưa và cưa đổ Nga, kể cũng không phải dạng vừa (hic). Sau lần đó tôi không chỉ qua lại chơi với vợ chồng Liểu mà còn quen biết mấy anh chị của Nga. Cũng đã hơn 30 năm kể từ hồi quay lại Nga tôi chưa gặp lại các anh chị.

Tháng 7 năm 1992 tôi quay lại Nga, Liểu ra đón tôi ở sân bay. Thời đó, Liên Xô mới tan rã, nước Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng, an ninh rất kém. Sân bay Sheremetevo là một điểm vô cùng phức tạp. Ra khỏi cửa hải quan là một đám đông tranh nhau chào mời taxi. Cảm giác giá cả đắt và không mấy an toàn, chúng tôi ra ngoài định tự bắt xe. Đang vẫy xe thì mấy tay dáng vẻ bặm trợn đến và nói không được phép bắt xe, nếu bắt phải nộp lệ phí cho chúng. Tôi và Liểu phải xách va li đi bộ cả trăm mét, cách xa cửa sân bay để bắt xe cho an toàn.

Những ngày tháng đầu khi quay lại Nga, mọi thứ còn bỡ ngỡ thì chính Liểu là người đã giúp tìm thuê chỗ ở cho chúng tôi. Lúc thì ốp Trắc Địa, lúc thì ốp trường Địa chất, khu KTX Studencheskaya. Đó là những năm tháng thực sự khó khăn, vừa phải lo học vừa phải kiếm sống để tồn tại. Chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại với nhau. Ngày Liểu bảo vệ luận án, PTS rồi TS tôi đều có mặt, mừng cho bạn. Liểu sang trước, bảo vệ trước và về nước sớm. Số phận đưa đẩy thành ra tôi vẫn ở lại Nga cho đến tận bây giờ. Ngày tôi bảo vệ luận án TS, người đầu tiên tôi gọi về báo tin vui là cha mẹ. Sau đó vài chục phút, người đầu tiên và duy nhất gọi điện sang chúc mừng tôi chính là Liểu. Chắc bạn ở nhà ngóng chờ tin vui của tôi từ nước Nga xa xôi. Chỉ có những người bạn ruột, thật chân tình mới quan tâm đến nhau như vậy. Và đến tận bây giờ, sau nửa thế kỉ, lúc gặp nhiều, lúc gặp ít nhưng chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm như ngày nào.

Xin dừng lại đây. Giữa hai đứa chúng tôi có chung quá nhiều kỉ niệm mà không thể kể hết trong một status.

Ở đời, có được một người bạn ruột, chân tình như Liểu với tôi đó chính là hạnh phúc.

Liểu bạn tôi, PGS TSKH Trần Mạnh Liểu.

Hà Nội, 02-03-2024, đầu Xuân Giáp Thìn

Bình luận về bài viết này