“BORISTO NGUYỄN ĐÃ BÉ CÁI NHẦM” HAY LÀ TRÒ LÁU CỦA NGUYỄN HUỆ CHI?

Bài đăng trên tạp chí Văn nghệ TP HCM, số 534, 21-2-2019 (phần 1) và số 535, 28-2-2019

1. Trong bài viết Có phải GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung[1] tôi có đưa ra những bằng chứng về việc Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Nguyễn Lang và từ đó suy ra phát hiện Trần Tung của Nguyễn Huệ Chi chỉ là kết quả ăn cắp. Trước hết, tôi xin rút lại kết luận này với lí do có chỗ sơ suất trong chứng minh. Logic của tôi rất đơn giản: nếu trong Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần[2] – bài viết công bố việc tìm ra Trần Tung vào năm 1977 mà Nguyễn Huệ Chi đạo văn từ cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (viết tắt: VNPGSL)[3] xuất bản trước đó 4 năm của Nguyễn Lang thì chứng tỏ ông đã ăn cắp kết quả của người đi trước. Vì ở xa, không có điều kiện để có bản in năm 1977, tôi nhầm nghĩ nó được in lại ở những lần sau (trong Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, NXB Giáo dục, 2013 hay tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4, 2014). Hai bài trùng tên nhưng khác ruột.

Ông Nguyễn Huệ Chi thấy đấy, khác với ông, những gì mình làm sai tôi sẵn sàng nhận lỗi, chứ không lấp liếm quanh co.

2. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huệ Chi cũng đừng mừng vội! Chuyện đạo văn vẫn còn nguyên đó. Ông viết: “Trong tuyển tập in 2013 ông chỉ tìm được một đoạn phỏng dịch có 3 câu “gần như giống từng chữ từng từvới Nguyễn Lang, chắc tên kẻ cắp sơ ý chưa xóa hết, thì trong văn bản 1977 tất ông phải tìm được nhiều hơn nhiều.”[4] Xin thưa, vì bài dài nên Văn nghệ TP HCM cắt môt nửa, phần phụ lục không đăng và chính vì vậy mà ông không nhìn thấy hết những chỗ mình đã đạo văn. Trong phần phụ lục bản đầy đủ có trích lại văn bản của hai người cũng như ghi lại 10 nhận xét về những chỗ mà Nguyễn Huệ Chi đã đạo văn. Bài viết đầy đủ có thể xem tại blog của Boristo Nguyen[1]. Và đây là tóm lược về chúng:

Ngoài nhận xét 10 (xem Phụ lục 1) về việc 2 đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi hao hao, từa tựa nhau và nhận xét 1 chưa đủ thuyết phục, các nhận xét còn lại chia thành 3 loại sau:

  • 1 chỗ (nhận xét 3): câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối.
  • 4 chỗ (nhận xét 2, 7, 8, 9): câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối, và khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.
  • 3 chỗ (nhận xét 4,5,6): nội dung/thông tin đều có trong các văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi nhưng không có hoặc khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.

Lưu ý: tất cả những trùng lặp, sao chép của ông Nguyễn Huệ Chi nói ở đây chỉ là trong một đoạn văn ngắn khoảng một trang giấy với 756 chữ.

Tôi biết, Nguyễn Huệ Chi lâu nay vẫn vô tư coi chuyện sao chép của người khác mà không ghi nguồn là bình thường. Nguyễn Huệ Chi viết: “Tôi xin nhắc để Boristo Nguyen biết là trong giới dịch Hán văn trước nay, trên cùng một bản dịch, thế hệ đi sau nhiều khi mượn của thế hệ đi trước một đôi chữ đôi câu, chẳng thành vấn đề gì cả. Như trong phần dịch Thượng sĩ ngữ lục của Thiền sư Thích Thanh Từ năm 1996 mà bài ông có nhắc đến, ông sao chẳng để ý rằng nhiều bài thơ Thiền sư Thích Thanh Từ đã mượn hẳn lời dịch của chúng tôi hoặc của dịch giả Trúc Thiên. Vào đầu, Thiền sư đã dẫn tên chúng tôi cũng như tên Trúc Thiên, xem là những người đã có “những bài dịch hay công bố trước mình”. Ông mượn nó rồi sửa thêm ít nhiều, tôi nghĩ cũng chẳng sao, bởi trong kinh nghiệm dịch, chúng tôi rất biết, có những bản dịch của người trước tạm gọi là đã “thành”, muốn thay thế dăm bảy chữ thì được nhưng thay hết là bất khả” rồi sau đó để làm ví dụ đã đưa ra mấy bài thơ mà Thiền sư Thích Thanh Từ dịch lại của các ông.

Trước hết, để nhắc lại với ông Nguyễn Huệ Chi khái niệm thế nào là đạo văn tôi mượn tạm định nghĩa của GS Nguyễn Văn Tuấn[5]: “Đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình.  Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.”

Quay lại các bài thơ mà ông nhắc tới. Trong Lời đầu sách trước khi dịch lại các bài thơ Phóng cuồng ngâm, Trữ tình tự răn, Thói đời hư dối [6] Thiền sư Thích Thanh Từ đã có những dòng này: “Trước đây, ông Trúc Thiên đã phiên dịch quyển sách này từ chữ Hán ra chữ Việt và xuất bản năm 1968. Sau này trong THƠ VĂN LÝ –  TRẦN  tập II do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội cũng dịch ra. Hai bản dịch trên khá hay, song thỉnh thoảng có đôi chỗ không thích hợp lý Thiền. Chúng tôi nương theo hai bản dịch này, dịch lại và giảng rõ ra, cốt giúp độc giả dễ cảm nhận và dễ lãnh hội. Chúng tôi chân thành tri ân những nhà dịch trước, đã đóng góp lớn lao cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam và cho công tác gây dựng lại “TỦ SÁCH PHẬT GIÁO VIỆT NAM” của chúng tôi.” Như vậy, Thiền sư Thích Thanh Từ đã chỉ rõ lí do tại sao phải dịch lại, nói đúng hơn, dịch lại những chỗ mà ông coi các bản dịch trước chưa đúng tinh thần lý Thiền. Quan trọng hơn, Thiền sư ghi nguồn, tên những người dịch trước và nói rõ là nương theo các bản dịch đã có!

Ông có thấy sự khác nhau giữa ông với Thiền sư Thích Thanh Từ? Một bên sao chép nhưng giấu nhẹm không ghi nguồn, còn bên kia ghi rõ ràng “nương theo hai bản dịch” của Trúc Thiên và Thơ văn Lý – Trần (viết tắt: TVLT)? Hay ông vẫn không thể hiểu thế nào là đạo văn?

3. Liệu có phải Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung từ năm 1973? Nguyễn Huệ Chi viết: “… Sách Thơ văn Lý – TrầnTập I đúng là in xong năm 1977, và bài viết của tôi trên Tạp chí Văn học cũng ra đời cuối tháng Tám năm đó. Nhưng đừng cố ý đánh đồng hai chuyện lại. Đối thoại với nhau trên tinh thần cốt tìm ra chân lý thì không ai phớt lờ một sự thực mà Đặng Văn Sinh đã tìm hiểu nghiêm túc và chỉ dẫn đến nơi đến chốn: tuy sách Thơ văn Lý – Trần Tập I in xong năm 1977 nhưng thực tế nó đã hoàn thành nhiều năm trước, bởi bản thảo phải trải qua nhiều khâu duyệt, khoảng cuối năm 1973 được Viện Văn học đưa sang NXB KHXH, NXB này lại đưa cho Viện Sử học đọc, đến giữa 1974 mới chuyển tới Nhà in Thống nhất. Tiếp đó đến khâu xin chữ Hán và xếp chữ Hán cực kỳ vất vả của Nhóm soạn giả cùng với công nhân xếp chữ tiếng Việt, ròng rã gần 4 năm.”

Bạn đọc đọc lại bài của Đặng Văn Sinh[7] thì sẽ thấy lập luận giống hệt của Nguyễn Huệ Chi. Có vị ở Viện Văn học còn nói với tôi: bài viết chắc là của Nguyễn Huệ Chi nhưng nhờ Đặng Văn Sinh đứng tên. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ khác. Thứ nhất, Đặng Văn Sinh chép lại đoạn văn trong Những năm tháng với Phong Lê, bài viết của chính Nguyễn Huệ Chi đăng trên Talawas, coi đó là chân lí và là luận cứ để bảo vệ cho “thân chủ” của mình. Thêm nữa, rồi cũng chính từ việc chép lại những lời kể mà không ai có thể kiểm chứng để phát biểu giống hệt như Nguyễn Huệ Chi: “Có thể nói, ở miền Bắc Nguyễn Huệ Chi là người đầu tiên nêu nghi vấn Tuệ Trung Thượng sĩ không phải là  Trần Quốc Tảng kể từ năm 1973 trong bộ sách Thơ văn Lý – Trần ở mục “Khảo luận văn bản” trang 113, 114, 115 do NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1977”. Sách in năm 1977, ngoài những lời kể của chính Nguyễn Huệ Chi thì dựa vào chứng cứ nào mà Đặng Văn Sinh nói “…kể từ năm 1973”?.  Thế thì “một sự thực mà Đặng Văn Sinh đã tìm hiểu nghiêm túc và chỉ dẫn đến nơi đến chốn” là sự thực gì?

Như vậy, để chứng minh Nguyễn Huệ Chi là đúng Đặng Văn Sinh đã dùng lời của Nguyễn Huệ Chi. Và giờ đây, để chứng minh mình đúng Nguyễn Huệ Chi lại sử dụng “sự thật” của Đặng Văn Sinh. Hỏi thực ông Nguyễn Huệ Chi, ông có thấy hài hước không?

Quay lại câu hỏi, liệu có đúng Nguyễn Huệ Chi phát hiện ra Trần Tung vào năm 1973?

Ông Nguyễn Huệ Chi cứ cãi, cứ kể lể, đưa ra hết câu chuyện này đến câu chuyện khác để chứng minh nhưng trên thế giới chưa từng có tiền lệ công nhận các kết quả khoa học thông qua lời kể! Kết quả khoa học chỉ được xét trên cơ sở những gì đã công bố chính thức.

Trọng chứng chứ không trọng cung!

Nếu Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung năm 1973 sao suốt mấy năm liền sau đó không thấy ông đăng đàn công bố ở đâu?

Tiếp theo là về những “câu chuyện cổ tích” của ông Nguyễn Huệ Chi. Liệu có thể tin những điều mà ông kể khi không có bất cứ chứng cứ nào đi kèm? Liệu có thể tin khi mà Nguyễn Huệ Chi đã không ít lần nói dối và trí trá, chẳng hạn: TVLT  tập 1 xuất bản năm 1977. Nguyễn Hưng Quốc sinh năm 1957, tốt nghiệp ĐHSP TP. HCM  năm 1979, năm 1985 mới rời Việt Nam sang Pháp và năm 1991 sang Úc định cư (wiki). Thế mà Nguyễn Huệ Chi dám bịa đặt: “Ít lâu sau nữa, từ Úc Châu, từ Canada, và từ Pháp, các học giả Nguyễn Hưng Quốc, Trần Văn Tích và Claudine Salmon đã viết những lời đầy khích lệ làm tôi ấm lòng”. Còn bức hình 1 dưới đây là ví dụ khác về chuyện trí trá của Nguyễn Huệ Chi.

Hình 1. Nguyễn Huệ Chi nói dối

Hình 1. Nguyễn Huệ Chi nói dối

Còn nhiều điều dối trá khác tôi sẽ liệt kê hầu bạn đọc trong một bài tiếp theo để trả lời bài Về bài “thưa lại” của ông Boristo Nguyen[8] mà Nguyễn Huê Chi đã đăng trên trang diendan.org.

Với một người hay trí trá, nói dối như vậy thì lấy cơ sở nào để tin vào những điều Nguyễn Huệ Chi kể?

Quay lại với những lời kể lể của Nguyễn Huệ Chi: « … tuy sách Thơ văn Lý – Trần Tập I in xong năm 1977 nhưng thực tế nó đã hoàn thành nhiều năm trước, bởi bản thảo phải trải qua nhiều khâu duyệt, khoảng cuối năm 1973 được Viện Văn học đưa sang NXB KHXH, NXB này lại đưa cho Viện Sử học đọc, đến giữa 1974 mới chuyển tới Nhà in Thống nhất. Tiếp đó đến khâu xin chữ Hán và xếp chữ Hán cực kỳ vất vả của Nhóm soạn giả cùng với công nhân xếp chữ tiếng Việt, ròng rã gần 4 năm. Phần viết 2 trang rưỡi về Trần Tung và Thượng sĩ ngữ lục trong Khảo luận của tôi cũng in đầy chữ Hán giản thể, chứng tỏ nó đã xong cùng toàn bộ bản thảo một lần. Không thể giả thiết 2 trang rưỡi này “chèn thêm vào sau” vì: 1. Chữ Hán giản thể là xin của báo Tân Việt Hoa thuộc ĐSQ Trung Quốc giữa 1974. Sau 1975, khi Khmer Đỏ trở về Campuchia và gây rối biên giới Việt Nam kể từ ngày 2, nhất là ngày 4-5-1975 đánh chiếm ngay đảo Phú Quốc, thì quan hệ với ĐSQ Trung Quốc trở nên căng thẳng, cán bộ bình thường đến đó giao thiệp không được nữa nếu không có lệnh từ cấp cao. Muốn xin chữ Hán tất nhiên cũng bó tay. 2. Sách in hiện đang còn, cứ nhìn chữ in không xộc xệch, không hàng nào xô lệch đến mất cân đối thì biết, khó có một người nào đủ khả năng phù phép để nhét thêm 2 trang rưỡi vào cho 632 khuôn chì đã xếp chữ gần như trọn vẹn, chuẩn bị đưa lên máy in, trừ phi tháo dỡ hết cả ra (phần Khảo luận của tôi lại nằm ở ngay đầu). Hãy thanh thỏa với nhau chuyện ấy cho gọn đi

Thú thực tôi phải khâm phục cái tài của ông Nguyễn Huệ Chi khéo kể chuyện cổ tích, dẫn dụ người đọc đi theo ý của mình. Tôi có hỏi chị L người học chuyên ngành in và có mấy chục năm công tác tại các nhà in Tiến Bộ, Diên Hồng trước nghỉ hưu. Những bước cơ bản của việc sắp chữ sơ bộ như thế này: tùy theo máy in lớn nhỏ mà người ta ghép 8, 16, 32… trang in vào 1 khuôn. Các trang được tạo từ bát chữ. Thợ sắp chữ xếp các con chữ vào bát chữ và sau đó dùng dây để buộc thật chặt, cố định bát chữ. Tiếp theo là bước dàn trang, xếp các trang và bát chữ vào các khuôn. Với hình ảnh, sơ đồ hay hình vẽ người ta có thể chụp phim rồi phơi bản kẽm. Các bản kẽm này được xếp cùng với các con chữ trong các bát chữ, tùy theo nội dung của trang sách.

Để nhét thêm 2 trang rưỡi không cần phải tháo rỡ toàn bộ 632 trang ra làm lại từ đầu! Để chèn 2 trang rưỡi này phải làm các việc sau:

  • Sắp lại chữ các trang tính từ trang chèn cho đến hết trang mà trang tiếp theo bắt đầu lại từ đầu trang, không quan trọng trang trước đó có đầy trang hay không. Cụ thể trong trường hợp này: nếu chèn 2,5 trang vào trang 113 của TVLT tập 1 thì sẽ chỉ phải xếp chữ từ trang 113 cho đến hết trang 136 nếu coi trang 137 (BẢNG III: về thơ) được bắt đầu lại từ đầu. Như vậy chỉ phải sếp chữ lại có 24 trang. Nếu không muốn thì cũng chỉ phải sắp chữ lại cho đến hết trang 139 (mục mới của Khảo luận văn bản), thêm 3 trang nữa.
  • Dàn lại trang: chuyển dịch tịnh tiến các trang và bát chữ vào các khuôn theo trật tự mới; gắp rút ra và thay lại số trang theo số thứ tự mới. Thông thường việc dàn lại trang mất không quá ½ số thời gian sắp chữ.

Như vậy, ai bảo để chèn trang phải rỡ ra làm lại từ đầu?

Thêm nữa, khi tôi gửi cho chị bạn xem cuốn TVLT tập 1 và hỏi: liệu có chuyện «Nhóm soạn giả cùng với công nhân xếp chữ tiếng Việt, ròng rã gần 4 năm»? Chị cười và nói: «Nếu vậy thì nhà in ăn cháo à?» Chị nói thêm mấy ý: 1) Không có chuyện tác giả vào cùng xếp chữ với công nhân, đơn giản vì không có tay nghề. Một trong những điều rất khó là người sắp chữ phải biết đọc chữ ngược, xếp từ bên phải qua. Như vậy, không phải cứ biết chữ Hán là có thể đọc được chữ ngược. Nhà in họ có các công nhân chuyên sắp chữ cho các tiếng nước ngoài. 2) Cỡ cuốn TVLT (tập 1) này thì xếp chữ hết khoảng 1 tuần, nhiều lắm là 2 tuần. Khi tôi hỏi lại, liệu có thể nhiều hơn, hết vài năm hay cả năm không? Chị nói, cùng lắm là một vài tuần chứ không có chuyện kéo dài hàng tháng, hay cả năm. Chị nhắc lại: «Nếu mất cả năm trời thì nhà in có mà ăn cháo!».

Tôi thì cứ lại nghĩ, chắc ông Nguyễn Huệ Chi khéo nói nên nhà in Thống Nhất họ cử một đội công nhân mấy năm không làm gì mà chỉ chuyên phục vụ chơi trò sắp chữ với nhóm tác giả TVLT của ông. Tính thô: 632 trang, sắp hết 4 năm, mỗi năm 365/366 ngày kể cả ngày nghỉ ngày lễ, mỗi ngày sắp chưa được 1 trang? Nghe có vẻ giống như chuyện Những Người Thích Đùa của Aziz Nesin?

Cứ theo cái cách của Nguyễn Huệ Chi thì mỗi lần in ấn có chữ Hán lại phải chạy sang ĐSQ TQ xin chữ và khi quan hệ hai nước căng thẳng thì bó tay? Nếu vậy thì ngay TVLT tập 3 in năm 1978 hay các ấn phẩm khác lấy đâu ra chữ mà sắp, theo ông?

Nguyễn Huệ Chi viết: «bản thảo phải trải qua nhiều khâu duyệt, khoảng cuối năm 1973 được Viện Văn học đưa sang NXB KHXH … đến giữa 1974 mới chuyển tới Nhà in Thống nhất » nhưng cuối Lời nói đầu của TVLT tập 1 lại ghi rõ 30 tháng 12 năm 1974 (xem hình 1 ở trên). Điều này được hiểu thế nào? Hoặc là ông nói dối, hoặc là khi đưa bản thảo qua nhà xuất bản hay thậm chí qua nhà in mà chưa có Lời nói đầu?. Một cuốn sách đồ sộ, một công trình trọng điểm của Viện Văn học dưới sự chỉ đạo chặt chẽ theo như ông nói, lại qua nhiều khâu duyệt mà bản thảo đưa tới tận nhà in không có Lời nói đầu? Lời nói đầu nằm ngay đầu cuốn sách, mà theo ông nói «khó có người nào đủ khả năng phù phép để nhét thêm» thì nó chui vào sách bằng cách nào?

Nói dối thì cũng phải sao cho khớp chứ thưa ông Nguyễn Huệ Chi!

Hình dưới là thêm một bằng chứng nữa về việc Nguyễn Huệ Chi nói dối. Trong hai năm 1973-1974 các ông còn đang tìm tòi tư liệu thì làm sao TVLT tập 1 đã qua nhiều khâu duyệt và đưa sang NXB KHXH cuối năm 1973?

Hình 2. Nguyễn Huệ Chi lại nói dối

Hình 2. Nguyễn Huệ Chi lại nói dối

4. Nguyễn Huệ Chi tiếp xúc với kết quả của Nguyễn Lang khi nào?

Nguyễn Huệ Chi quanh co, bịa đặt để người đọc lầm tưởng rằng ông đã tìm ra Trần Tung từ năm 1973. Tại sao lại là 1973 mà không phải là năm khác, 1974 hay 1975 chẳng hạn? Tôi nghĩ, chắc không phải Nguyễn Huệ Chi chọn vu vơ mà là có chủ ý. Năm 1973 Nguyễn Lang (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) trong cuốn VNPGSL (NXB Lá Bối) đã công bố việc tìm ra được Tuệ Trung Thượng sĩ chính là Trần Quốc Tung, anh cả chứ không phải là Trần Quốc Tảng con lớn của Trần Hưng Đạo. TVLT tập 1, trong đó Nguyễn Huệ Chi công bố tìm ra Trần Tung in năm 1977. Một câu hỏi dễ được đặt ra là liệu có phải Nguyễn Huệ Chi đã được đọc VNPGSL và biết được phát hiện của Nguyễn Lang trước đó? Câu hỏi là tự nhiên vì các lí do: 1) Nguyễn Huệ Chi công bố sau Nguyễn Lang 4 năm; 2) Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất giới khoa học miền Bắc được tiếp xúc với các tài liệu và kết quả khoa học của miền Nam, chưa nói đến chuyện ngay cả trước 1975 sự trao đổi sách báo giữa hai miền hay giữa Bắc Việt Nam và người Việt ở Pháp tuy rất ít nhưng vẫn có; 3) Nguyễn Lang có một vị thế và uy tín rất lớn trong giới khoa học xã hội. Chính vì vậy mà nhiều người có thể đặt câu hỏi về việc phát hiện Trần Tung của Nguyễn Huệ Chi.

Cây ngay không sợ chết đứng! Nếu ông Nguyễn Huệ Chi thực sự tự mình tìm ra Trần Tung thì cần gì phải bịa ra chuyện này chuyện khác để rồi «gậy ông lại đập lưng ông»? Phải chăng xuất phát từ «linh cảm khác thường» hay từ cái complex (phức cảm tự ti) lo sợ người khác nghi ngờ về tính trung thực của mình?

Đẩy lùi «phát hiện» về năm 1973 mới là một cách. Ông còn có nhiều cách khác để gây hỏa mù nhằm dẫn lái người đọc khỏi sư nghi ngờ về tính trung thực khoa học của mình.

Chắc bạn đọc đều đồng ý với tôi về những điều sau:

  • Tìm kiếm có thể mau hay lâu, nhưng tìm thấy chỉ xảy ra ở một thời điểm! Trước thời điểm đó là chưa thấy, sau thời điểm đó là đã tìm thấy.
  • Nếu người khác đã tìm thấy và người đi sau đã biết đến kết quả thì không thể lại tìm thấy một lần nữa. Vật đã thấy rồi thì còn tìm thấy cái gì? Hơn nữa, nếu «tác giả»  giấu chuyện đã được biết kết quả trước đó và vẫn tuyên bố mình tự tìm ra một cách độc lập thì đó là vi phạm đạo đức khoa học.

Vậy câu hỏi sẽ là: Nguyễn Huệ Chi đã được làm quen với kết quả mà Nguyễn Lang công bố trong VNPGSL (1973) khi nào, trước hay sau khi «phát hiện» ra Trần Tung?

Việc Nguyễn Huệ Chi được thâm nhập rất sớm với VNPGSL nhiều đồng nghiệp của ông có biết. Trong các lần tái bản VNPGSL tập 1 do nhà NXB Văn học phát hành (1992, 1994) có ghi: “Chúng tôi còn được giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người từng có điều kiện thâm nhập hai tập Việt Nam Phật giáo sử luận từ rất sớm, vui lòng viết Lời giới thiệu in vào đầu trang sách cũng như soát kỹ lại bản thảo“. Bản thân ông cũng cũng có nói đến điều này không chỉ một lần. Vấn đề là thời điểm!. Thực tình, thời điểm khi nào chỉ một mình ông biết. Tuy nhiên các phát biểu của Nguyễn Huệ Chi về vấn đề này thường xuyên bất nhất và có nhiều điểm dễ gây nghi ngờ. Có cảm giác Nguyễn Huệ Chi một mặt thì cố tỏ ra công khai là mình biết kết quả của Nguyễn Lang nhưng mặt khác lại cố tình đẩy lùi thời điểm ra sau khi “phát hiện” ra Trần Tung (TVLT tập 1 in xong ngày 20-8-1977).

Nếu thực sự Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung trước khi biết đến VNPGSL của Nguyễn Lang thì việc gì ông cứ quanh co, mỗi lần nói một khác?

Trong Lời giới thiệu của VNPGSL tập 1 (NXb Văn học, 1994, trang 19, chú thích 2) Nguyễn Huệ Chi viết: “Người viết bài này, mặc dù không có hân hạnh quen biết tác giả, vào cuối năm 1978 cũng nhận được 2 tập sách gửi qua Bộ Ngoại gia đến Nxb. Khoa học xã hội (là nơi in xong Thơ văn Lý – Trần, tập I) với lời đề tặng trân trọng.”

Hình 3. Tặng sách VNPGSL

Hình 3. Nguyễn Huệ Chi nói được nhận sách VNPGSL do Nguyễn Lang tặng vào cuối năm 1978

Còn đây là bức thư gửi giáo sư Hoàng Xuân Hãn do Viện trưởng Viện Văn học Hoàng Trung Thông kí ngày 23-6-1978.

Hình 4. Thư Hoàng Trung Thông gửi Hoàng Xuân Hãn

Hình 4. Thư gửi GS Hoàng Xuân Hãn, ngày 23-6-1978

Chúng ta thấy gì qua bức thư này?:

  • Trong thư kí ngày 23-6-1978 chỉ rõ Nguyễn Huệ Chi trước đó đã được nhận sách tặng, thời điểm phải trước ngày 23-6-1978 chứ không thể là cuối năm 1978. Chẳng nhẽ Nguyễn Lang hứng chí gửi tặng thêm lần nữa?
  • TVLT tập 1 in xong 20-8-1977, Nguyễn Huệ Chi nhận sách tặng nửa đầu năm 1978. Sách in xong, phải làm các thủ tục này nọ, đưa vào hệ thống phát hành, ai đó biết được mua sách gửi sang Pháp cho Nguyễn Lang, rồi ông đọc thấy tâm đắc và gửi sách về Việt Nam tặng lại Nguyễn Huệ Chi. Sách thì dày, đọc chắc không nhanh như tiểu thuyết. Đây là một quá trình qua nhiều công đoạn và thường mất không ít thời gian. Tất nhiên, mọi chuyện đều có thể nhưng quá trình nói trên xảy ra trong quãng thời gian chỉ hơn nửa năm thì đó là một tốc độ kỉ lục! Ta cũng nên nhớ, thời kì đó chuyện quan hệ với nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam là không hề đơn giản và phải được phép của tổ chức. Bức thư trên chứng tỏ điều này.
  • Như vậy, Nguyễn Huệ Chi tiếp cận với VNPGSL là qua sách tặng của Nguyễn Lang chứ chẳng có đồng chí nào mách như ông kể: “Gần đây, có đồng chí mách cho biết: trong cuốnViệt Nam Phật giáo sử luận (Lá Bối; Sài Gòn; 1974) Nguyễn Lang cũng có ý kiến giống chúng tôi về tác giả đích thực của Thượng sĩ ngữ lục[2]. Hơn nữa cũng chẳng có chuyện định kiến Thích Nhất Hạnh là “tên biệt kích văn hóa thực dân mới” (cùng một giọng như Đặng Văn Sinh – BN thêm) đến những năm này rồi vẫn cứ còn lởn vởn trong nhiều đầu ócđể Nguyễn Huệ Chi “đánh bạt đi” [4] .

Trong bài Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm Nguyễn Huệ Chi lại đưa ra thời điểm khác: «Nói thêm cho Boristo Nguyen rõ: trong bài viết đăng trên Tạp chí Văn học năm 1977 tôi đã đọc Nguyễn Lang. Tôi đọc cả bản dịch Thượng sĩ ngữ lục của Trúc Thiên do Lá Bối, Sài Gòn, in năm 1969. Ông hãy đi lục tìm hồ sơ ở Vụ Tổ chức UBKHXH thì may ra tìm được: đầu tháng  8-1977 người bố của tôi được điều động từ Sài Gòn ra công tác ở Ban Hán Nôm. Ông ra, mang cả sách ra cho tôi. Tuy mới đọc vội, tôi đã chú thích Nguyễn Lang ngay trên trang đầu bài viết, cốt thông báo với toàn giới nghiên cứu Cổ cận đại tin tức nóng hổi này… »[4]. Thời điểm đưa ra lần này là sớm hơn (tuy vẫn trong ngưỡng an toàn) vào đầu tháng 8-1977. Tuy nhiên, điều ông kể cũng chẳng có gì làm bằng chứng. Ngược lại, người đọc dễ có chút nghi ngờ liệu ông Nguyễn Huệ Chi có lại nhớ nhớ quên quên rồi «nhầm» thời điểm hay không? Bài viết Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý – Trần  được đăng trên Tạp chí Văn học số 4 cho hai tháng 7 và 8-1977. Thường để đăng trên tạp chí khoa học tác giả phải gửi bài trước đó khá lâu rồi qua các khâu duyệt, biên tập, đưa vào nhà in sắp chữ, in ấn. Sách mang ra đầu tháng 8. Lần đầu tiên có sách không biết nội dung trong đó có gì, muốn biết phải đọc. Đọc sách, thấy thông tin cần thiết muốn bổ sung phải đưa Tòa soạn để sửa bài rồi lại «tháo dỡ toàn bộ khuôn đã xếp chữ» để in, ông Nguyễn Huệ Chi nhớ chưa? Lại là một tốc độ kỉ lục! Chắc Tạp chí Văn học làm việc tùy tiện chẳng cần qui trình mà các tạp chí khoa học vẫn làm?

Thời điểm chính xác mà Nguyễn Huệ Chi lần đầu được tiếp xúc với VNPGSL có lẽ chỉ có một mình ông biết. Những điều trình bày ở mục này chưa đủ để xác định thời điểm mà Nguyễn Huệ Chi biết được kết quả của Nguyễn Lang. Tuy nhiên, những bất nhất, mâu thuẫn và những điều không bình thường trong các phát biểu của Nguyễn Huệ Chi đã làm người đọc nghi ngờ về sự trung thực của ông.

5. Cách tìm ra Trần Quốc Tung/Trần Tung, những điểm giống và khác nhau giữa Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Lang?

Trước hết tôi đính chính lại một số phát biểu của Nguyễn Huệ Chi.

5.1 Nguyễn Huệ Chi cho là mình khẳng định một cách chắc chắn, còn Nguyễn Lang thì không. Ông viết và trích lời của Nguyễn Lang: «Nguyễn Lang không như tôi, khẳng định rất chắc chắn, có lẽ dựa trên sự linh cảm khác thường: “Sách Hoàng Việt Văn Tuyển nói Tuệ Trung Thượng Sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo. Sự thực thì tuy Tuệ Trung Thượng Sĩ có tước hiệu là Hưng Ninh Vương nhưng ông không phải tên là Trần Quốc Tảng, cũng không phải là con Trần Hưng Đạo. Ông là anh cả của Trần Hưng Đạo và tên ông là Trần Quốc Tung[4]. Xin lỗi, đoạn trích bôi đậm «Sự thực thì … tên ông là Trần Quốc Tung» không chứng tỏ Nguyễn Lang khẳng định một cách chắc chắn thì là cái gì? Hơn thế, không chỉ trong VNPGSL in năm 1973 Nguyễn Lang còn công bố quốc tế tại Pháp năm 1974.

Hình 5. VNPGSL tiếng Pháp

Hình 5. Việt Nam Phật giáo sử luận, Paris, 1974. Công bố quốc tế về phát hiện Trần Quốc Tung

5.2 Nguyễn Huệ Chi gán cho Nguyễn Lang những cái «linh cảm khác thường», «dự đoán tài tình» và «Nguyễn Lang, do tư cách một người viết sử và một nhà tư tưởng Phật giáo thâm hậu, không hề coi việc tìm kiếm chi ly ai là tác giả Thượng sĩ ngữ lục là chuyện chính yếu. Nhiều chỗ ông chỉ mặc nhận bằng sự mẫn cảm, hoặc bằng tín niệm (như cái tên Trần Quốc Tung)». Bề ngoài làm ra vẻ ca ngợi, sử dụng những mỹ từ rất kêu nhưng thực chất Nguyễn Huệ Chi có dụng ý hạ thấp giá trị của Nguyễn Lang, coi phát hiện của ông không có tính khoa học, không dựa trên luận cứ chặt chẽ.

Là một nhà tư tưởng Phật giáo, thêm nữa lại là nhà sử học chẳng lẽ Nguyễn Lang không quan tâm chính xác ai là tác giả và có thể dễ dãi, đưa bừa một cái tên vào trong lịch sử Phật giáo? Xin lỗi, ông Nguyễn Huệ Chi nói lấy được!

Nguyễn Lang viết ngắn gọn, không cần tô vẽ, thêm “mắm, muối, gia vị” (chữ của Nguyễn Hòa) như Nguyễn Huệ Chi nhưng cũng đủ để chứng minh cho phát hiện của mình. Ta cùng xem lại chuyện tìm ra Trần Quốc Tung này:

Có các nhân vật chính: Tuệ Trung Thượng sĩ (Tuệ Trung), Trần Quốc Tảng, Trần Hưng Đạo, Trần Liễu, Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu.

Trước đây: từ Bùi Huy Bích (trong Hoàng Việt văn tuyển) mọi người nhầm Tuệ Trung thành Trần Quốc Tảng, con của Trần Hưng Đạo.

Việc xác định được Tuệ Trung Thượng sĩ là ai, nói thì dông dài, thực chất là con đường phải đi qua các điểm: 1) Điểm xuất phát: Bùi Huy Bích nhầm lẫn coi Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tảng; 2) Phát hiện ra Bùi Huy Bích sai lầm, xác định được ông không phải là Trần Quốc Tảng; 3) Xác định được ông là con đầu của Trần Liễu, anh của Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu; 4) Điểm cuối: xác định được tên họ ông. Để chứng minh kết quả là đúng thì phải đưa ra được luận cứ (tư liệu và lập luận có logic) đủ thuyết phục cho các bước 2-4.

Nguyễn Lang đưa ra 2 mệnh đề và luận cứ chứng minh:

Mệnh đề 1: Tuệ Trung Thượng sĩ không phải là Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo mà là con đầu của Trần Liễu. Để chứng minh Nguyễn Lang chỉ rõ thông tin lấy ra từ bài Thượng sĩ hành trạng: «Trần Nhân Tông, người khảo đính sách Tuệ Trung thượng sĩ Ngữ Lục, trong bài Thượng Sĩ Hành Trạng in ở cuối sách  có nói rõ “Tuệ Trung thượng sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Ðại Vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương»[3] (VNPGSL tập 1, NXB Lá Bối, 1973, trang 273). Khâm minh Từ thiện Đại vương là Trần Liễu, cha của Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu là điều đã được xác định từ lâu. Như vậy, thông tin là đủ để xác định Tuệ Trung Thượng sĩ là con đầu của Trần Liễu chứ không phải là Trần Quốc Tảng như sai lầm của Bùi Huy Bích. Bước 1 và bước 2 được giải quyết.

Mệnh đề 2: Tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tung. Trả lời cho câu hỏi tại sao tên là Tung, Nguyễn Lang sử dụng lời bàn của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT). Trong VNPGSL tập 1 (NXB Lá Bối, 1973, chú thích 1, trang 273) có ghi rõ: «Con cả của An Sinh Vương là Tung. Sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư trong phần nói về vua Trần Minh Tông, có ghi lời bàn của Ngô Sĩ Liên như sau: “Vua vốn là người hậu với thân thuộc trong họ, đối với người vài vế trên mà quý hiển lại càng tôn kính lắm. Phàm kẻ thần hạ người nào có tên trung với những người ấy đều đổi cho tên khác. Như người tên là Ðộ đổi thành Sư Mạnh vì tên Ðộ trùng với tên Thượng Phụ (Trần Thủ Ðộ), tên là Tung thì đổi thành tên Thúc Cao, vì tên Tung trùng với tên Hưng Ninh Vương con trưởng của An Sinh Vương”.

Có những bản in lầm An Sinh Vương thành An Ninh Vương. Ta chưa từng nghe ai có tước hiệu là An Ninh Vương bao giờ. Hưng Ninh Vương là con của An Sinh Vương Trần Liễu. Chữ sinh trong An Sinh Vương đã bị khắc lầm thành chữ Ninh chỉ vì trước đó đã có chữ ninh trong Hưng Ninh Vương”»

Cha là Trần Liễu, họ Trần thì con cũng mang họ Trần, tên Tung!

Ở đây có một điểm đáng lưu ý: trong Lời giới thiệu của ĐVSKTT in nhầm An Sinh vương thành An Ninh vương. Tôi không phải dân trong ngành nên không rõ việc in khắc nhầm ở tất cả các bản hay chỉ trong một số bản (như Nguyễn Lang chỉ ra cũng như Nguyễn Huệ Chi đã viết trong TVLT tập 1: «Chúng tôi e ở đây có sự nhầm lẫn của bản khắc gỗ (đời Nguyễn)»). Tuy nhiên, là một nhà nghiên cứu uyên thâm về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam thì việc Nguyễn Lang nắm rõ các nhân vật chính thời nhà Trần và những tước hiệu được phong để từ đó dễ dàng phát hiện ra sự nhầm lẫn này là điều dễ hiểu. Chính vì vậy mà ông khẳng định một cách chắc chắn như những dòng ở trên.

5.3 Nguyễn Huệ Chi viết: « … đích đến của Nguyễn Lang là giả định Trần Quốc Tung thì tôi đâu có đi đến đấy» chắc với hai hàm ý:  1) Nguyễn Lang tìm ra Trần Quốc Tung bởi giả định chứ không bằng luận cứ khoa học; 2) Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Lang tìm ra 2 người khác nhau.

Về ý 1: với những điều tôi vừa trình bày ở trên xin để bạn đọc tự đánh giá, Nguyễn Huệ Chi có phải nói bừa hay không?

Về ý 2:  Nguyễn Lang không giải thích tại sao lại gọi là Trần Quốc Tung vì có thể ông coi là hiển nhiên khi những người con trai khác của Trần Liễu đều mang tên đệm là Quốc[9] thì Tuệ Trung cũng có tên đệm Quốc. Điều này hoàn toàn hợp logic. Có thể coi việc ông không đưa ra lời giải thích như vậy là chưa đầy đủ, tuy nhiên một học giả uyên bác như ông khó có chuyện nói vu vơ, giả định. Không chỉ Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát một nhà nghiên cứu nổi tiếng khác cũng gọi Trần Quốc Tung thay vì Trần Tung. Chắc cũng phải có lí do! Nhưng điều quan trọng, bản chất của vấn đề là ở chỗ này: Nguyễn Lang đã xác đinh được nhân thân của Tuệ Trung Thượng sĩ, ông không phải là Trần Quốc Tảng, con của Trần Hưng Đạo mà là con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu. Cái đích của Nguyễn Huệ Chi không đi đến chỗ đấy thì đi đến đâu? Hay Nguyễn Huệ Chi tìm ra người khác? Ông cứ thử hỏi khắp trong giới đồng nghiệp của ông có ai coi Trần Tung với Trần Quốc Tung là hai người khác nhau?

Về chuyện Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung tôi có mấy nhận xét sau:

5.3 Trong câu chuyện phát hiện Trần Tung, Nguyễn Huệ Chi luôn cố gắng tạo ra khoảng cách giữa mình và Nguyễn Lang, coi các phát hiện của mình và của Nguyễn Lang là khác nhau, cả về mục đích, hình thức lẫn phương pháp. Chắc mọi người cũng dễ hiểu lí do tại sao, tôi không nhắc lại đây.

Nguyễn Huệ Chi viết: «Vậy là đối tượng khảo sát khác nhau (bản 1683 đối chiếu với bản 1903 / và bản 1943), cách tiếp cận vấn đề khác nhau (một bên là văn bản học / một bên có khảo chứng sơ sơ nhưng sử Phật giáo mới là chính yếu), số lượng nguồn tài liệu soi sáng khác nhau (một bên 6 / một bên 3), và trình tự luận giải cũng khác nhau, kết quả của tôi ngay trong bước một đã không đồng nhất với Nguyễn Lang (NHC: Trần Tung / NL: Trần Quốc Tung).». Về kết quả, hay cái đích có khác nhau không tôi đã nói ở trên, về mục tiêu hay cách tiếp cận cũng vậy. Trước khi bình luận về số lượng nguồn tài liệu và trình tự luận giải tôi chỉ xin nói: dù ông Nguyễn Huệ Chi có cố khoác những cái vỏ cho có vẻ khác nhau nhưng cốt lõi của vấn đề cũng vẫn chỉ là một: làm thế nào để phát hiện ra Trần Quốc Tung / Trần Tung, lí giải và luận chứng?

5.4 Về nguồn tài liệu, đối tượng khảo sát, Nguyễn Huệ Chi cho rằng mình và Nguyễn Lang khác nhau: Nguyễn Huệ Chi tham khảo 6 nguồn tài liệu còn Nguyễn Lang chỉ khảo sát 3 nguồn tài liệu. Ông viết: «tôi khảo sát những nguồn tài liệu có khác với Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận Tập I (VNPGSL I): hai bản in của sách Thượng sĩ ngữ lục vào hai thời điểm 1683 “do Tuệ Nguyên đề tựa” (ký hiệu A.1932), và 1903 “do Thanh Cừ cho khắc” (A. 2048), cùng với 4 sách Hoàng Việt văn tuyển, Đại việt sử ký toàn thưAn Nam chí lược, Nguyên sử. Trong khi đó Nguyễn Lang khảo sát bản in Thượng sĩ ngữ lục năm 1943 “của [Tổng] hội Phật giáo Bắc Kỳ, căn cứ trên một bản in cũ năm 1903 do sa môn Thanh Cừ chùa Pháp Vũ thực hiện”.

Xin thưa, 2 bản Thượng sĩ ngữ lục mà ông khảo sát (năm 1683 và 1903) với bản mà Nguyễn Lang khảo sát (1943) về  hình thức có thể khác nhau đôi chút (đại đồng, tiểu dị) nhưng cái sự khác nhau đôi chỗ ấy có ảnh hưởng gì đến chuyện đi tìm Tuệ Trung Thượng sĩ là ai? Thông tin cần thiết mà ông sử dụng để tìm ra Trần Tung lại chính là cái mà Nguyễn Lang đã sử dụng và dẫn ra trước đó trong Thượng sĩ hành trạng (xem mệnh đề 1 ở trên). Ông đừng dùng cái khác biệt mang tính hình thức, không liên quan đến vụ việc đang xem xét để đánh lạc hướng mọi người! Hoàng Việt văn tuyển để nói về sai lầm của Bùi Huy Bích, ĐVSKTT để xác định tên (Tung), cả Nguyễn Lang và ông đều sử dụng. Tài liệu khác mà ông sử dụng thêm (An Nam chí lược Nguyên sử) là các văn bản có ghi cụ thể họ tên Trần Tung. Nguyễn Lang không cần đến 2 văn bản này vì có thể cho là không cần thiết, mọi sự đã rõ.

Là người đi sau, biết rõ không chỉ kết quả mà cả những luận cứ của người đi trước thì việc tìm kiếm thêm tư liệu này nọ để bổ sung, làm đẹp cho lời giải cũng là chuyện thường tình, không có gì đặc biệt. Điều quan trọng là để đạt được những điểm mấu chốt trong việc tìm ra Trần Quốc Tung/Trần Tung cả Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi đều sử dụng cùng một tư liệu.

5.5 Ta quay lại tìm hiểu cụ thể cách mà Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung. Xin nhắc lại: con đường để tìm ra Trần Tung phải đi qua 4 điểm với 3 bước mấu chốt. Điều đầu tiên tôi muốn nói là Nguyễn Lang đã đi con đường thẳng, ngắn nhất để đến đích. Trái lại, thay vì đi thẳng Nguyễn Huệ Chi lại đi ngoằn nghèo nhưng rồi vẫn phải quay về những điểm chính của con đường. Đôi chỗ vì mải mê lòng vòng mà thành ra «lộn đường», ông lại tự làm khó mình.

Trần Tung, một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý Trần[2] (1977) là bài viết đầu tiên mà Nguyễn Huệ Chi diễn giải chi tiết cách mình tìm ra Trần Tung. Vì cách dẫn giải vừa dài vừa rắm rối, khuôn khổ bài viết lại có hạn nên tôi không thể tường thuật lại đầy đủ mọi chi tiết ở đây. Chỉ xin tóm lược lại những điểm chính và có đôi lời bình luận.

Trong phần thứ nhất, BẮT ĐẦU NHẦM TỪ BÙI HUY BÍCH (trang 117-119) Nguyễn Huệ Chi phân tích tại sao Bùi Huy Bích lại sai lầm với những ý chính sau:

  • Khi đưa bài Phóng cuồng ca (Phóng cuồng ngâm) của Tuệ Trung Thượng sĩ vào Hoàng Việt văn tuyển Bùi Huy Bích đã nhầm tác giả thành Trần Quốc Tảng.
  • Đưa ra những chi tiết trong ĐVSKTT và một số bộ sử dẫn tới sự nghi ngờ về sai lầm của của Bùi Huy Bích.
  • Khi dẫn Thượng sĩ hành trạng Nguyễn Huệ Chi chỉ đưa ra thông tin: «Bài hành trạng nói rõ: thượng sĩ vốn là con trưởng trong gia đình, là anh ruột hoàng hậu, và là người từng được vua Trần Thái Tông phong tước Hưng ninh vương» rồi kết luận: «Tất nhiên, bài hành trạng không hề nói Hưng ninh vương, hay Tuệ Trung thượng sĩ là Trần Quốc Tảng, cũng không cho biết tên thật của ông là gì. Cho nên, trước sau, những lời mập mờ này vẫn là một câu đố bí hiểm»
  • Sử dụng những suy luận mang tính tư biện (xem hình 6 ở dưới) để kết luận: «Thành thử, từ một Tuệ Trung thượng sĩ chưa có hình dáng rõ ràng trong Thượng sĩ ngữ lục, qua bàn tay nhào nặn của Bùi Huy Bích, đã nghiễm nhiên trở thành Trần Quốc Tảng, một con người bằng xương bằng thịt trong lịch sử»
Hình 6. Tư biện

Hình 6. Tư biện

Ở phần này có 2 nhận xét :

  • Trong Thượng sĩ hành trạng đã chỉ rõ: «Tuệ Trung thượng sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm». Như vậy Tuệ Trung Thượng sĩ không chỉ là con trưởng trong gia đình (nào đó) mà là con trưởng của Trần Liễu, không chỉ là anh ruột của hoàng hậu (nào đó) mà là anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Những thông tin này ghi rõ ràng ngay ở đầu Thượng sĩ hành trạng và đủ để xác định thân nhân (trừ tên) Tuệ Trung thượng sĩ là ai. Nguyễn Lang đã làm như vậy, nhưng Nguyễn Huệ Chi lại rút bớt thông tin để phức tạp hóa, vòng vo một hồi lại quay về đúng điểm cần đến.
  • Nguyễn Huệ Chi tự hào mình là dân làm văn bản học nhưng những gì ông viết lại đầy tư biện. Văn bản có thể đưa ra những chứng cứ để chứng minh Bùi Huy Bích sai lầm, sai lầm ở chỗ nào chứ làm sao cho thấy được Bùi Huy Bích nghĩ gì, suy nghĩ ra sao để nhầm Tuệ Trung Thượng sĩ thành Trần Quốc Tảng? Những «ức đoán », «vội vã dựng lên cả một bảng tiểu sử», …, «qua bàn tay nhào nặn của Bùi Huy Bích» rồi «ông cố gò gẫm để đồng nhất cho được hai người mà lí lịch có một vài điểm giống nhau» là những ức đoán của Nguyễn Huệ Chi chứ không phải của Bùi Huy Bích.

Trong phần hai CĂN BẢN KHÁC NHAU GIỮA TRẦN QUỐC TẢNG VÀ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ  (trang 120-123) Nguyễn Huệ Chi đưa ra cứ liệu và lập luận chứng minh Tuệ Trung thượng sĩ và Trần Quốc Tảng là hai người khác nhau. Điều duy nhất muốn nói ở phần này là việc gì ông cứ phải cố vòng vo tam quốc khi mà trong Thượng sĩ hành trạng đã chỉ rõ: Tuệ Trung Thượng sĩ là con đầu của Trần Liễu, anh của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, tức là bác ruột của Trần Quốc Tảng.

Tiếp theo là phần TỪ BÀI «THƯỢNG SĨ HÀNH TRẠNG», ĐI TÌM NHỮNG TIA SÁNG MỚI VỀ TÁC GIẢ «THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC» (trang 123-127). Sau một hồi lòng vòng ở phần trước Nguyễn Huệ Chi quay về điểm mấu chốt thứ 3 của con đường (mệnh đề 1 của Nguyễn Lang): «Thượng sĩ hành trạng cho ta một giải pháp bước đầu sáng rõ: Tuệ Trung thượng sĩ là con thứ nhất của Trần Liễu và là anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh, vợ Trần Thánh Tông»

Buộc phải quay lại nhưng rồi Nguyễn Huệ Chi vẫn cố tìm cớ để tiếp tục vòng vèo. Vẫn bằng phương pháp tư biện quen thuộc ông lại gán suy đoán của cho Bùi Huy Bích: «Chắc Bùi Huy Bích cũng đã tra cứu sử sách tìm ra được điều đó. Nhưng cái kết quả đó quá đỗi mới lạ và khó tin đối với ông, nên ông đã bác đi, thay nó bằng một giả thuyết dễ tin hơn.». Ơ hay, làm sao mà Nguyễn Huệ Chi biết Bùi Huy Bích, người sống trước ông hàng thế kỉ, trong đầu nghĩ gì mà gán cho ông như vậy ? Tôi đồ ông Nguyễn Huệ Chi đã viện đến phương pháp tâm linh, gọi hồn để nói chuyện với người âm nên mới biết được cụ Bùi nghĩ gì?

Cũng vì thích lòng vòng, mải mê lập lờ bao biện mà Nguyễn Huệ Chi lại tự làm khó, rơi vào đúng cái bẫy do mình tạo ra. Nhắc lại sự kiện Trần Liễu khởi loạn năm 1237 vì vợ là Thuận Thiên đang mang thai thì bị Trần Thủ Độ ép phải bỏ để lấy Trần Thái Tông, Nguyễn Huệ Chi tư biện cho rằng:

Trần Liễu vì việc này đã khởi loạn, và có phần chắc Võ Thành vương Doãn cũng tán đồng hoặc có trực tiếp góp sức với cha trong vụ khởi loạn đó”, “Chúng ta để ý rằng khi hoàng hậu Thuận Thiên mất, Võ thành vương Doãn phải bỏ chạy mà Hưng ninh vương và Trần Quốc Tuấn thì vẫn được tin dùng. Vì sao? Vì trong vụ khởi loạn của Trần Liễu hai ông còn nhỏ nên đã không dự vào?…”.

Vẫn theo luồng suy nghĩ này trong Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm Nguyễn Huệ Chi suy luận: “Nếu Tuệ Trung Thượng sĩ là “trưởng tử” thì mâu thuẫn với Đại Việt sử ký toàn thư vì Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rõ Võ Thành vương Doãn là con đẻ của Trần Liễu và Thuận Thiên [Hoàng hậu], lại hơn Tuệ Trung nhiều chục tuổi. Thế là bài toán thành ra vô nghiệm, đâm rắc rối to. Nhưng chép Tuệ Trung là “con thứ nhất” thì vấn đề trở nên thanh thỏa, bởi sau khi Võ Thành vương Doãn chống lại Trần Thái Tông năm 1237 do vua cướp mẹ ruột mình làm vợ (lúc Tuệ Trung mới 7 tuổi), rồi phải chạy sang phương Bắc sau ngày Trần Liễu và Thuận Thiên đều mất, kế đó bị bắt và bị giết, thì nghiễm nhiên Tuệ Trung trở thành “con thứ nhất” không sai. Chỗ khéo léo đó trong ghi chép của Trần Nhân Tông đến bấy giờ tôi mới nhận ra.”

Xin hỏi:

  • Thuận Thiên hoàng hậu sinh năm 1216, năm 1237 bà 21 tuổi thì Võ Thành vương Doãn bao nhiêu tuổi để có thể tham gia vào vụ khởi loạn cùng cha là Trần Liễu?
  • Tuệ Trung sinh năm 1230 (năm 1237 lên 7 tuổi), thua Thuận Thiên hoàng hậu 14 tuổi. Võ Thành vương Doãn hơn Tuệ Trung nhiều chục tuổi, vậy Thuận Thiên hoàng hậu sinh ra ông năm mấy tuổi?

Chỗ khéo léo đó trong ghi chép của Trần Nhân Tông đến bấy giờ tôi mới nhận ra.” của ông Nguyễn Huệ Chi bạn đọc chắc đã hiểu?  Và tôi thực sự khâm phục cái tài năng “gỡ lưới” của ông: “Bởi thế, câu nào tôi trích dịch ở sách nào đều rất chọn lọc và cố dịch từ văn bản cổ nhất, lại phải là câu có chứa đựng “mã khóa” giúp mình gỡ ra từng mắt của một cái lưới khó gỡ”.

Đường quang không đi, lại thích đâm quàng bụi rậm!

Sau khi xác định được Tuệ Trung là “con thứ nhất” của Trần Liễu rồi, việc tiếp theo là xác định tên của ông. Để đạt được điều này, Nguyễn Huệ Chi lại sử dụng lời bình của Ngô Sĩ Liên về Trần Minh Tông trong ĐVSKTT, đúng hệt như Nguyễn Lang đã làm trong VNPGSL năm 1973 (xem mệnh đề 2 ở trên).

Nguyễn Huệ Chi đi tiếp, đưa ra tư liệu An Nam chí lược mà trong văn bản có ghi rõ Hưng Ninh vương Trần Tung. Đây là điểm không có ở VNPGSL của Nguyễn Lang. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, lời bình của Ngô Sĩ Liên đã cho biết tên của Tuệ Trung là Tung. Ông là con Trần Liễu thì mang họ Trần. Để xác định các nhân vật, sự kiện lịch sử, ngoài việc tìm kiếm và sử dụng tư liệu người ta còn sử dụng các lập luận logic. Tìm được tư liệu trong đó có ghi rõ tên họ nhân vật lịch sử là quí nhưng đấy chỉ là một cách. Sử dụng tư liệu và lập luận logic là cách khác. Hơn nữa, khi người đi sau đã biết kết quả của người đi trước thì hoàn toàn có thể tìm thêm tư liệu để làm đẹp cho lời giải đã có. Qua những gì ông Nguyễn Huệ Chi phát biểu trong Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm tôi nghĩ ông không thể hiểu điều tôi nói: “…ông Đặng Văn Sinh quên mất một điều: tìm ra Trần Tung và chứng minh Tuệ Trung Thượng sĩ chính là Trần Tung là 2 bàì toán toán hoàn toàn khác nhau!

Qua tìm hiểu cách mà ông Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung tôi có những cảm nhận sau:

  • Ở Nguyễn Lang mọi cái được trình bày ngắn gọn, súc tích, và ông đi theo đường thẳng để tới đích. Ngược lại, Nguyễn Huệ Chi cố làm cho rắc rối, tự ngụy tạo ra các câu hỏi để rồi tự trả lời. Đường thẳng không đi mà ông cứ cố lòng vòng để rồi có lúc lại tự rơi vào bẫy của mình.
  • Nguyễn Huệ Chi luôn cố gắng tạo ra khoảng cách, khác biệt với Nguyễn Lang và tuyên bố: “trình tự luận giải cũng khác nhau[4] nhưng hai điểm tựa cốt lõi để tìm ra Trần Tung mà ông sử dụng lại y hệt như của Nguyễn Lang: đoạn trích trong Thượng sĩ hành trạng và lời bình của Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT. Đây có phải là sự giống nhau tình cờ hay không, xin để bạn đọc tự rút ra kết luận.

Ông Nguyễn Huệ Chi có lấy kết quả của Nguyễn Lang rồi gán cho mình hay không, tôi thực sự không biết. Nhưng chuyện ông Nguyễn Huệ Chi trí trá, nói dối rất nhiều thì tôi đã chứng minh và đưa ra các bằng chứng. Nếu đúng là ông tự tìm ra Trần Tung thì việc gì phải quanh co, trí trá như vậy? Và chính sự trí trá này buộc người ta phải nghi ngờ về tính trung thực của ông trong câu chuyện phát hiện ra Trần Tung.

6. Trước khi gửi Văn nghệ TP HCM Nguyễn Huệ Chi đã cho đăng Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm trên trang mạng Diễn đàn với lời giới thiệu của ban biên tập:

Diễn Đàn: Chúng tôi xin đăng bài dưới đây của  GS Nguyễn Huệ Chi để chấm dứt một cuộc tranh luận đã dài trên chủ đề này; thông tin và luận cứ của hai bên đã đầy đủ và công khai trên mạng. Mặt khác chúng tôi hy vọng ông Boristo Nguyễn và báo VN TP HCM đủ tự trọng để không còn làm những việc như lợi dụng sự kiện thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa trở về chùa cũ tĩnh dưỡng, để tuyên truyền cho những ý đồ phi học thuật đã cũ của mình

Xin có mấy lời với ban biên tập Diễn đàn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người mà tôi vô cùng kính trọng, cả về trí tuệ lẫn nhân cách. Câu chuyện giữa tôi và ông Nguyễn Huệ Chi hoàn toàn không liên quan đến việc thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa dưỡng thương (mà qua Diễn đàn tôi mới biết). Hơn nữa chuyện Trần Tung là liên quan đến Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh) chỉ với tư cách ông là một nhà nghiên cứu Phật giáo và lịch sử. Theo tôi hiểu, ban biên tập Diễn đàn gồm nhiều nhà trí thức sống lâu năm ở các nước phương Tây, nơi mà lâu nay vẫn tự hào về dân chủ, công bằng và tự do ngôn luận. Thêm nữa là trí thức các vị chắc hiểu hơn ai hết là trong khoa học chỉ có sự thực, chân lí mới là tối thượng, duy lí hơn duy tình, và đặc biệt là không chấp nhận thái độ học phiệt. Việc các vị tự cho mình là cán cân chân lí, gán cho tôi cái điều không có mà chẳng cần chứng minh. Các vị khẳng định việc tôi làm với ý đồ phi học thuật một cách khơi khơi, không có bằng cứ. Những phát biểu của các vị hoàn toàn trái ngược với những giá trị mà lâu nay các vị vẫn tự hào. Tôi hy vọng các vị đủ thông minh để vượt qua được tư duy bè phái cũng như đủ tự trọng để xem xét và rút lại những phát biểu của mình.

Qua ông Nguyễn Huệ Chi tôi cũng muốn nhắn thêm: tôi không liên quan và không muốn bàn gì đến chính trị cũng như không có bất cứ ý kiến gì về chuyện dân chủ nhưng cái cách một mặt thì đòi dân chủ nhưng mặt khác chỉ muốn bịt mồm người khác thì cái dân chủ ấy là dân chủ gì?

Boristo Nguyen, Moscow, tháng 1 năm 2019

  1. Boristo Nguyen. Có phải GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuê Trung Thượng Sĩ là Trần Tung? Tuần báo Văn nghệ TP HCM, số 375, 29-11-2018. Bản đầy đủ xem tại Blog: boristonguyen.wordpress.com.
  2. Nguyễn Huệ Chi. Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Tạp chí Văn học, số 4, tháng 7 và 8-1977.
  3. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Chương 11: Tuệ Trung Thượng sĩ. NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973
  4. Nguyễn Huệ Chi. Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm. Diễn Đàn (Diendan.org), 11-12-2018, in lại tại Văn nghệ TP HCM, số 530, 27-12-2018
  5. Nguyễn Văn Tuấn. Đạo văn trong hoạt động khoa học. Vietsciences, 16-11-2007.
  6. T. Thích Thanh Từ. Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải. 1996
  7. Đặng Văn Sinh. Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hoà vu khống? Diễn Đàn (www.diendan.org). 13-11-2013.
  8. Nguyễn Huệ Chi. Về bài “thưa lại” của ông Boristo Nguyen. org, 30-9-2018
  9. Đinh Ngọc Thu. Vì sao Trần Liễu hận vua Trần Thái Tông đến chết?Nghiencuulichsu.com

Chú thích 9: “Các con trai của Trần Liễu xếp thứ tự lớn nhỏ theo tuổi tác như sau: 1. Trần Tung,  2. Trần Quốc Tuấn, 3. Trần Quốc Doãn. 4. Trần Quốc Khang. Xếp theo con trưởng con thứ: 1. Trần Quốc Doãn, 2. Trần Quốc Khang, 3. Trần Tung, 4. Trần Quốc Tuấn. Vì Trần Quốc Doãn là con trai đầu của ông Trần Liễu với bà vợ lớn là công chúa Thuận Thiên nên Trần Quốc Doãn mặc dù nhỏ tuổi nhưng được phong làm con trưởng. Sử sách xếp Trần Quốc Khang bên dòng con vua Trần Thái Tông, nhưng ông chính là con ruột Trần Liễu.”

Trong nhiều tài liệu khác thay vì Trần Doãn cũng ghi Trần Quốc Doãn, ví dụ trong Việt Nam thi sử của Đinh Thắng, Dallas, 2016, chương 15/1 có viết: “Mọi thứ ở trên đều do Trần Thủ Độ sắp xếp chỉ trừ việc bà về làm thiếp của Trần Liễu. Đầu năm 1233, khi bà 17 tuổi, bà được người mẹ khuyên nên lấy Trần Liễu để có chỗ nương thân. Bà nghe theo lời mẹ. Cuối năm 1234 bà có đứa con trai đầu lòng được đặt tên Trần Quốc Doãn”.

  1. Boristo Nguyen. Đôi lời thưa lại ng giáo Nguyễn Huệ Chi về chuyện Thơ n Trần. Tuần báoVăn nghệ TP Hồ Chí Minh số 510 và 511, 08-2018 hoặc trang mạng http://www.viet-studies.net  của Trần Hữu Dũng, 28-7-2018

Bình luận về bài viết này