CHUYỆN CỜ ĐỎ SAO VÀNG TẠI EURO 2020 – VĂN HÓA “NGẠO NGHỄ” HAY LÀ MẶC CẢM TỰ TI DÂN TỘC?

Mấy hôm nay mạng xã hội rộ lên chuyện quốc kỳ Việt Nam được treo tại khán đài Gazprom Arena, thành phố St. Petersburg trong trận Thụy Sĩ – TBN, Euro 2020. Chuyện có lẽ đã không ầm ĩ nếu không “được” mấy vị nhà báo, bình luận viên truyền hình bốc lên thành “xúc động đến nghẹn ngào”, “Tự hào quá”, “Cộng đồng mạng xúc động” …

Dân tình chia làm 2 phe, một bên chê bai, chỉ trích, bên kia ủng hộ. Có rất nhiều lời chỉ trích  nặng nề, coi việc mang quốc kỳ vào phô trương tại một sự kiện mà Việt Nam không liên quan, là một sự ăn theo vô duyên… Người ủng hộ cũng đưa ra những lí giải của mình

Vậy đánh giá việc này thế nào? Tốt hay xấu, khen hay chê? Theo tôi, khen hay chê phải dựa vào tiêu chí, có luận cứ, chứ không thể theo cảm tính. Có một vài câu hỏi đáng quan tâm:

Câu hỏi thứ nhất: liệu có đáng tự hào khi thấy xuất hiện quốc kỳ Việt Nam tại khán đài trong một trận đấu quốc tế mà Việt Nam không tham dự, nhất là khi truyền hình quốc tế quay đi quay lại? Tôi nghĩ là không! Thường người ta tự hào khi làm được một kì tích, điều khác thường mà người khác không làm được. Việc một vài người Việt mua được vé, mang cờ vào sân rồi treo đâu có phải là cái gì ghê gớm để đáng tự hào. Và nếu nó được coi là niềm tự hào dân tộc thì phải chăng niềm tự hào của người Việt quá tầm thường? Chẳng có lí do gì để tự hào!

Câu hỏi thứ hai: có được mang quốc kỳ Việt Nam vào treo trong sân?  Tôi nghĩ là được! Đánh giá hành động không nên dựa vào cảm tính, cách nhìn chủ quan.

Đứng về lý: cái gì pháp luật, ban tổ chức không cấm người ta hoàn toàn có quyền làm.

Đứng về tình, việc làm này có vô duyên hay không? Để đánh giá hiện tượng cụ thể này có lẽ cũng nên phân biệt một trận đấu của WC hay Euro với một trận đấu ở cấp độ khác. WC, Euro không đơn thuần chỉ là các trận đấu giữa các đội mà còn là ngày hội bóng đá. Nhớ lại WC 2018, tôi thấy ngày hội bóng đá này không chỉ diễn ra trên sân cỏ. Nó còn được diễn ra trên khán đài, bên ngoài sân, tại các khu fan fest hay những nơi khác. Fans bóng đá đến từ đủ các nước, họ nhảy múa, hò hét .. Trên các khán đài có đủ các loại cờ: cờ các nước, các địa phương, câu lạc bộ yêu thích. Một trận chỉ có 2 đội bóng, cờ nhiều nước thì giải thích thế nào? Đơn giản vì đây là ngày hội, mỗi người có thể phất, treo cờ để thể hiện là “chúng tôi cũng có mặt và tham gia ngày hội. Chẳng ai thắc mắc, chẳng ai chê bai là vô duyên, “ăn ké”. Tất nhiên một trận bóng tại WC, Euro cũng khác một trận đá cup hay giải vô địch trong nước, một giải Euro tổ chức tại một nước cũng có khác  tổ chức tại nhiều nước.

Cờ Mỹ trên tại WC 2018

Còn đánh giá theo cảm tính thì mỗi người một các suy nghĩ khác nhau, triệu người triệu góc nhìn. Đây là thí dụ về góc nhìn của một người Nga có mặt trên sân viết cho bạn/đối tác ở VN. Ví dụ này cho thấy không phải ai cũng phê phán chê bai việc treo cờ Việt Nam tại Euro.

Ở nước Nga mọi người đều nhớ Việt Nam! Mọi người treo cờ để Việt Nam mở cửa biên giới! Vì điều này, hôm nay chúng tôi đã làm chai cô nhắc

Вo России все соскучились по Вьетнаму! Все вешают флаги, чтобы открыли границу во Вьетнам! Мы сегодня за это выпили бутылку коньяка.” (tạm dịch: Ở nước Nga mọi người đều nhớ Việt Nam! Mọi người treo cờ để Việt Nam mở cửa biên giới! Vì điều này, hôm nay chúng tôi đã làm chai cô nhắc)

Ta chỉ nên hiểu, đây là hiện tượng của một nhóm người có cách nghĩ và cách thể hiện những suy nghĩ riêng của mình. Không hơn không kém. Không cần cực đoan hóa vấn đề.

Cái đáng nói ở đây, theo tôi không phải là chuyện treo cờ tại sân mà cái văn hóa “ngạo nghễ” hiện khá phổ biến ở người Việt hiện nay. Hiện tượng này xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí, truyền hình. Người ta dễ dàng phong nhau thành anh hùng, dễ tự hào, tự ru ngủ mình bằng những điều đơn giản được nâng lên thành kì tích. Chuyến bay “ngạo nghễ” đón 30 công dân Việt từ Vũ Hán về nước năm trước, “đường Hồ Chí Minh trên không” mấy ngày hôm nay là những ví dụ minh chứng. Và cũng vì cái văn hóa “ngạo nghễ” ngất ngây với chiến thắng trong việc chống dịch covid 19 mà Việt Nam đã bắt đầu muộn trong việc mua vắc xin, không có chiến lược và chuyển bị sẵn sàng khi tình huống dịch bệnh thay đổi, chiến lược truy tầm đuổi bắt không còn thích hợp.

Tôi cứ nghĩ, tại sao ở người Việt lại xuất hiện cái văn hóa này? Nguyên nhân từ đâu ra? Có ai đó cho đó là bệnh thành tích, chắc cũng có phần đúng. Nhưng còn nguyên nhân khác, có lẽ quan trọng hơn. Đó là mặc cảm (complex) tự ti dân tộc. Bên trong là mặc cảm về sự yếu kém, sợ người khác coi thường nên bên ngoài phải lên gân, cố thể hiện mình. Hiện tượng này gần giống với cảnh người Nga thời đất nước còn khó khăn ra nước ngoài, nhất là những người từ các vùng quê đi lần đầu. Nhiều người trang điểm rất nặng, ăn mặc phô trương, dây vàng đeo cổ to như dây xích … Có lẽ họ sợ bị coi thường nên cố thành như vậy. Khi đất nước phát triển, dần dần phong cách cũng thay đổi, ăn mặc trở nên bớt diêm dúa, điềm đạm hơn.

Cái giá trị nó nằm ở chiều sâu bên trong chứ không phải bởi tấm áo lòe loẹt bên ngoài. Còn nhiều thí dụ khác tương tự. Có lẽ việc một số người Việt treo cờ, livestream hôm rồi cũng xuất phát từ tâm lí này? Và cả những chê bai nặng nề, sợ người nước ngoài chê cười cũng vậy?

Đất nước phát triển, vị thế người Việt trong con mắt người nước ngoài đã tăng và sẽ còn tiếp tục tăng. Hy vọng trong một tương lai không xa, người Việt không cần treo cờ, phô trương  một cách thái quá, không cần phải “ngạo nghễ” nhưng vẫn được bạn bè tôn trọng và yêu quí. Đó mới là giá trị thực mà chúng ta cần tiến tới.

Moscow những ngày Euro 2020

Bình luận về bài viết này