VĨNH BIỆT CHU VĂN SƠN, MỘT CÂY BÚT TÀI HOA

Fb Boristo Nguyen, 19-4-2019

Tôi chưa gặp Chu Văn Sơn ngoài đời, và cũng không phải là bạn của anh. Tôi được biết đến anh qua bài viết “Chữ Tâm của một người thày văn khoa”, bài viết về GS NĐC, bố tôi. Chỉ một bài viết mà anh chiếm trọn sự mến phục của tôi. Tôi vẫn nói với bố, trong các bài viết của bạn bè, học trò về ông, bài của Chu Văn Sơn là hay nhất. Hay bởi cái tình của trò đối với thày, nắm bắt để khắc họa chân dung với đúng “hồn cốt” của thày. Nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn cả là là sự tinh tế, cái khái niệm “Tâm quyền” là một phát hiện rất độc đáo của anh.

Tôi cứ nghĩ, làm nghề thày mà được học trò viết về mình như vậy thì thật hạnh phúc.

Và từ đó, tôi thi thoảng cũng tìm đọc các bài anh viết. Là người ngoại đạo, tôi không có tư cách để đánh giá các nhà lí luận phê bình. Tôi chỉ muốn nói lên cảm nhận của mình, cảm nhận của một bạn đọc trái nghề. Tôi có thử đọc một số bài viết về phê bình văn học, nói thực là không mấy thích thú. Một số người thì dùng lí thuyết này, lí thuyết nọ, nghe thì tây tàu rất sang nhưng cứ có cảm giác là họ sa vào kĩ thuật mà quên mất văn chương, không làm cho bạn đọc thấy cái hay, cái đẹp của nó. Một số khác thì phê bình theo lối rập khuôn, có mở bài, có kết thúc, khen là chính, chê đôi chỗ cho có chê. Viết như vậy, tôi nghĩ ai viết cũng được.

Đọc Chu Văn Sơn, hoặc một bài viết nghiêm túc đăng báo hay chỉ một note nhỏ trên facebook, tôi luôn thấy thú vị. Thú vị vì ở anh luôn có những phát hiện rất tinh tế, bất ngờ. Anh nhìn thấy, phát hiện ra những cái đẹp mà ít người nhìn thấy. Một ngòi bút thật tài hoa và tinh tế.Trời phú cho Chu Văn Sơn một khả năng cảm nhận, một con mắt nhìn ra cái đẹp của văn chương.

Không hiểu sao, đọc Chu Văn Sơn tôi cứ hay liên tưởng đến Hoài Thanh. Có lẽ vì bởi ở Chu Văn Sơn có những điểm tương đồng với tác giả của “Thi nhân Việt Nam”?

Năm ngoái về nước khi ghé ĐHQG chơi với mấy người bạn, tôi có thoáng nhìn thấy Chu Văn Sơn với mái tóc bồng. Định chạy ra bắt tay anh, cám ơn anh về bài viết “Chữ Tâm của một người thày văn khoa” nhưng rồi ngần ngại lại thôi. Tuy anh là học trò, đồng nghiệp cùng tổ với bố tôi nhưng vẫn nghĩ mình không quen, làm thế có thể hơi vô duyên.

Hôm nay, được tin anh đã đi xa, trong tôi cứ trào lên một cảm giác tiếc buồn. Tiếc buồn cho một cây bút tài hoa đã sớm rời bỏ cõi trần.

Xin vĩnh biệt anh!

http://www.vanhoanghean.com.vn/…/chu-tam-cua-mot-nguoi-thay…

Bình luận về bài viết này