TU SĨ ĐẦU ĐÀ THÍCH MINH TUỆ, TẢN MẠN ĐÔI DÒNG SUY NGHĨ

Fb Boristo Nguyen, 06-06-2024

1. Tôi không phải phật tử, không biết gì về phật pháp và không đi chùa cúng bái… Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy mình gần gũi với đạo Phật. Tôi gần gũi với Phật giáo có lẽ ở những triết lý tốt đẹp về cuộc sống hơn là một tôn giáo. Tôi cảm nhận ở Đức Phật sự từ bi hỉ xả, sự thanh thản giúp cho con người biết an nhiên tự tại. Phật ở tâm.

«Tại thế vi nhân thân / Tâm vi Như Lai tạng /Chiếu diệu thả vô phương / Tâm chỉ cánh tuyệt khoáng” (Phạm Thường Chiếu)

Nghĩ về Thích Minh Tuệ, tôi lại nhớ đến vài kỷ niệm.

Trong chuyến công tác cùng đoàn chuyên gia Liên Xô làm việc với Sở Giáo dục Nam Định và trường Lê Hồng Phong chúng tôi được đi thăm chùa Phổ Minh (chùa Tháp). Các giáo sư Nga cứ ấn tượng mãi về sư thày trụ trì chùa. Ngoài những triết lý nhân sinh của phương Đông đối với họ có thể mới mẻ, các giáo sư cứ thắc mắc tại sao một con người trông gày gò, sống đạm bạc mà toát ra vẻ an nhiên tự tại, một cách nhìn cuộc sống tích cực đến như vậy. Sư thày còn khá trẻ nhưng uyên thâm. Đó là năm 1990, lúc Việt Nam đời sống rất khó khăn. Ở Liên Xô cũng vậy, công cuộc cải tổ đã xuất hiện không ít vấn đề, tâm lý người dân không khỏi không bị ảnh hưởng.

Năm 2008 tôi có chuyến đi xuyên Việt cùng với một nhóm bạn Nga. Hôm đó chúng tôi đi thăm Ngũ Hành Sơn. Trời nóng, mọi người leo núi khá mệt, mồ hôi nhễ nhại. Khi chúng tôi đứng nghỉ dưới gốc cây thì vọng ra tiếng chuông chùa rồi tiếng nhạc chùa nhè nhẹ. Mọi người cảm thấy rất dễ chịu, mệt mỏi như biến đâu mất. Mấy bạn Nga có hỏi tôi, tại sao ở Việt Nam họ không thấy có nhiều chùa to, hoành tráng như bên Miến Điện, Thái Lan, Campuchia hay Lào? Tôi hỏi ngược lại: bọn mày có biết quân Mông Cổ sang đánh Việt Nam ba lần, cả ba lần đều thất bại? Mấy cô cậu Nga trố mắt vì họ quá biết thế nào là sức mạnh của đế quốc Mông Cổ xưa. Tôi mới bla bla, chém gió về nền văn hóa Việt hàng nghìn năm, về sức mạnh của nó. Sức mạnh của văn hóa Việt Nam không nằm ở sự phô trương, bề ngoài mà ở chiều sâu, tưởng phân tán mà đoàn kết, tưởng đơn giản mà sâu sắc. Trông chùa chiền Việt Nam nhỏ bé, thanh tịnh thế thôi nhưng ẩn giữ những sức mạnh vô biên khi cần thiết. Mình tám láo mà tây nghe sái cổ, tin lấy tin để.

Năm 2012 cả nhà tôi đi Tràn An, thăm chùa Bái Đính. Đến nơi thấy chùa quá to, lại toàn được nghe kể đây là chùa to nhất, phá nhiều kỷ lục này nọ của Đông Nam Á và châu Á. Rồi lại được rỉ tai nghe kể là ông này ông nọ đứng đằng sau, tài trợ và trợ giúp. Tôi nghe mà chán hẳn.

2. Thích Minh Tuệ là hiện tượng vô tiền khoáng hậu. Lịch sử Việt Nam hiện đại chưa từng thấy có trường hợp nào như vậy. Truyền thông, mạng xã hội sôi sùng sục. Ông đi tới đâu là cả đoàn người đi theo, hàng nghìn xếp hàng đón rước, dân tình theo dõi từng bước chân, kể cả những hành động riêng tư của ông. Trong đám đông bám theo có không ít người ăn theo, hiếu kì, đu theo trend hoặc lợi dụng ông cho những mục đích cá nhân. Nhưng điều đó không thể phủ nhận việc có rất rất nhiều người coi ông chính là bậc chân tu, hay thậm chí hiện thân của Đức Phật.

Vậy điều gì tạo nên hiện tượng bùng nổ này? Chắc chắn có chuyện tâm lý đám đông, bầy đàn, một đặc tính của xã hội Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên nhân thứ yếu, phái sinh. Nguyên nhân chính, theo tôi, đó là vì Thích Minh Tuệ có một sức hút mãnh liệt, sức hút của một vị chân tu. Ở ông toát ra vẻ đẹp của Phật giáo đúng nghĩa.

3. Thích Minh Tuệ có một vẻ đẹp nhân bản, một vẻ đẹp hiếm có ở xã hội ngày nay, một xã hội xô bồ, chạy theo vật chất. Giản dị, khiêm nhường, minh triết, bao dung và nhân ái. Dù muốn hay không hình tượng Thích Minh Tuệ đã tạo tương phản với những người giả tu, khoác áo Phật nhưng tâm không hướng Phật, làm nổi lên những vấn đề của Giáo hội Phật giáo, và không ít bất cập của xã hội hiện đại. Nói điều này, tôi không phủ định và vẫn tin có rất nhiều những nhà tu hành đúng đắn, những vị chân tu thực sự. Và tôi cũng không nghĩ đi tu nhất thiết cứ phải cách tu hạnh đầu đà như ông.

Suốt 6 năm trời, Thích Minh Tuệ đầu trần chân đất, đi bộ, ngủ rừng ngủ bụi, khất thực ăn chay ngày một bữa, bữa nào không xin được thì nhịn. Hỏi điều này mấy ai làm được? Khổ hạnh như vậy nhưng nhìn ông đi nhanh nhẹn, dáng đi thanh thoát, trên mặt không thấy sự mệt mỏi, cố gắng chịu đựng. Nhìn mặt ông tôi cảm nhận được sự thiện lành, an nhiên tự tại. Hình ảnh thật đẹp, vẻ đẹp của con người vững tin trên con đường mình chọn, con đường mà Phật chỉ dẫn cho ông.

Bạn thử nhìn lại gương mặt Thích Minh Tuệ, đọc lại và ngẫm những điều ông nói xem có thấy đẹp không? Một vẻ đẹp thiện lương, đầy nhân ái. Chân thật không tô điểm.

4. Tại sao Giáo hội Phật giáo lại có phản ứng tiêu cực với Thích Minh Tuệ? Rõ ràng ông không xúc phạm, không động chạm tới Giáo hội Phật giáo hay các nhà sư khác. Tuy nhiên, trên thực tế, dù không muốn Thích Minh Tuệ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Giáo hội. Nguyên nhân không nằm ở ông. Nguyên nhân nằm ở chỗ có không ít nhà tu hành thuộc Giáo hội có lối sống và những hành động hoàn toàn trái ngược với ông. Họ đi xe sang, đeo đồng hồ đắt tiền, … và kêu gọi phật tử cúng dường càng nhiều càng tốt. Họ không giống với ông, người rũ bỏ mọi tham sân si, vật chất, dục vọng. Việc đối lập này đã làm cho nhiều người phải nghĩ lại về con đường tu tập, ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo. Ảnh hưởng càng tăng khi đám đông dân chúng tung hô, biến Thích Minh Tuệ thành ngôi sao, ngược lại ý nguyện rũ bỏ sân si của ông.

Bản thân Thích Minh Tuệ không coi mình là nhà sư. “Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân Việt Nam giống như mọi người thôi. Con chỉ muốn học tu”. Thượng tọa Thích Đức Thiện, đại diện cho Giáo hội Phật giáo “khẳng định người được mạng xã hội gọi là “sư Thích Minh Tuệ” không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (VnExpress). Tôi không biết thế nào mới được gọi là sư, là tu sĩ Phật giáo. Thích Minh Tuệ có thể không được coi là nhà sư, tu sĩ Phật giáo, vì không phải là nhân sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng trong lòng rất nhiều người, ông chính là một vị chân tu, nhà sư không phải của Giáo hội mà của rất nhiều người dân.

5. Một vài “nghịch lý” nho nhỏ.

– Thích Minh Tuệ không nhận mình là sư, Giáo hội Phật giáo tuyên bố ông không phải là sư nhưng người dân lại gọi ông là sư, coi ông là bậc chân sư.

– Thích Minh Tuệ xưng con nhưng người dân gọi ông là thày.

– Các phát biểu của ông mộc mạc, thậm chí “ngây ngô” (NBC) nhưng lại có sức mạnh, làm xúc động trái tim bao nhiêu người.

– Vẻ ngoài, lời nói của Thích Minh Tuệ hồn nhiên, chân chất nhưng lại toát lên bên trong là sự sâu sắc, thông tuệ.

– Người xúc phạm, đánh ông nhưng ông không giận, lại chúc cho họ bình an.

– Không ít người tu nhưng không hành, Thích Minh Tuệ tu thông qua hành.

– …

6. Thích Minh Tuệ làm gì được cho đời?

Có người viết lên mxh, hỏi: “Ai là người trồng lúa gạo cho thày dùng bữa? Ai sẽ dệt những tấm vải để có áo cho thày mặc?….”. Tôi nghĩ tác giả viết status viết lúc nổi hứng, chưa suy nghĩ chu đáo trước sau. Nghĩ lại, chắc anh thấy mình vội vã, thiếu cẩn trọng. Không khó để tìm ra câu trả lời, và chắc anh cũng có thể tự tìm mà không cần người khác giúp đỡ.

Một bạn phây đặt câu hỏi tương tự, Thích Minh Tuệ làm được gì cho cộng đồng? Xin thưa, chưa nói đến giá trị tâm linh, Thích Minh Tuệ ít ra đã làm chúng ta phải soi lại mình, cảnh báo về những bất cập không chỉ của tổ chức Tôn giáo mà của xã hội, một xã hội chạy theo vật chất thái quá. Khôi phục niềm tin vào những giá trị nhân bản đang dần bị quên lãng trong xã hội hiện đại. Đó chính là giá trị tinh thần, cần thiết cho con người không kém phần giá trị vật chất.

7. Cái gì rồi cũng kết thúc. Cuộc đi bộ của Thích Minh Tuệ với đám đông rầm rộ đi theo cũng đã kết thúc. Báo chí nhà nước đưa tin Thích Minh Tuệ “tự nguyện dừng đi bộ khất thực” và sẽ tìm một chỗ yên tĩnh để ẩn tu. Tôi không biết thực hư thế nào nhưng nghĩ đó cũng là điều hợp lý. Đám đông bám theo, cả trăm, nghìn người đón rước, vừa ảnh hưởng đến việc tu tập và sự riêng tư của ông, vừa ảnh hưởng đến giao thông, trật tự xã hội. Hiện tượng Thích Minh Tuệ xuất hiện như một ngôi sao băng, vụt sáng rồi tắt. Tuy nhiên, hình ảnh Thích Minh Tuê, một tu sĩ đầu đà khổ hạnh, gạt bỏ mọi bụi trần với gương mặt thiện lành chắc chắn vẫn còn lưu giữ trong trái tim không ít người.

Moscow, 06-06-2024

Bình luận về bài viết này