SAU BÃO LŨ LÀ BÃO LÒNG

Fb Vân Anh Nguyễn, 06-11-2020

“Con đĩ l-ồ-n

Con chó cái rảnh l-ồ-n ăn điêu nói hớt không giúp được người ta cái gì còn đăng xàm. Cả nhà mày xấu hổ khi tòi con khuyết tật như mày”.

(Nguyên văn, có biên tập lỗi morasse và từ bậy)

Đó là tin nhắn chị bạn tôi nhận được khi trót comment vào bài viết của ca sĩ Thuỷ Tiên về chuyện phát tiền ở miền Trung. Chị đơn giản chỉ nhắc chút thông tin sai trong bài viết. Từ đầu, chị là người rất thẳng thắn nói cám ơn Thuỷ Tiên, nhưng khi sự việc khác đi, chị chỉ nói vài điều nhỏ. Tôi tin chị đã phải rất trăn trở, rất đủ hiểu để biết cân nhắc mọi thông tin, và chị có buồn. Chị từng tiếp xúc với Thuỷ Tiên vài lần, rất quý và tin Thuỷ Tiên vô tư. Chị cũng là người từng lăn lộn bao năm tháng tuổi trẻ ở mảnh đất đau thương Quảng Trị để làm công tác tìm hài cốt liệt sỹ; là người biết yêu và biết thương. Nhưng đó là tôi tin, chứ các bạn fan kia không cần biết. Họ chửi bất cứ ai không chửi giống họ. Trong cơn say chửi nhà nước, họ cũng buông những lời lẽ cay nghiệt và bậy bạ nhất đến những người đã từng đặt niềm tin vào tấm lòng của Thuỷ Tiên.

Đó chỉ là một góc rất nhỏ trong cơn bão lòng đang ngân rủa những ngày sau bão lụt. Tôi bảo chị đừng buồn, vì nó thực tế lắm. Hễ cái gì càng có định hướng tiêu cực càng dễ thu hút số đông, mà số đông thì bất chấp. Nhưng cứ bình tĩnh mà xem, rồi chính số đông ấy ngày mai sẵn sàng hạ bệ bất cứ ai mà hôm nay họ đang lên đồng ngợi khen. Người khôn ngoan sẽ biết sống mà không ảo tưởng vì lời khen ấy, cũng chẳng hơi đâu mà buồn vì những lời nhiếc móc để rồi cố chạy theo số đông. Tiếng Việt có từ “khôn ngoan” hay là vậy, mà ít ai biết tới cùng.

Người Việt dẫu gì vẫn quen thói ăn xổi ở thì. Tôi bảo chị, hôm qua xem clip phát tiền ở Quảng Trị, cảm giác xót xa lắm. Hoá ra người ta phải thảm, phải nghèo, phải bé mọn thì mới được thương. Người ta không được phép sang, không được phép đẹp đẽ, bởi như vậy thì chẳng ai thương. Xã hội mất định hướng, ai cũng dễ dàng nhân danh đạo đức để trông mình có vẻ tốt đẹp hơn, giỏi giang hơn trong mắt người khác mà lại quên quay nhìn vào nội tâm của chính mình để thấy sự hằn học và những định kiến đang bủa vây tâm hồn. Ai cũng thích phán quyết đúng sai và đòi dân chủ, mà chẳng hiểu dân chủ là phải tự mình chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình nếu phải đứng trước toà. Một xã hội nhân danh đạo đức, hễ mà gió đổi chiều thì chỉ cần bày tỏ sự thất vọng buồn bã vì đã trót tin nhầm, thế là xong.

Tôi tin số đông là ngây thơ, và vì ngây thơ nên dễ dàng dồn dập những cơn bão lòng đến vậy. Lũ lụt không khiến người ta chết đói, nhưng bão lòng có thể quét sạch những giá trị nhân văn cuối cùng của loài người, đó là lúc khốn cùng phải biết dựa vào nhau. Đất nước nhỏ bé thế, đầy nhạy cảm tự nhiên như thế, còn nhất định phải tồi, phải bê bết mới vừa ý các bạn. Bác sỹ nhất định phải lừa bệnh nhân, công an nhất định phải làm tiền, người giàu nhất định phải xấu xa, quan chức nhất định phải tham lam thì mới vừa ý các bạn. Tôi lại nhớ bài viết hồi đầu năm, “3kg gạo, gánh hàng rong và định kiến xã hội”, rằng thật quá dễ dàng để phán xét người khác hơn là tự quán xét bản thân mình.

Chẳng thể phủ nhận những thiếu sót đầy nhạy cảm và dễ tổn thương của chế độ này, nhưng khi tôi đi về một xã miền núi để chia sẻ tấm áo, cuốn vở, tôi mới biết à hoá ra những đứa trẻ nghèo nhất cũng được đi học tử tế. Các cô miền núi bảo nhà nước làm tốt lắm, miễn phí cả bữa trưa. Các cô dẫn chúng tôi đến nhà bọn trẻ. Rách nát, tối tăm, ông bà già ngẩn ngơ, mẹ trẻ đen đúa hùng hổ lột áo cho con tay được tay mất, em bé mũi dãi xanh rớt… Người đấy, nhưng cả nhà chẳng ai bình thường. Nhà đấy, xã sửa cho rồi nhưng vẫn cứ nhếch nhác bẩn thỉu như cái chuồng gà. Mẹ trẻ chiều chiều lại ngây dại đi bộ cả chục cây số, gặp đâu ngủ đấy, lỡ dính bầu nơi khe nơi suối gì đó lại đẻ. Gánh nặng xã hội đấy, nhưng ai dắt đi đình sản cho được. Đạo đức mà, nhân danh đạo đức thì đàn bà ai cũng nên làm mẹ đó thôi. Cứ đạo đức thế mãi thì văn minh sao cho nổi. Thế nhưng để làm từ thiện thật thu hút cho nơi nào, thì nơi ấy chính quyền nhất định phải mất nết và bỏ đói dân nghèo thì tiền mới chảy vào quỹ từ thiện được.

Thế mới nói, nếu cứ nhân danh đạo đức không thôi, thì bão lòng còn dữ dội lắm!

Từ thiện lúc nào cũng cần, xứ nào cũng cần, nhưng làm sao không để lại những hệ luỵ về thói quen, không bầy nhầy môi trường, đảm bảo ổn định xã hội… mới là cái gốc của từ thiện. Từ thiện là để bình yên, không phải để nổi sóng!

Từ phải có tuệ là vì thế!

Cứ mỗi mùa lũ lội

Miền Trung đầy thương đau

Cả nước đều thấy tội

Nên mình kêu gọi nhau

Người đồng tiền tấm áo

Người nấu bánh chưng xanh

Người gom mì gom gạo

Ai cũng tràn thiện căn

Thế rồi như mọi bận

Nước rút chưa cạn chân

Mình chuyển sang hờn giận

À, thật nhiều băn khoăn

Chỗ này làm chưa đúng

Chỗ kia thừa lăng xăng

Người này thì lúng túng

Người kia thì quá hăng

Chỗ này kêu cẩn thận

Chỗ kia bảo chẳng cần

Người trộm ảnh kêu cứu

Người câu lai tằng tằng

Ban đầu là góp ý

Rồi chỉ trích lẫn nhau

Ban đầu là anh chị

Rồi chúng mày chúng tao

Cái văn bản chỉ đạo

Chẳng chịu đọc dòng nào

Cứ thấy ghét là mỉa

Phây búc mần nhao nhao

Nước vẫn chưa rút hết

Còn đoạn cạn đoạn sâu

Nếu từ mà có tuệ

Thì đâu đến nỗi nào

Hỏi: từ mà có tuệ

Là từ ra làm sao?

Là đừng ngại chậm trễ

Suy nghĩ cho kỹ vào

Ở những nơi hiểm trở

Cần lực lượng chuyên môn

Cứu nạn khác cứu trợ

Cứu nạn cần ưu tiên

Gõ phím cần bình tĩnh

Đọc tin cần khôn ngoan

Đừng phô trương thiện tính

Bằng nước mắt vội vàng

Trước khi làm hãy hỏi

Đội cứu hộ, chính quyền

Đừng cực đoan mắng chửi

Biến mình thành luyên thuyên

Thiên tai và lũ lụt

Là chuyện của ông trời

Đừng phán xét cay nghiệt

Nhiều tang thương lắm rồi

Đất nước mình nhỏ bé

Đầy nhạy cảm tự nhiên

Nếu không bớt nghi kỵ

Thì còn lắm muộn phiền

Đói trong lũ không chết

Đói sau lũ mới sầu

Đói dai dẳng mỏi mệt

Đói tận mùa lũ sau

Chưa kịp no lại đói

Mới cần san sẻ nhau

Cho người già áo ấm

Cho con trẻ đến trường

Cho thêm vài hạt giống

Để thắm lại ruộng nương

Tính thêm cho chủ động

Lũ sau bớt tang thương

Suy cho cùng từ thiện

Là để sống tốt hơn

Nên càng cần trí tuệ

Để vượt qua tủi hờn.

Tận cùng nỗi đau là giận dữ

Fb Muống biển, 13-5-2020

Thế là cuối cùng chuyến bay “thương mại không thường lệ” của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, đón hơn 330 đồng bào từ tâm dịch Moskva đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Giờ này những con dân đất Việt may mắn đã được đắm mình dưới cái nắng mùa hè nhiệt đới chói chang, được phóng tầm, mắt chiêm ngưỡng sân bay Vân Đồn mới tinh, hiện đại, sân bay do tư nhân xây dựng đẹp nhất đất nước thời điểm này. Những người trở về
với Tổ quốc trong “một hình hài” khác, cũng đã gặp gia đình, gặp người thân và bắt đầu cho cuộc viễn du, an nghỉ bình yên trong lòng Đất Mẹ…

Ngay từ khi có thông tin chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ tới Moskva để đón những người bị “mắc kẹt” giữa vùng dịch có nguyện vọng về nước, cộng đồng người Việt đã như lên một cơn sốt bất thường. Hoang mang ở xứ người, ai cũng muốn về với quê hương, về với bến đỗ an toàn nhưng rồi số ghế ngồi trên chuyến bay có hạn, nguồn lực của đất nước có hạn, các cơ sở cách ly đã căng mình ra từ Tết đến giờ, các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã không có một ngày ngơi nghỉ, đã cả trăm ngày nay chưa được trở về nhà.

4 tiêu chuẩn cho những người trong diện được xét duyệt mua vé trở về đăng công khai trên mạng, bà con đã bảo nhau, thôi nhường cho trẻ em, nhường cho các cháu, các em sinh viên học sinh không nơi ăn chốn ở, nhường cho những người cao tuổi và những người có bệnh nền…

Không nhăm nhắm để tìm một suất về nữa, cộng đồng lại sát cánh bên nhau, như đã từng như thế ngay từ những ngày dịch bắt đầu nóng bỏng. Nhiều cuộc vận động ngầm hỗ trợ cho những người đủ điều kiện mua vé về mà không được duyệt danh sách, hỗ trợ cả cho những người được mua vé về mà không đủ tiền mua vé…

Trước ngày chuyến bay cất cánh, cộng đồng các xưởng may ở Orekhovo Zuevo đã phát thông báo may tặng bà con trở về quần áo phòng hộ, các hội nhóm khác đăng kí tặng mũ và mặt nạ chống giọt bắn, người sẵn sàng làm tình nguyện viên giúp đỡ bà con ở sân bay…

Đặc biệt, những ngày trước đó, lời kêu gọi thống thiết, tìm người nhiệt tâm ôm hộ bình tro cốt của những đồng bào xấu số qua đời trong mùa dịch, không có người thân đưa rước, không có người thân theo cùng, đã lập tức nhận được sự đồng tình, hưởng ứng. Người Việt mình trong lúc đắng cay hoạn nạn nhất, đã không bao giờ bỏ rơi nhau.

Những ngày căng thẳng dịch gia, ở Moskva, hầu như mỗi hôm lại thấy một cáo phó mới cho một người Việt nằm xuống, một người đã ngưng lại những bon chen vất vả cực nhọc đất khách quê người. Đọc những dòng cáo phó, nỗi đau dường như nhân lên gấp bội bởi cái nghèo, đơn chiếc, túng quẫn vẫn không thôi buông tha người đã mất. Nhưng rồi cộng đồng người Việt đã làm nỗi đau dịu lại phần nào, khi bảo ban nhau xúm lại lo cho người chết, lo ma chay, tang lễ, hoả táng, lo đưa được nắm tro tàn về trao cho gia đình, lo cả cho thân nhân của người chết bằng những đồng rúp quyên góp, bằng cả tấm lòng và sự đồng cảm của những người cùng phận khó với nhau…

Giờ thì bà con trên chuyến bay về nước đã dần dần ổn định ở khu cách ly, để sau 14 ngày, hoà mình vào cuộc sống bình thường mới. Những người còn lại ở Moskva vẫn sát cánh bên nhau đi qua những ngày thương khó. Nhưng vẫn còn nguyên cả loạt câu hỏi, cả loạt nghi vấn trên chuyến bay của Vietnam Airlines đang cuộn sôi trong lòng bao người. Theo những đoạn clip, những bức ảnh được truyền thông giới thiệu, chia sẻ về các hành khách của chuyến bay, thì thật đáng ngạc nhiên, số hành khách là trẻ em và người lớn tuổi rất ít. Hầu hết số người trên chuyến bay là ở độ tuổi thanh niên và trung niên. Loại khỏi đó một số em, một số cháu là học sinh, lưu học sinh, những người trẻ còn lại thuộc đối tượng nào trong các đối tượng được ưu tiên về nước. Hay những dị nghị truyền tai nhau về chuyện “bán suất”, về những tiêu cực trong khâu xét duyệt danh sách là có thật. Sẽ không quá khó khăn để những người có trách nhiệm trả lời cho cộng đồng, Ai – Những ai đã được mua vé bay, Những Ai đúng tiêu chuẩn và những ai đi theo một tiêu chuẩn khác… Trong bối cảnh nước nghèo, nguồn lực hạn chế, Chính phủ và các bộ ngành, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cùng Vietnam Airlines tổ chức các chuyến bay đưa bà con hoạn nạn về nước, là thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Chính sách tốt đẹp đó không thể có chỗ cho những kẻ táng tận lương tâm, lợi dụng chính sách, lợi dụng sự khốn cùng của bà con để mưu lợi riêng mình. Hoá giải những thắc mắc này, không có gì khó khăn ngoài cách, những người có trách nhiệm hãy trả lời cho cộng đồng, hãy công khai danh sách khách bay, một danh sách không thuộc danh mục bí mật nào…

 

123

Bài viết về Nguyễn Vũ Trường Sơn và PVN

Fb Giang Le, 17-3-2019

Cách đây gần 30 năm anh dắt tôi xuống Vũng Tàu xin vào Vietsovpetro, một trong những chỗ làm mơ ước của nhiều người thời đó. Cầm tấm bằng đỏ kỹ sư điện ở Nga về, đúng chuyên môn, biết tiếng Nga, lại gặp thời VSP đang muốn nâng số lượng kỹ sư người Việt, cả tôi và anh rất tự tin nộp hồ sơ vào phòng tổ chức của Liên doanh (tên bình dân của VSP thời đó) rồi ra về, chắc mẩm vài tuần nữa sẽ được gọi đi làm.

Đợi hơn 1 tháng chẳng thấy động tĩnh gì, nói chuyện với một cậu bạn nối khố bị cậu ấy mắng cho: mày đúng là ngu lâu, người ta phải mất 5-10 cây chỉ để xin vào làm công nhân ở đó, anh mày là cái gì mà tụi nó nhận không mày vào. Anh lúc đó là một kỹ sư trẻ đang lên ở giàn công nghệ trung tâm số 2, rất có chuyên môn và nhất là thuộc loại “vua biết mặt, chúa biết tên”. Không chỉ các sếp dầu khí (Hồ Sĩ Thoảng, Ngô Thường San, Phùng Đình Thực), hồi đó thu nhập bán dầu từ Bạch Hổ là cứu cánh cho chế độ nên hầu hết các lãnh đạo VN đều ra thăm giàn của anh vì đó là giàn lớn nhất (trực thăng dễ đáp xuống), anh luôn được giới thiệu là điển hình cho lớp kỹ sư trẻ người Việt đang nắm dần công nghệ khai thác dầu khí. Tên anh cũng xuất hiện không ít lần trên báo chí.

Nhưng chẳng phải vì “nổi tiếng” mà anh mắng tôi khi tôi thuật lại lời cậu bạn: “Việc đ** gì phải cho tiền tụi nó, tụi nó không nhận mày thì lấy ai làm việc”. Cuối cùng “tụi nó” … không nhận thật. [5 năm sau tôi mới chính thức trở thành “dân dầu khi”, nhưng cũng không phải “phong bì” cho ai cả mà được mời về để làm việc thực sự.] Không chỉ “ương bướng” trong vụ xin việc cho tôi, lúc đó anh còn khăng khăng không chịu “vào Đảng” bắt chấp sức ép của lãnh đạo VSP để cơ cấu anh làm giàn trưởng và của ông cụ rất “Bôn” của anh. Anh bảo tao chỉ muốn làm kỹ thuật.

Vài năm sau cuối cùng anh vẫn trở thành giàn trưởng của giàn công nghệ trung tâm số 2, một trong những vị trí kỹ thuật quan trọng nhất của VSP và ngành dầu khí lúc đó. Tôi nói đùa vậy là anh đã chịu vào Đảng, anh bảo tao phải vào vì không thể để những thằng dốt ngồi lên đầu mình được. Từ đó con đường “quan lộ” của anh rất thông thoáng, bởi năng lực, bằng cấp, kinh nghiệp đã có thừa, cái thẻ bài “Đảng viên” là rào cản cuối cùng đã được gỡ bỏ. Các lãnh đạo dầu khí có tâm đều hiểu “không cho những thằng như nó lên thì lấy ai làm việc”.

Hơn chục năm sau gặp tôi (lúc này tôi đã bỏ ngành dầu khi đi “buôn tiền”) anh hỏi: tại sao bọn tư bản [i.e. các công ty dầu khi phương Tây] khùng thế, bọn nó đấu thầu các dự án dầu khí ở Venezuela và Algeria với những mức giá không tưởng. Với mức giá đó bọn tao tính kiểu gì cũng lỗ. Tôi nói em đã ra khỏi ngành dầu khí từ lâu chẳng biết gì hơn anh, nhưng có thể tụi nó có cost of capital rất thấp (e.g. dùng leveraged debt hay raise equity từ những nguồn rẻ như các SWF). Cũng có thể bọn đi đấu thầu chỉ là những “flippers”, kiểu như những doanh nghiệp “chạy dự án” ở VN rồi ngâm đó để sau này đợi thị trường nóng lên rồi sang tên.

Bẵng đi một vài năm bất ngờ thấy báo chí đưa tin PVN ký kết một số dự án thăm dò/khai thác dầu khí ở nước ngoài. Chưa kịp gặp hỏi anh thì một cậu em ở PVEP nói: mấy cái này có phải PVN quyết đâu, chỉ khổ bọn em bây giờ phải cố gắng triển khai sao cho hiệu quả và ít tốn kém nhất thôi. Báo chí rùm beng lên thế chứ thực tế có rất nhiều vấn đề với các đối tác sở tại, thậm chí môi trường xã hội ở Bắc Phi, Ai Cập lúc đó rất lộn xộn, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của các cán bộ PVEP sang đó làm dự án. Tình hình Venezuela cũng bắt đầu xấu đi, và nhất là trữ lượng mỏ không như đánh giá ban đầu.

Lúc đó tôi đã có linh cảm xấu cho anh. Dù chỉ làm trong ngành dầu khí vài năm nhưng tôi đã chứng kiến nhiều vụ “đá bóng trách nhiệm” lên trên. Anh không đá được mà phải đứng mũi chịu sào coi như phải ngồi trên một quả bom nổ chậm. Linh cảm không lành đó lặp lại khi sau này có lần anh nửa đùa nửa thật nói: cứ như mày là khôn, bỏ hết ra đi để khỏi phải dính dáng đến những thứ bùng nhùng trong cái xã hội này. Tôi hỏi đùa lại anh: sau anh không đi, trình độ như anh tụi Exxon-Mobil hay BP sẵn sàng trả cả triệu đô để anh vận hành mỏ cho tụi nó. Anh không trả lời.

Vài năm lại qua đi, ngành dầu khí lúc này bị đánh tơi tả, tất nhiên chẳng có gì phải biện hộ cho sai trái của những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. May mắn là anh vẫn bình an và vẫn tiếp tục đi lên, có lẽ họ vẫn cần những người “làm việc thật sự”. Thế rồi sau một loạt xáo trộn giàn lãnh đạo của PVN thời hậu Đinh La Thăng, anh là một trong các phó TGĐ có khả năng lên tiếp, vợ anh hỏi tôi: em nghĩ anh ấy có nên lên nữa hay không. Tôi nói anh ấy là con người kỹ thuật thì chỉ nên ở chức phó thôi, TGĐ là một cuộc chơi khác, một cuộc chơi chính trị không hợp với tính cách của anh ấy. Trừ khi anh ấy vẫn không muốn “những thằng dốt ngồi lên đầu mình”.

Cuối năm 2014 anh vẫn ngồi lại chức phó, một phó khác là anh Nguyễn Quốc Khánh, một đồng nghiệp cũ của tôi, lên TGĐ. Rất tình cờ anh Khánh nói với tôi một câu y chang: chú mày ra đi là đúng, ở lại như bọn anh chỉ có khổ. Không lâu sau anh Khánh rơi vào vòng lao lý. Anh lên thay anh Khánh ở thời điểm ngành dầu khí tuột xuống đáy xã hội. Không chỉ có anh, một vài người anh/bạn cũ của tôi trong ngành tâm sự PVN mấy năm rồi gần như tê liệt, chẳng còn đầu tư/thăm dò mới nữa vì ai cũng sợ trách nhiệm. Cái vòng kim cô quản lý của chính phủ/Bộ Công thương ngày càng siết chặt. Tôi đã nhầm, trong cái cơ chế này dù có lên TGĐ vẫn không tránh được cảnh “thằng dốt ngồi lên đầu mình”.

Mấy hôm nay đọc các tin xấu liên quan đến anh, rồi thấy báo chí nhiệt tình quay lại “mổ xẻ” các sai phạm của PVN ở các dự án đầu tư ra nước ngoài, thấy một chút ân hận. Sao hồi anh qua Melbourne học không nghiêm túc thuyết phục anh ở lại, về tham gia vào cuộc cờ chính trị bẩn thỉu ấy làm gì. Bởi dù mình có trong sạch, có muốn làm việc đàng hoàng, chắc gì cái cơ chế đó đã cho mình làm người tử tế, chắc gì không bị “những thằng dốt ngồi lên đầu”. Rồi mình phải đi “đổ vỏ”, trở thành “scapegoat”, hoặc “proxy” của các cuộc đấu đá chính trị trước mỗi kỳ đại hội. Thôi thì chỉ còn hi vọng…

Cách đây hơn 20 năm chỉ vài tháng trước khi đi du học lần thứ hai tôi bị dính vào một vụ điều tra của PA17. Mấy tuần liền bị gọi lên Nguyễn Đình Chiểu thẩm vấn, viết tường trình liên tục. Sau 2 tháng là nghi can chính (vì bị một nhân chứng khai bất lợi), cuối cùng hai cán bộ PA17 gặp tôi thông báo họ hủy điều tra vì tin vào lời khai của tôi và nhất là không muốn hủy hoại tương lai của tôi (chắc chắn tôi đã không đi du học được nếu họ tiếp tục điều tra). Cho đến giờ này tôi vẫn tự hào trong cuộc đời mình chưa bao giờ phải “phong bì” cho ai, kể cả hai anh công an đó. Tất nhiên tôi rất biết ơn họ.

Thôi thì hi vọng anh sẽ gặp những người tử tế và có lương tâm như vậy, chắc chắn họ vẫn còn trong xã hội này.

PS. Một chi tiết tôi muốn làm rõ với giới báo chí về signing bonus trong vụ Junin 2. Tôi không phải người trong cuộc nên không có ý kiến gì về số bonus cụ thể đó. Nhưng việc các nhà thầu trả signing bonus cho nước sở tại khi ký hợp đồng Concession hay PSA là thông lệ trong ngành dầu khí quốc tế. VN đã từng nhận được kha khá signing bonus khi giao quyền thăm dò khai thác và ăn chia sản phảm với các hãng dầu khí nước ngoài. Tùy hoàn cảnh cụ thể và strategy của nươc chủ nhà mà họ đòi các mức signing bonus khác nhau. Thường để tránh flippers (như đã viết bên trên) thì họ muốn bonus ban đầu cao.

(Disclosure: Tôi là em họ của Nguyễn Vũ Trường Sơn.)