CÓ PHẢI GS NGUYỄN HUỆ CHI TÌM RA TÊN CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ LÀ TRẦN TUNG?

Boristo Nguyen

Bài đăng trên Tuần báo Văn Nghệ TP HCM, số 526, ngày 29-11-2018 và được link lại trên trang viet-studies.net

Tuệ Trung Thượng Sĩ  (1230-1291) là một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trần. Ông là tôn thất hoàng gia, 2 lần cầm quân đánh bại quân Nguyên Mông. Ông cũng là người đã đưa vua Trần Nhân Tông đến cửa Thiền và đặt nền móng cho sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm ở Đại Việt thế kỉ 13-14.

Tuệ Trung Thượng Sĩ còn là một trường hợp nổi tiếng trong giới nghiên cứu văn học sử vì tên thật của ông trong một thời gian dài không được xác định đúng. Ngay Bùi Huy Bích (1744-1818) cũng đã nhầm ông thành Trần Quốc Tảng, con thứ của Trần Hưng Đạo. Năm 1973 nhà nghiên cứu Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh) trong cuốn Viêt Nam Phật giáo sử luận (NXB Lá Bối)[1] công bố việc ông đã xác định được Tuệ Trung Thượng Sĩ  chính là Trần Quốc Tung, anh cả chứ không phải là Trần Quốc Tảng con lớn của Trần Hưng Đạo. Ông đã cung cấp đầy đủ những biện lý chứng minh cho điều phát hiện của mình.

Năm 1977, tức 4 năm sau, trong Thơ văn Lý Trần (quyển 1, trang 113-115, Phần khảo luận)[2] và trong bài viết Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần[3] Nguyễn Huệ Chi công bố mình đã độc lập tìm ra Trần Tung (bớt một chữ Quốc) chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nếu đúng Nguyễn Huệ Chi tự mình tìm ra Trần Tung thì việc này xảy ra sau 4 năm. Có lẽ, chính vì vậy mà Nguyễn Huệ Chi cảm thấy dư luận sẽ có những nghi ngờ nên ông đã chủ động nhắc tới Nguyễn Lang và rào đón:

Tuy vậy, cho đến nay, dư luận bạn đọc vẫn phân vân nửa tin nửa ngờ. Có người còn cho là quá táo bạo và lạ lẫm. Chúng tôi rất hiểu tình thế khó khăn là phải làm sao chiến thắng được một tâm lý quen thuộc vốn đã gắn quá chặt bộ Thượng Sĩ ngữ lục cũng như những sợi dây tinh thần giữa Thiền phái Trúc Lâm với cái tên Trần Quốc Tảng.”[3]

Việc dư luận dễ có những ngờ vực cũng là điều dễ hiểu. Một mặt, chưa biết thực hư thế nào nhưng Nguyễn Huệ Chi là người dính líu đến nhiều vụ lình xình và bị không ít người chất vấn về đạo đức khoa học. Mặt khác, Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung sau Nguyễn Lang 4 năm, từ 1973 đến 1977. Sau năm 1975 đất nước đã thống nhất, giới nghiên cứu KHXH miền Bắc đã được tiếp xúc với các tài liệu và thành quả nghiên cứu ở miền Nam. Chuyện Nguyễn Huệ Chi có thể đã có cuốn “Viêt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang và biến thành kết quả của ông thành của mình là điều không phải không thể. Một số người đã đưa ra nghi vấn này. Tuy nhiên, nghi ngờ mới chỉ là giả thiết, chưa được chứng minh một cách đầy đủ.

Tháng 10 năm 2013 trong bài Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi[4] đăng trên Tuần báo Văn Nghệ, nhà phê bình Nguyễn Hòa đã dẫn lại và so sánh 2 đoạn văn bản: một trích từ Thượng sĩ hành trạng (Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục)  của Trần Nhân Tông, một từ  Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần in trong Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ Chi và ông viết:

Không khó để thấy hai đoạn văn trên đây na ná nhau, từ diễn giải đến sự kiện và tư liệu, riêng đoạn của GS Nguyễn Huệ Chi có “thêm mắm thêm muối, vẽ rắn thêm chân” nên dài dòng hơn. Vì GS Nguyễn Huệ Chi sử dụng tài liệu từ Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông mà không cho biết rõ xuất xứ, nên ở đây có một câu hỏi cần đặt ra: GS Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” hay “phóng tác” từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc, hoặc ông bắt chước Nguyễn Lang (đoạn của Nguyễn Lang khá dài nên không dẫn lại, có thể tìm đọc trong: Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, NXB Lá bối, SG.1973, từ tr.276 đến tr.279; và Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, H.2008, từ tr.256 đến tr.258), rất mong GS Nguyễn Huệ Chi tường minh vấn đề này.”

Với những nghi vấn của Nguyễn Hòa, Nguyễn Huệ Chi im tiếng không trả lời. Thay vào đó tháng 11 tác giả Đặng Văn Sinh đã có bài trả lời: “Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hoà vu khống?”[5]. Đặng Văn Sinh đã bảo vệ Nguyễn Huệ Chi bởi những lập luận sau:

  1. Ông trích dẫn đoạn văn trong Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông (bản dịch của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi dịch,Thơ  văn Lý – Trần, Tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, H., 1989) và đoạn văn trong Tuệ Trung Thượng sĩ của Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận, phần Tuệ Trung Thượng sĩ, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973; org, chương 11) rồi viết: “Xin hỏi ông Nguyễn Hoà nghĩ gì khi học giả Nguyễn Lang cũng tóm lược câu chuyện về Tuệ Trung từ một gốc “Thượng sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông hệt như học giả Nguyễn Huệ Chi chứ đâu có gì khác? Hay là người này đã tóm lược rồi thì người kia mà “tóm” nữa ắt bị coi là… “đạo văn”?”. Logic của Đặng Văn Sinh là: 2 người cùng tóm lược từ một văn bản gốc “Thượng sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông thì chuyện có những điều giống nhau là bình thường, không thể nói Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Nguyễn Lang.
  2. Kể lại việc Nguyễn Huệ Chi đã “Huy động rất nhiều tài liệu, sự kiện rồi dùng phương pháp loại suy để chứng minh Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tung, chứ không phải là Trần Quốc Tảng”.
  3. Trả lời cho “dấu hỏi nghi ngờ” của Nguyễn Hòa: “bản thảoThơ văn Lý – Trần hoàn thành vào cuối năm 1973, đưa vào nhà in năm 1974 nhưng mãi đến năm 1977 mới ra mắt bạn đọc, vậy trong khoảng thời gian ba năm ấy, ai dám chắc nhóm biên soạn không sửa chữa, bổ sung tư liệu?” Đặng Văn Sinh dẫn lại đoạn văn kể của Nguyễn Huệ Chi trong bài Những năm tháng với Phong Lê[6] để chứng minh cho việc Thơ Văn Lý Trần, tập 1 in xong năm 1977 nhưng thực ra đã hoàn thành từ năm 1974, quá trình in bị kéo dài mất 4 năm.

Về lập luận 1, tôi sẽ bàn ở phần tiếp theo trong bài viết này. Trước hết tôi xin nói qua về 2 lập luận sau của Đặng Văn Sinh. Ở lập luận thứ 2 ông Đặng Văn Sinh quên mất một điều: tìm ra Trần Tung và chứng minh Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là Trần Tung là 2 baì toán toán hoàn toàn khác nhau!. Tìm ra Trần Tung (Trần Quốc Tung) sau hàng trăm năm nhầm lẫn là một đóng góp có giá trị lớn và khó hơn nhiều so với việc sau khi đã biết thân nhân ông là ai, chứng minh để khẳng định điều đó. Việc chứng minh có lẽ không phải là khó khăn lắm đối với người nghiên cứu lịch sử và văn học cổ trung đại Việt Nam. Đấy là chưa nói, bản thân Nguyễn Lang cũng đã đưa ra những biện lý chứng minh cho điều phát hiện của mình. Về lập luận thứ 3, có lẽ chẳng cần phải bàn nhiều. Lấy những lời kể lể không có chứng minh, không thể kiểm tra của người bị cáo buộc để bảo vệ cho “thân chủ” hoàn toàn không có giá trị.

Quay lại về lập luận 1.

Lập luận của Đặng Văn Sinh nếu đọc thoáng qua nghe có vẻ có lí, nhưng thực tình không phải như vậy! Tôi sẽ giải thích tại sao.

Ở đây chúng ta có 4 văn bản chứ không phải 3 (Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông và 2 đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi). Xin liệt kê lại đây:

  • Vb1: Thượng sĩ hành trạng (Thượng sĩ ngữ lục) của Trần Nhân Tông (1258-1308), bản gốc chữ Hán[7].
  • Vb2a: Thượng sĩ hành trạng, bản dịch nghĩa (Nguyễn Hòa dẫn bản dịch lấy từ sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục với Lời đầu sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ) [8].
  • Vb2b: Thượng sĩ hành trạng, bản dịch nghĩa (Đặng Văn Sinh dẫn bản dịch của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi trongThơ  văn Lý – Trần, Tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội,  1989).
  • Vb3: Đoạn văn của Nguyễn Lang kể lại câu chuyện về Tuệ Trung (trích từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973)
  • Vb4: Đoạn văn của Nguyễn Huệ Chi kể lại câu chuyện về Tuệ Trung (trích từ Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. NXB Giáo dục, 2013).

Tôi nhắc lại đây cả 2 bản dịch Vb2a và Vb2b là vì Nguyễn Hòa và Đặng Văn Sinh mỗi người dẫn ra một bản trong bài viết của mình.

Với các văn bản kể trên ta có những nhận xét sau:

  • Ngoài bản gốc Thượng sĩ hành trạng bằng chữ Hán của Trần Nhân Tông, theo trình tự thời gian thì đoạn văn của Nguyễn Lang (năm 1973) có trước bản dịch Vb2b (của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi) và đoạn văn của Nguyễn Huệ Chi.
  • Người đi sau có thể đạo văn hay bắt chước người đi trước chứ không thể ngược lại.
  • Văn bản được tính là gốc để xem xét phải là bản gốc chữ Hán Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông chứ không phải là các bản dịch của nó.
  • Vì cùng xuất phát từ 1 gốc (bản chữ Hán) thì văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi (nếu ông thực sự tìm ra Trần Tung một cách độc lập với Nguyễn Lang) chỉ có thể có những điểm giống nhau về nội dung/thông tin có trong bản gốc chữ Hán của Trần Nhân Tông chứ khó có thể giống nhau về câu chữ, từ ngữ sử dụng. Thêm nữa, những nội dung/thông tin không có trong bản gốc chữ Hán mà có cả trong 2 văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi sẽ là những dấu hiệu nói lên việc người đi sau đã có và sử dụng văn bản của người đi trước.

Bây giờ chúng ta sẽ khảo sát văn bản, để tiện theo rõi bạn đọc xem 4 văn bản: Vb2a, Vb2b, Vb3, Vb4  được dẫn lại ở phần Mục lục 2 phía dưới. Tôi sẽ phân tích các văn bản, đưa ra những nhận xét cụ thể về chúng. Toàn bộ các nhận xét được để ở phần Mục lục 1, bạn đọc có thể tham khảo phía dưới. Ở đây, để làm ví dụ tôi chỉ trích dẫn và phân tích khổ đầu 2 đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi để bạn đọc hiểu cách tôi làm:

Hồi em gái Tuệ Trung Hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông được bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?”. Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?” (Vb3, Nguyễn Lang).

Một lần, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ Trần Thánh Tông, mời ông anh Tuệ Trung vào cung ăn tiệc. Trên bàn tiệc có cả cỗ mặn lẫn cỗ chay. Thấy anh mình trong bữa ăn quên cả kiêng khem mà nhúng đũa cả vào cỗ mặn một cách phóng túng, Hoàng hậu khẽ nhắc ông: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Tuệ Trung Thượng sĩ cả cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không hề muốn làm Phật, Phật cũng không hề muốn làm anh. Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?” (Vb4, Nguyễn Huệ Chi).

  • Nhận xét 1. Trong cả 2 văn bản của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4) đều chỉ rõ tên Hoàng hậu Thiên Cảm còn bản dịch (Vb2a, Vb2b) thì chỉ ghi Thái Hậu, không ghi rõ tên. Bình luận: điều này có thể gây nghi vấn là Nguyễn Huệ Chi chịu ảnh hưởng của Nguyễn Lang. Tuy nhiên, đây chỉ là nghi vấn chứ chưa đủ để chứng minh vì khi biết Thái Hậu là ai thì việc xác định và ghi rõ tên cũng là có thể.
  • Nhận xét 2. Trong cả 2 văn bản của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4) đều có câu “Em chẳng nghe cổ đức (có) nói “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?giống nhau gần như đến từng chữ, từng từ và câu chữ khác với 2 bản dịch (Vb2a, Vb2b). Bình luận: 2 văn bản dựa từ một gốc chỉ có thể giống nhau về nội dung chứ cách hành văn khó giống nhau, nhất là giống nhau đến từng từ, từng chữ như vậy. Khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang là rất lớn.
  • Nhận xét 3. Các câu Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?” (Vb3, Nguyễn Lang) và “Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?” (Vb4, Nguyễn Huệ Chi) gần như giống nhau hoàn toàn. Riêng câu “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” thì trong cả 4 văn bản đều giống nhau như đúc. Bình luận: câu chữ giống nhau gần như tuyệt đối chứng tỏ khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang.

Danh sách các nhận xét qua phân tích các văn bản bạn đọc có thể xem ở phần Phụ lục 1.

Thấy gì qua việc phân tích các văn bản?

Ngoài nhận xét 10 (xem Phụ lục 1) về việc 2 đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi hao hao, từa tựa nhau và nhận xét 1 chưa đủ thuyết phục, các nhận xét còn lại chia thành 3 loại sau:

  • 1 nhận xét (3) về việc câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối.
  • 4 nhận xét (2, 7, 8, 9) về việc câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối, nhưng khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.
  • 3 nhận xét (4,5,6) về việc nội dung/thông tin có trong các văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi nhưng không có hoặc khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.

Cả 3 loại nhận xét này đều nói lên việc người đi sau đạo của người đi trước, tức là Nguyễn Huệ Chi đạo của Nguyễn Lang. Tình cờ trùng nhau 1 câu, 1 chỗ xác suất đã nhỏ; “ý tưởng lớn” gặp nhau nhiều lần thì xác suất vô cùng nhỏ, hầu như là không thể!

Mà việc đạo văn của Nguyễn Huệ Chi cũng đồng nghĩa với việc ông ăn cắp kết quả của Nguyễn Lang và gán cho mình!

Sau những phân tích ở trên, liệu các bạn đọc có còn tin là Nguyễn Huệ Chi đã tự mình phát hiện Tuệ Trung thượng sĩ là Trần Tung nữa không? Còn tôi, tôi không tin!

Boristo Nguyen

Hà Nội, 07-10-2018

  1. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Chương 11: Tuệ Trung Thượng Sĩ. NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973 (có thể xem tại trang Langmai.org)
  2. Thơ Văn Lý Trần, quyển 1. NXB KHXH, 1977.
  3. Nguyễn Huệ Chi. Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Tạp chí Văn học, số 4, năm 1977. Đăng lại trong tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4, 2014, trang 169-191.
  4. Nguyễn Hòa. Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi. Văn nghệ số 41, 2013, trang 16, 24.
  5. Đặng Văn Sinh. Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hoà vu khống? Forum Diễn Đàn (www.diendan.org). 13-11-2013. Hoặc có thể đọc trên trang mạng Trần Nhương.
  6. Nguyễn Huệ Chi. Những năm tháng với Phong Lê. Talawas, 14-06-2008.
  7. Trần Nhân Tông. Thượng Sĩ hành trạng, bản chữ Hán. Thơ Văn Lý Trần, tập 2, quyển Thượng, NXB KHXH, 1989.
  8. Trần Nhân Tông. Thượng Sĩ hành trạng trong sách sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục với Lời đầu sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Đã đăng trên Thư viện Hoa sen (thuvienhoasen.org)

PHỤ LỤC 1 – CÁC NHẬN XÉT QUA PHÂN TÍCH CÁC VĂN BẢN

  • Nhận xét 1. Trong cả 2 văn bản của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4) đều chỉ rõ tên Hoàng hậu Thiên Cảm còn bản dịch (Vb2a, Vb2b) thì chỉ ghi Thái Hậu, không ghi rõ tên. Bình luận: điều này có thể gây nghi vấn là Nguyễn Huệ Chi chịu ảnh hưởng của Nguyễn Lang. Tuy nhiên, đây chỉ là nghi vấn chứ chưa đủ để chứng minh vì khi biết Thái Hậu là ai thì việc xác định và ghi rõ tên cũng là có thể.
  • Nhận xét 2. Trong cả 2 văn bản của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4) đều có câu “Em chẳng nghe cổ đức (có) nói “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?” giống nhau gần như đến từng chữ, từng từ và câu chữ khác với 2 bản dịch (Vb2a, Vb2b). Bình luận: 2 văn bản dựa từ một gốc chỉ có thể giống nhau về nội dung chứ cách hành văn khó giống nhau, nhất là giống nhau đến từng từ, từng chữ như vậy. Khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang là rất lớn.
  • Nhận xét 3. Các câu Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?” (Vb3, Nguyễn Lang) và “Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?” (Vb4, Nguyễn Huệ Chi) gần như giống nhau hoàn toàn. Riêng câu “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” thì trong cả 4 văn bản đều giống nhau như đúc. Bình luận: câu chữ giống nhau gần như tuyệt đối chứng tỏ khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang.
  • Nhận xét 4. Nội dung/thông tin: Vua Nhân Tông có mặt trong bữa tiệc và vua không quên câu chuyện xảy ra trong bữa tiệc đó chỉ có trong văn bản Vb3 (Nguyễn Lang) và Vb4 (Nguyễn Huệ Chi) mà không có trong 2 bản dịch (Vb2a, Vb2b): “Vua Nhân Tông hồi đó cũng có mặt trong bữa tiệc , và vua không quên câu chuyện này….” (Vb3); “Trần Nhân Tông bấy giờ cũng có mặt trong bữa tiệc, lần đầu tiên một cách lý giải khoáng đạt như vậy đã in sâu vào tâm trí còn rất non trẻ của ông…”. Bình luận: Hai nội dung/thông tin mới này không có trong các bản dịch (và bản gốc chữ Hán) tức là do Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi thêm vào. Văn bản của Nguyễn Lang có trước, Nguyễn Huệ Chi có sau
  • Nhận xét 5: trong 2 bản dịch (Vb2a, Vb2b) chỉ có thông tin về cái chết của Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm nhưng không ghi thông tin về năm mất của bà cũng như lúc đó Trần Nhân Tông lên ngôi được 9 năm. Trong văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi đề ghi rõ năm mất. Nguyễn Lang ghi năm Trần Nhân Tông 29 tuôi, năm sinh của ông 1258 cũng tức là năm 1287 (theo Nguyễn Huệ Chi). Bình luận: Hai nội dung/thông tin mới này là do Nguyễn Lang thêm vào trước rồi Nguyễn Huệ Chi bắt trước thêm vào sau, và chúng tương đương nhau.
  • Nhận xét 6: sau khi được giao 2 cuốn Tuyết Đậu và Dã Hiên, Trần Nhân Tông hỏi Thượng Sĩ: “Chúng sinh quen cái nghiệp uống rượu và ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo?”. Lí do được nêu ra trong 2 bản dịch (Vb2a, Vb2b) là: “thấy lời nói thế tục quá sanh nghi ngờ” (Vb2a)/ “Ta cho rằng quá tầm thường, sinh ngờ vực” (Vb2b) hoàn toàn khác với trong văn bản của Nguyễn Lang (“Vua nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách “hoà lẫn thế tục” của Tuệ Trung …”) và Nguyễn Huệ Chi (“Nhớ lại câu chuyện đàm thoại giữa Thượng sĩ và mẹ mình hồi nọ, lại có chút băn khoăn về hành vi gọi là “hòa quang đồng trần” của vị Thượng sĩ…”): nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách “hòa lẫn thế tục”/”hòa quang đồng trần” của Thượng Sĩ. Bình luận: Nguyễn Lang đổi lí do, Nguyễn Huệ Chi cũng theo đó đổi theo.
  • Nhận xét 7: Câu “Bạch thượng sĩ, chúng sanh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?” trong Vb3 của Nguyễn Lang và “Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?” trong Vb4 của Nguyễn Huệ Chi giống nhau đến từng chữ, từng từ, từng dấu phẩy (chỉ khác mỗi chữ chúng sanh/chúng sinh theo cách gọi vùng miền). Thêm nữa, trong 2 bản dịch Vb2a, Vb2b trật tự hành động trong câu là uống rượu đứng trước,  ăn thịt đứng sau còn trong Vb3, Vb4  thì ngược lai: ăn thịt rồi mới đến uống rượu. Bình luận: câu chữ giống nhau như đúc, rồi trật tự lại cùng thay đổi như vậy chứng tỏ Nguyễn Huệ Chi đạo của Nguyễn Lang.
  • Nhận xét 8: đoạn văn “Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy“. Rồi ông đọc hai bài kệ sau đây cho vua nghe:…” giống nhau y hệt, đến từng từ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Khác nhau duy nhất là trong Vb3 của Nguyễn Lang ghi hai bài kệ còn của Nguyễn Huệ Chi chỉ là (một) bài kệ. Câu chữ trong hai bản dịch Vb2a, Vb2b khác với trong 2 văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi. Bình luận: Nguyễn Huệ Chi đạo của Nguyễn Lang.
  • Nhận xét 9: câu văn “Nhân Tông thưa với Tuệ Trung rằng mình đã hiểu lời dạy của ông về tội phúc.” giống hệt nhau trong cả 2 văn bản Vb3 của Nguyễn Lang và Vb4 của Nguyễn Huệ Chi và khác với trong 2 bản dịch Vb2a, Vb2b. Thêm nữa, lí do để Tuệ Trung đọc tiếp bài kệ “Ăn thịt và ăn cỏ,…” trong các đoạn văn Vb3 của Nguyễn Lang và Vb4 của Nguyễn Huệ Chi là Tuệ Trung biết Trần Nhân Tông “chưa thật hiểu”/ “còn thắc mắc” hoàn toàn khác với trong 2 bản dịch Vb2a (“Tôi lãnh hội ý chỉ hai bài tụng, giây lâu hỏi: “Tuy nhiên như thế, vấn đề tội phước đâu đã rõ ràng.”) và Vb2b (“Ta lĩnh ý, giây lâu bèn nói: “Tuy là như thế, nhưng tội phúc đã rõ ràng thì làm thế nào?”. Bình luận: cũng như trong nhận xét 7, đoạn này Nguyễn Huệ Chi đạo của Nguyễn Lang.
  • Nhận xét 10: chẳng cần đi vào phân tích chi tiết, đọc 2 đoạn văn do Nguyễn Lang (có trước) và Nguyễn Huệ Chi (có sau) ta thấy chúng hao hao, từa tựa như nhau (ở đây nói đến giọng văn, câu chữ chứ không nói đến nội dung cụ thể).

PHỤ LỤC 2 – CÁC VĂN BẢN ĐƯỢC XEM XÉT

Vb2a: Thượng Sĩ hành trạng

(Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục)

“Ngài vào cung thăm, Thái hậu mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi. Dự tiệc, Ngài gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt, đâu được thành Phật?”. Thượng Sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh. Thái hậu không nghe cổ đức nói: “Văn-thù là Văn-thù, Giải thoát là Giải thoát” đó sao?”

Thái hậu qua đời, nhà vua làm lễ trai tăng ở cung cấm. Nhân lễ khai đường, vua thỉnh những vị danh đức các nơi, theo thứ lớp mỗi vị thuật bài kệ ngắn để trình kiến giải.

Kết quả thảy đều quến sình ủng nước, chưa có chỗ tỏ ngộ. Nhà vua lấy quyển tập đưa Thượng Sĩ. Thượng Sĩ viết một mạch bài tụng tự thuật rằng:

Kiến giải trình kiến giải

Tợ ấn mắt làm quái

Ấn mắt làm quái rồi

Rõ ràng thường tự tại.

Nhà vua đọc xong, liền phê tiếp theo sau:

Rõ ràng thường tự tại

Cũng ấn mắt làm quái

Thấy quái chẳng thấy quái

Quái ấy ắt tự hoại.

Thượng Sĩ đọc, thầm nhận đó.

Sau vua kém vui, Thượng Sĩ viết thơ hỏi thăm bệnh. Vua đọc thơ, trả lời bằng bài kệ:

Hơi nóng hừng hực toát mồ hôi

Chiếc khố mẹ sanh chưa thấm ướt.

Thượng Sĩ đọc kệ than thở giây lâu. Đến khi vua bệnh nặng, Thượng Sĩ khấp khểnh về kinh thăm, nhưng đến nơi vua đã qui tiên rồi.

Riêng tôi (Sơ tổ Trúc Lâm) nay cũng nhờ ơn Thượng Sĩ dạy dỗ. Lúc tôi chưa xuất gia, gặp tuần tang của Đinh Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân thỉnh Thượng Sĩ. Thượng Sĩ trao cho tôi hai quyển lục Tuyết Đậu và Dã Hiên. Tôi thấy lời nói thế tục quá sanh nghi ngờ, bèn khởi tâm trẻ con trộm hỏi rằng:

“Chúng sanh do nghiệp uống rượu ăn thịt, làm sao thoát khỏi tội báo?”.

Thượng Sĩ bảo cho biết rõ ràng: “Giả sử có người đứng xây lưng lại, chợt có vua đi qua sau lưng người kia thình lình hoặc cầm vật gì ném trúng vua, người ấy có sợ không? Vua có giận chăng? Như thế nên biết, hai việc này không liên hệ gì nhau”. Thượng Sĩ liền đọc hai bài kệ để dạy:

Vô thường các pháp hạnh

Tâm nghi tội liền sanh

Xưa nay không một vật

Chẳng giống cũng chẳng mầm.

Ngày ngày khi đối cảnh

Cảnh cảnh từ tâm sanh

Tâm cảnh xưa nay không

Chốn chốn ba-la-mật”.

Tôi lãnh hội ý chỉ hai bài tụng, giây lâu hỏi: “Tuy nhiên như thế, vấn đề tội phước đâu đã rõ ràng.” Thượng Sĩ lại dùng kệ để giải rõ:

Ăn rau cùng ăn thịt

Chúng sanh mỗi sở thuộc

Xuân về trăm cỏ sanh

Chỗ nào thấy tội phước?.

Tôi thưa: “Chỉ như gìn giữ giới hạnh trong sạch, không chút xao lãng lại thế nào?” – Thượng Sĩ cười không đáp. Tôi lại thỉnh cầu. Ngài lại nói hai bài kệ để ấn định đó:

Giữ giới cùng nhẫn nhục

Chuốc tội chẳng chuốc phước

Muốn biết không tội phước

Chẳng giữ giới nhẫn nhục.

Như khi người leo cây

Trong an tự cầu nguy

Như người không leo cây

Trăng gió có làm gì?.

Ngài lại dặn nhỏ tôi: “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Tôi biết môn phong của Thượng Sĩ cao vót. Một hôm tôi xin hỏi Ngài về “bổn phận tông chỉ”, Thượng Sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được.” (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.) Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ Ngài làm thầy”.

(Trần Nhân Tông – Thượng sĩ hành trạng, từ tr.21 đến t.23 bản PDF sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục với Lời đầu sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ, đã đăng trên trang thientongvietnam.net).

Vb2b: Thượng Sĩ hành trạng

(Trần Nhân Tông, TVLT tập 2, quyển thượng)

Ngày kia, Thái hậu làm tiệc lớn đãi người. Người dự tiệc,  gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ, hỏi rằng: “Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?”. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?”.

Khi Thái hậu qua đời, vua Dụ Lăng thết cơm chay các vị sư ở cung cấm. Nhân khi vào tiệc lần lượt mời các bậc danh tăng bốn phương mỗi người làm một bài kệ ngắn để bày tỏ kiến giải của mình. Nhưng kết quả bài nào cũng “ngầu bùn sũng nước”, chưa tỏ ngộ được. Dụ Lăng bèn đem giấy đến cho Thượng sĩ. Thượng sĩ bèn viết một hơi  bài tụng tự thuật như sau:

Kiến giải bày kiến giải,
Như dụi mắt làm quái.
Dụi mắt làm quái rồi.
Sáng sủa thường tự tại.

Vua  Dụ Lăng đọc xong liền viết tiếp:

Sáng sủa thường tự tại,
Cũng dụi mắt làm quái.
Thấy quái không thấy quái,
Quái kia liền tự hoại.

Thượng sĩ rất tâm phục bài kệ ấy.

Khi vua Dụ Lăng ốm, Thượng sĩ viết thư hỏi thăm. Vua mở ra xem, bài kệ trả lời của vua Dụ Lăng như sau:

Oi nồng hầm hập mồ hôi mướt,
Quần mẹ sinh ta thấm được đâu.

Thượng sĩ đọc bài kệ, than thở giây lâu. Đến khi vua Dụ Lăng trở bệnh nặng, Thượng sĩ tất tả tới cửa khuyết thì nhà vua đã quy tiên rồi.

Nay ta cũng nguyện đội ơn dạy dỗ của Thượng sĩ. Trước đây, khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó có đi thỉnh Thượng sĩ. Người trao cho hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên. Ta cho rằng quá tầm thường, sinh ngờ vực, bèn làm ra vẻ ngây thơ hỏi Thượng sĩ rằng: “Chúng sinh quen cái nghiệp uống rượu và ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo?”. Thượng sĩ liền giảng giải rằng: “Giá thử có một người đứng quay lưng lại, thình lình có nhà vua đi qua phía sau, người kia không biết, hoặc có ném vật gì vào người vua. Người ấy có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như thế thì biết rằng hai việc không liên quan gì đến nhau vậy”. Nói rồi Thượng sĩ đọc hai bài kệ:

Mọi pháp đều biến diệt,
Tâm ngờ tội liền sinh.
Xưa nay không một vật,
Mầm mống hỏi đâu thành.
Ngày ngày khi đối cảnh.
Cảnh cảnh từ tâm ra.
Cảnh tâm không có thật.
Chốn chốn ba la mật.

Ta lĩnh ý, giây lâu bèn nói: “Tuy là như thế, nhưng tội phúc đã rõ ràng thì làm thế nào?”.

Thượng sĩ lại đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:

Ăn thịt và ăn cỏ,
Tùy theo từng loài đó.
Xuân về cây cỏ sinh,
Họa phúc nào đâu có.

Ta nói: “Nếu vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?”.

Thượng sĩ cười mà không đáp. Ta cố nài. Thượng sĩ lại đọc tiếp hai bài kệ để ấn chứng cho ta:

Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới nhẫn nhục.
Như khi người leo cây,
Đang yên tự tìm nguy.
Không trèo lên cây  nữa,
Trăng gió làm được gì.

Đoạn người dặn kín ta: “Chớ có bảo cho người không đáng bảo”. Vì vậy ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt.

Một ngày kia, ta hỏi người về  cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay nhìn lại cái gốc của  mình chứ không tìm đâu khác được”. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo, thờ làm thầy.”

(Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi dịch, Thơ  văn Lý – Trần, Tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, H., 1989)

Vb3: Tuệ Trung Thượng sĩ

(Nguyễn Lang)

Hồi em gái Tuệ Trung Hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông được bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?”. Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?”. Vua Nhân Tông hồi đó cũng có mặt trong bữa tiệc, và vua không quên câu chuyện này, định một ngày kia sẽ hỏi Tuệ Trung cho ra lẽ. Năm vua 29 tuổi, mẹ mất. Vua Thánh Tông đang bối rối về cái chết của Hoàng hậu lại còn bận tâm đối phó với một cuộc xâm lăng của quân Nguyên do Áo Lỗ Xích Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, mới sai Nhân Tông đi đón Tuệ Trung, trước khi lên đường về cung, Tuệ Trung trao cho Nhân Tông, lúc ấy đã lên ngôi gần 9 năm, hai bộ ngữ lục Tuyết Ðậu và Dã Hiên, để đem về cung học tập những lúc rỗi rảnh. Vua nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách “hoà lẫn thế tục” của Tuệ Trung, liền làm bộ ngây thơ hỏi một cách gián tiếp:

“Bạch thượng sĩ, chúng sanh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?”.

Tuệ Trung đã trả lời như sau về vấn đề tội báo:

“Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy”. Rồi ông đọc hai bài kệ sau đây cho vua nghe:

Vạn pháp vô thường cả
Tâm ngờ tội liền sinh
Xưa nay không một vật:
Chẳng hạt, chẳng mầm xanh.
Hàng ngày, khi đối cảnh
Cảnh đều do tâm sinh
Tâm, cảnh đều không tịch
Khắp chốn tự viên thành
[4].

Nhân Tông thưa với Tuệ Trung rằng ông đã hiểu lời dạy về tội phúc. Nhưng Tuệ Trung biết là Nhân Tông còn thắc mắc. Ông đọc tiếp bài kệ sau đây:

Có loài thì ăn cỏ
Có loài thì ăn thịt
Xuân về thảo mộc sinh
Tìm đâu thấy tội phúc?
(60)

Nhân Tông liền hỏi câu hỏi ông đã dành sẵn trong tâm tư lâu nay: “Như vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?”. Tuệ Trung cười không đáp. Vua cố nài. Tuệ Trung đọc hai bài kệ sau đây:

Trì giới và nhẫn nhục
Thêm tội chẳng được phúc
Muốn siêu việt tội phúc
Ðừng trì giới, nhẫn nhục.
Như người khi leo cây
Ðương yên tự chuốc nguy
Nếu đừng leo cây nữa
Trăng gió làm được gì?
[5]

Và dặn kỹ Nhân Tông “đừng bảo cho người không ra gì biết”. Ta nên nhớ rằng lúc bấy giờ Tuệ Trung đã 57 tuổi, và tư tưởng thiền của ông đã đến giai đoạn chín chắn siêu việt. Ông mất năm 62 tuổi, vào năm 1291.Vua Nhân Tông một hôm hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung đã được thiền sư Tiêu Diêu trao truyền, Tuệ Trung nói:

“Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác”.

(Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, phần “Tuệ Trung Thượng sĩ”, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973; langmai.org, chương 11

 

Vb4: Nguyễn Huệ Chi, Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật

Một lần, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ Trần Thánh Tông, mời ông anh Tuệ Trung vào cung ăn tiệc. Trên bàn tiệc có cả cỗ mặn lẫn cỗ chay. Thấy anh mình trong bữa ăn quên cả kiêng khem mà nhúng đũa cả vào cỗ mặn một cách phóng túng, Hoàng hậu khẽ nhắc ông: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Tuệ Trung Thượng sĩ cả cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không hề muốn làm Phật, Phật cũng không hề muốn làm anh. Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?”. Trần Nhân Tông bấy giờ cũng có mặt trong bữa tiệc, lần đầu tiên một cách lý giải khoáng đạt như vậy đã in sâu vào tâm trí còn rất non trẻ của ông. Thế rồi một thời gian sau, vào tháng Hai năm 1287, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm qua đời. Vua Trần Nhân Tông cúng chay cho Hoàng hậu, cho con là Trần Nhân Tông đi mời Tuệ Trung đến dự. Lúc này Trần Nhân Tông đã lớn, đã lên ngôi báu được 9 năm. Nhưng từ lâu nhà vua vẫn có một điều tâm niệm thành kính là tham bác sâu vào những điều huyền cơ của Phật giáo. Ông đề nghị Thượng sĩ giúp đỡ. Tuệ Trung bèn trao cho nhà vua hai bộ kinh Tuyết ÐậuDã Hiên, để vua xem những lúc rảnh rỗi công việc. Nhớ lại câu chuyện đàm thoại giữa Thượng sĩ và mẹ mình hồi nọ, lại có chút băn khoăn về hành vi gọi là “hòa quang đồng trần” của vị Thượng sĩ nổi tiếng khắp trong triều ngoài nội mà mình chưa hiểu rõ, vua làm bộ ngây thơ hỏi ông: “Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?”. Tuệ Trung liền trả lời vua: “Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình có vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy”. Rồi ông đọc bài kệ sau đây cho vua nghe: Vạn pháp đều biến diệtTâm ngờ tội liền sinhXưa nay không một vậtMầm mống hỏi đâu thànhHàng ngày khi đối cảnhMọi cảnh đều tâm sinhCảnh tâm không có thật Chốn chốn ba-la-mật” (Nguyễn Huệ Chi dịch, Thơ văn Lý – Trần, Tập II, Q.thượng, NXB Khoa học xã hội, H.1989…). Nhân Tông thưa với Tuệ Trung rằng mình đã hiểu lời dạy của ông về tội phúc. Nhưng Tuệ Trung biết ông chưa thật hiểu. Ông đọc tiếp: Ăn thịt và ăn cỏChúng sinh từng loài đó Xuân về cây cỏ sinhHọa phúc nào đâu có. Nhân Tông nhân đấy liền hỏi ông câu hỏi vốn đã chất chứa trong tâm khảm từ lâu: “Như vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?”. Tuệ Trung cười không đáp. Vua cố nài. Ông bèn thong thả đọc cho vua nghe một bài kệ có tính cách khai phóng cho nhãn giới của nhà vua, mà trước khi đọc còn cẩn thận dặn vua đừng bảo cho người không ra gì biết: Trì giới và nhẫn nhụcChuốc tội chẳng chuốc phúcMuốn vượt qua tội phúcÐừng trì giới nhẫn nhụcNhư khi người leo câyÐang yên bỗng tìm nguyKhông trèo lên cây nữaTrăng gió làm được gì? (Nguyễn Huệ Chi dịch, Thơ văn Lý – Trần, Tập II, Q.thượng, 1989, Sđd)… Một lần gặp gỡ khác, Trần Nhân Tông lại căn vặn Tuệ Trung: Tông chỉ thiền phái mà Thượng sĩ theo đuổi là gì? Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung khi ông nhận y bát từ tay thiền sư Tiêu Diêu để rút ra cho mình một kinh nghiệm trên đường giác ngộ. Những lời đáp của vị Thượng sĩ làm nhà vua đột nhiên bừng sáng về yếu chỉ của Thiền đạo: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được ở một ai khác”…” (Nguyễn Huệ Chi, Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật – NXB Giáo dục, 2013, tr.375 đến tr.377).

 

1 thoughts on “CÓ PHẢI GS NGUYỄN HUỆ CHI TÌM RA TÊN CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ LÀ TRẦN TUNG?

  1. Pingback: “BORISTO NGUYỄN ĐÃ BÉ CÁI NHẦM” HAY LÀ TRÒ LÁU CỦA NGUYỄN HUỆ CHI? | Boristo Nguyen

Bình luận về bài viết này